Điểm tin ngành Thông tin và Truyền thông tuần 48 (từ ngày 25/11 đến ngày 01/12/2023)

Thứ hai, 04/12/2023 11:33

Thông tin tổng hợp về hoạt động ngành Thông tin và Truyền thông các địa phương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tuần 48 (từ ngày 25/11 đến ngày 01/12/2023).

Điểm tin ngành Thông tin và Truyền thông tuần 48 (từ ngày 25/11 đến ngày 01/12/2023)- Ảnh 1.

Hình ảnh một số sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái được quảng bá trên sản giao dịch

Bình Dương chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn TMĐT.

Thời gian qua, mặc dù Hội Nông dân tỉnh cùng các Ban, ngành liên quan có nhiều hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số nhưng thực tế, chuyển đổi số nông nghiệp còn không ít thách thức, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn khiêm tốn. Việc chậm thay đổi phương thức kinh doanh mới đang là rào cản trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hiện nay. Hội Nông dân đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh về việc tham gia chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Theo thỏa thuận, Bưu điện tỉnh sẽ thu thập đưa thông tin của 5.000 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch Posmart.vn. Đây là cơ hội để các HTX, hộ nông dân biết thêm các hình thức bán hàng mới, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Yên Bái có 227 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn TMĐT.

Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đã có hằng trăm sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn TMĐT, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Việc đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông dân, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nâng sóng 2G lên 4G thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Từ tháng 9/2022, Bộ TT&TT triển khai kế hoạch tắt sóng 2G trên toàn quốc. Tại Bình Phước, các nhà mạng đang tích cực chuyển dịch thuê bao 2G lên 4G, thúc đẩy các hoạt động của người dân lên môi trường số và đảm bảo cung cấp dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn. Từ năm 2022, mạng VNPT đã thực hiện tắt gần 2.000 trạm 2G có số thuê bao và lưu lượng thấp. Viettel đang chuyển dịch thuê bao 2G lên 4G và đặt mục tiêu năm 2023 mở rộng vùng phủ 4G tương đương 2G, phủ sóng 99% dân số để sẵn sàng cho việc tắt 2G tại Bình Phước.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở TT&TT Hà Nội đã 23 lần đề nghị doanh nghiệp viễn thông tạm dừng cung cấp dịch vụ với 994 số điện thoại vi phạm, trong đó có 115 số điện thoại thực hiện nhắn tin rác, cuộc gọi rác.

Thông tin trên được ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết tại hội nghị trao đổi, thảo luận nghiệp vụ thanh tra về an toàn thông tin và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động do Thanh tra Bộ TT&TT tổ chức mới đây.Chia sẻ với các Sở TT&TT trên cả nước, ông Nguyễn Tiến Sỹ nhấn mạnh đến sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các sở ngành, cùng các biện pháp hành chính phù hợp, sát thực tiễn để xử lý tình trạng phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác, quảng cáo rao vặt.

Về kinh nghiệm thực thi quy định tại Nghị định 91 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho hay, sau khi Nghị định có hiệu lực vào tháng 10/2020, Sở đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thông tin tuyên truyền trên cổng, trang thông tin điện tử của UBND các quận, huyện, thị xã. Các cơ quan, báo chí của trung ương và Hà Nội cũng được đề nghị ký chương trình phối hợp công tác với TP để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên địa bàn.

Sáng 29/11, Sở TT&TT Hà Nội phối hợp với Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức hội nghị TP thông minh Việt Nam - Châu Á 2023.

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy việc phát triển những đô thị thông minh và bền vững, là cơ hội lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia và doanh nghiệp về xây dựng TP Hà Nội thông minh cũng như thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp CNTT Hà Nội và quốc tế.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, về bản chất, phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Hà Nội cũng như các địa phương khác đặc biệt lưu ý, phải có tư duy phát triển đô thị thông minh ngay từ khi lập quy hoạch phát triển đô thị. Trong đó, các cơ quan trung ương tập trung vào ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu; còn việc tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội trong triển khai chuyển đổi số nói chung, phát triển CNTT&TT trong đô thị thông minh nói riêng để việc triển khai đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả bền vững.

Ngày 29/11, UBND huyện Di Linh (Lâm Đồng) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam khai trương Trung tâm IOC huyện Di Linh.

Đây là địa phương cấp huyện cuối cùng của tỉnh Lâm Đồng hoàn thành việc xây dựng, vận hành Trung tâm IOC. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Đức Công khẳng định, Trung tâm IOC của huyện chính thức đi vào hoạt động là sự khởi đầu của quá trình xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và công dân số, hướng tới xã hội số của huyện Di Linh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Trung tâm IOC huyện Di Linh được xem là “bộ não số”, là nơi tổng hợp, chỉ huy, điều hành hoạt động kinh tế-xã hội của huyện thông qua việc thu thập, chuẩn hóa dữ liệu, phân tích, xử lý, đưa ra các báo cáo, quyết định, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo huyện.

Hà Nội: Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ.

Báo cáo của NHNN Việt Nam chi nhán TP Hà Nội và Sở Công thương cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua đã diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Thanh toán số đã phát triển mạnh mẽ ở các dịch vụ, đi lại, mua sắm, ăn uống…ở TP Hà Nội. Để có được kết quả này là do TP Hà Nội đã khuyến khích các hoạt động kinh doanh đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Chị Nguyễn Kim Anh (ở Hàng Bông, Hoàn Kiếm) chia sẻ, nhờ chuyển đổi số, giờ đây chị có thể chủ động thanh toán các hóa đơn điện nước qua app ngân hàng và không cần phải giấy tờ nộp tiền như trước. Thông qua các app, có thể dễ dàng tra lại lịch sử giao dịch, rất tiện lợi.

Chuyển đổi số nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền tỉnh Bình Định.

Nhằm triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định khóa XX đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 20/9/2021, “Về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là văn bản quan trọng, định hướng để cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh chung sức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số với 3 trụ cột chính, gồm phát triển chính quyền số; kinh tế số và xã hội số.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, quá trình chuyển đổi số đã nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng CNTT; bước đầu triển khai các ứng dụng, xây dựng chính quyền điện tử. Mục tiêu đến năm 2025, Bình Định sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, đưa Bình Định trở thành địa phương thuộc nhóm khá trong cả nước về chuyển đổi số.

Quảng Ninh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số, thúc đẩy phát triển chuyển đổi số, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Trong Nghị quyết 09-NQ/-TU của BTV Tỉnh uỷ về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh xác định tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp; cán bộ lãnh đạo phải chủ động, tiên phong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; đến năm 2030; 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã xử lý công việc trên nền tảng số; 100% cán bộ, công chức, viên chức được đình kỳ hằng năm tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số.

Để chuyển đổi số đi vào cuộc sống của người dân, Quảng Ninh đã khuyến khích mọi người, mọi nhà, mọi tầng lớp chung tay lan toả kiến thức, kỹ năng số. Trong năm nay, tỉnh đã đào tạo cho 10.000 giáo viên tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng, đại học và các bậc phụ huynh trên địa bàn về giảng dạy kỹ năng số và an toàn Internet; làm bạn cùng con trên môi trường số. Đối với việc phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người lớn tuổi, bà con dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy linh hoạt, hiệu quả nguồn nhân lực địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu, chuẩn bị nguồn nhân lực số cho tương lai.

Hà Nội rà soát, phối hợp xử lý nhiều thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2023, Sở đã thực hiện rà soát, thẩm định 234 video clip trên YouTube và TikTok cùng 1 bài viết trên tài khoản Facebook có nội dung xấu độc để gửi Bộ TT&TT yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ; công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, nhất là quảng cáo xuyên biên giới, bộ phận chuyên môn của Sở TT&TT đã rà soát 155 trang thông tin điện tử tổng hợp của 92 đơn vị, chuyển hồ sơ 17 trang thông tin điện tử tổng hợp có dấu hiệu quảng cáo trên mạng sai quy định cho Thanh tra Sở để kiểm tra, xử lý…Thời gian tới, Sở TT&TT tiếp tục đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, kịp thời ngăn chặn, bóc, gỡ những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến cộng đồng trên không gian mạng. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước, chấn chỉnh tình trạng ‘báo hóa’ trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội./.

PV (tổng hợp)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top