Ảnh minh họa
Sau khi vụ lúa hè thu năm nay thu hoạch xong, quán xay xát gạo của anh Hồ Văn Hít ở thôn Nguồn Rào-Pin, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa hoạt động liên tục để phục vụ người dân trong xã. Nhiều năm trước, khi điện lưới chưa về đến đây, người dân trong thôn, trong xã muốn xay gạo phải vượt quãng đường hơn 10 km để đến điểm xay xát ở xã khác. Từ khi có điện, các hộ dân tại các thôn, bản của xã Hướng Sơn đã đầu tư máy móc, thiết bị để phục vụ đời sống ngày càng thuận tiện, đầy đủ hơn.
“Ngày xưa chưa có điện, gia đình không có điều kiện để mua máy, giờ có điện rồi, tôi mua máy xát để phục vụ người dân, đời sống cũng khá hơn, có tiền cho con đi học. Bà con ở đây từ khi có điện thì rất phấn khởi, mua sắm nhiều đồ dùng như điện thoại, ti-vi,...”, anh Hồ Văn Hít hào hứng chia sẻ.
Hướng Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Hướng Hóa, có sáu thôn với hơn 600 hộ và khoảng 2.600 nhân khẩu, trong đó, 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, hai thôn Cát, Trỉa nằm cách trung tâm xã hơn 23 km là hai thôn, bản cuối cùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được cấp điện. Dòng điện băng qua núi đồi, sông suối mang ánh sáng về từng mái ấm khắp vùng cao xa xôi heo hút. Có điện, cuộc sống người dân bước sang một trang mới. Hầu hết đồng bào đều tiết kiệm chi tiêu mua sắm phương tiện nghe nhìn.
Bên cạnh đó, nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở xưởng cơ khí, dịch vụ cưa xẻ gỗ, vận tải, phân bón,... để phục vụ nhân dân trong vùng, đồng thời phát triển kinh tế. Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hướng Sơn cho biết, điện về bản không chỉ làm thay đổi đời sống tinh thần của người dân mà còn mở ra niềm hy vọng, giảm đi cái đói, cái nghèo từng bám lấy nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Điện lực huyện Hướng Hóa có nhiệm vụ cấp điện cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số cho nên công tác quản lý, bảo vệ và bảo đảm an toàn điện gặp rất nhiều khó khăn. Vào mùa mưa bão, nhiều thôn, bản bị chia cắt, cán bộ, nhân viên ngành điện luôn có mặt kịp thời, băng rừng vượt suối để bảo đảm việc cấp điện an toàn cho người dân. Chính vì vậy, chính quyền và nhân dân ở các thôn, bản của huyện miền núi Hướng Hóa luôn hỗ trợ, sẵn sàng hiến đất, hiến cây để phục vụ các công trình của ngành điện.
Ông Nguyễn Viết Trí, Phó Giám đốc Điện lực Khe Sanh cho biết: “Được chứng kiến các em học sinh học bài dưới ánh điện, chúng tôi đều tin tưởng một cuộc sống tươi sáng hơn đang chờ các em ở phía trước. Vì vậy, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh hiệu quả, chúng tôi chú trọng các phong trào an sinh xã hội, nhân đạo trên địa bàn như xây dựng quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... và luôn được cán bộ, công nhân, viên chức ngành điện tự giác tham gia”.
Theo Công ty Điện lực Quảng Trị, từ năm 2015, tỉnh Quảng Trị đạt 100% thôn, bản có lưới điện quốc gia. Trong đó, trên địa bàn miền núi của tỉnh, ngành điện đã đầu tư xây dựng hơn 393.000 km đường dây từ 22 kV đến 35 kV với gần 400 trạm biến áp, bảo đảm cấp điện cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Tại huyện đảo Cồn Cỏ, mọi nhu cầu điện đều được đáp ứng bằng nguồn điện diesel của ngành điện. Đến thời điểm này, đã có hơn 99,84% số hộ dân của tỉnh Quảng Trị được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia, tỷ lệ này đứng đầu khu vực miền trung-Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Đăng Phi, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Trị cho biết, để bảo đảm việc cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, công ty đã thành lập các đội tổng hợp ở các khu vực xa trung tâm để túc trực phục vụ cho người dân, nhất là trong mùa mưa bão. Để tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hệ thống lưới điện, trong năm 2023, Công ty Điện lực Quảng Trị đang quản lý, thực hiện 55 danh mục công trình với tổng số vốn hơn 143 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm, các công trình thi công và hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Việc đầu tư thực hiện điện khí hóa nông thôn những năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện về vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị. Từ chương trình hiện đại hóa lưới điện nông thôn, nguồn điện ổn định, chất lượng, an toàn, người dân nông thôn có điều kiện mở rộng ngành nghề kinh doanh dịch vụ, tiến tới xóa đói, giảm nghèo bền vững./.