Từ ngày 1/10, toàn tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg với nhiều điều kiện được nới lỏng, tạo thuận lợi cho người dân khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội.
Trong ngày đầu nới lỏng giãn cách, mật độ giao thông trên các tuyến đường nội ô thành phố Cao Lãnh bắt đầu đông đúc trở lại.
Dịch đã được kiểm soát
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, từ 18 giờ ngày 30/9 đến 6 giờ ngày 1/10, địa phương ghi nhận thêm 9 ca mắc mới trong các cơ sở cách ly y tế và khu vực phong tỏa. Cộng dồn đến nay, Đồng Tháp có 8.301 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 7.682 bệnh nhân đã được xuất viện, 212 người tử vong. Hiện nay, tỉnh đang điều trị cho gần 400 ca mắc COVID-19.
Đồng Tháp hiện có 2 xã ở mức dự báo “nguy cơ rất cao”, 7 xã “nguy cơ cao”, 20 xã “nguy cơ” và 114 xã “bình thường mới”. Toàn tỉnh chỉ còn 36 khu vực phong tỏa, có 118 “vùng xanh” do Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận và 1.125 khu vực “vùng xanh” do Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận. Đặc biệt, có 3 địa phương (Tam Nông, Tháp Mười, Tân Hồng) qua 14 ngày chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng và 5 địa phương (các huyện Lấp Vò, Cao Lãnh, Thanh Bình, Châu Thành và thành phố Hồng Ngự) không có ca nhiễm trong cộng đồng từ 7 ngày trở lên.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng cho biết, theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tình hình dịch trên địa bàn đã được kiểm soát chặt chẽ. Các cấp, ngành đã vào cuộc quyết liệt, nắm chắc mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc, quy trình trong thực hiện công tác phòng, chống dịch, phối hợp quản lý chặt chẽ địa bàn, không để xảy ra ổ dịch mới phức tạp. Số ca nhiễm mới giảm sâu so với các giai đoạn trước, số ca điều trị khỏi tăng nhanh, số ca tử vong giảm mạnh. Hoạt động sản xuất dần khôi phục, thích ứng với tình hình dịch COVID-19.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng cho rằng, đạt được những kết quả quan trọng nêu trên là do tỉnh kiên trì thực hiện phương châm "nhanh hơn một bước, cao hơn một mức" với tinh thần: thận trọng nhưng không cứng nhắc; linh hoạt nhưng bảo đảm các nguyên tắc phòng, chống dịch cơ bản; nới lỏng đến đâu thì quản lý, kiểm soát chặt chẽ đến đó.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Thắng cũng cho rằng, nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn rất cao, nhất là ở nơi có "nguy cơ cao", tập trung đông dân cư, địa bàn giáp ranh với các tỉnh bạn. Công tác tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương có lúc, có việc còn chủ quan, lơ là, thiếu chặt chẽ, nhất là khi chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ cao xuống thấp hơn. Số ca nhiễm ngoài cộng đồng còn xảy ra và tiềm ẩn phát sinh ổ dịch mới; vẫn còn trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19. Một bộ phận người dân chấp hành chưa nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong một vài thời điểm còn chậm.
Khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng, tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15 từ ngày 1/10 nhưng tùy tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn ở từng thời điểm, có điều chỉnh kịp thời, phù hợp, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt phương châm "nới lỏng đến đâu thì quản lý, kiểm soát chặt chẽ đến đó". Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới là triển khai thực hiện tốt mục tiêu "thích ứng linh hoạt, an toàn, khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội".
Ông Phan Văn Thắng lưu ý cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thông điệp 5K. Các Huyện ủy, Thành ủy lãnh đạo khẩn trương xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương mình trong trạng thái thích ứng với tình hình dịch, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh bổ sung, điều chỉnh quy định về di chuyển của các nhóm đối tượng trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm kiểm soát an toàn, phòng, chống dịch. Đặc biệt duy trì các chốt cửa ngõ, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ trường hợp di chuyển vào tỉnh; có biện pháp quản lý, giám sát việc di chuyển liên huyện, thành phố phù hợp với tình hình mới.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp tỉnh, bảo đảm giải quyết nhanh nhất, hợp lý nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trên phương tiện truyền thông để người dân nắm bắt, thực hiện...
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc để tầm soát đối với khu vực có "nguy cơ cao", tầm soát cộng đồng với quy mô phù hợp; tăng cường năng lực xét nghiệm, sắp xếp máy xét nghiệm RT-PCR hợp lý cho các khu vực 2 huyện Tháp Mười, Lấp Vò, thành phố Cao Lãnh để nâng cao năng lực và chủ động tầm soát, xét nghiệm ở những khu vực này…
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại thành phố Cao Lãnh chỉ phục vụ mang đi và bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu sắp xếp, điều chỉnh, nâng cao năng lực y tế của tỉnh; nâng cao chất lượng điều trị F0 ở tất cả các tầng điều trị; tăng cường năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ tham gia đội hình y tế lưu động của xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, bảo đảm 100% trạm y tế cấp xã có đủ cơ số thuốc, oxy, trang thiết bị theo quy định; thành lập đội hình phản ứng nhanh về y tế tuyến tỉnh, huyện gắn với phân công phụ trách địa bàn để xử lý tốt các tình huống phát sinh…
Các địa phương tổ chức tiêm vaccine theo đúng tinh thần "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm nhanh nhất"; tiếp tục tổ chức việc cung ứng, vận chuyển, tiếp nhận, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất, tiêu thụ hàng hóa thuận lợi, không gây ách tắc, không để ảnh hưởng đến hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Các ngành, địa phương vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh quan tâm tạo việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương; tiếp tục chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19.../.