Ảnh minh họa
Nhiều tiềm năng du lịch
Khai thác từ năm 2019, đến nay, hoạt động du lịch tại các xã vùng cao huyện Tân Lạc có nhiều bước chuyển biến. Bí thư Huyện ủy Tân Lạc Đinh Anh Tuấn cho biết, ngày 21/7/2018, Huyện ủy đã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/HU về phát triển du lịch huyện Tân Lạc giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để các xã vùng cao đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Chương trình và xây dựng Đề án “Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Ông Đinh Anh Tuấn nhấn mạnh, Đảng bộ huyện Tân Lạc xác định phát triển du lịch trên địa bàn các xã vùng cao là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và người dân. Do đó, địa phương tập trung phát triển theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch; đồng thời, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhiên, môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc.
Huyện phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 100% điều kiện và được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; đón 115.000 lượt khách du lịch (khoảng 15.000 lượt khách quốc tế); doanh thu từ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng. Đến năm 2050, địa phương đặt mục tiêu xây dựng xã Vân Sơn trở thành thị trấn của huyện Tân Lạc, là trung tâm tiếp đón, phân phối khách du lịch đến các xã vùng cao và khu vực lân cận. Các xã vùng cao trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…
Địa phương xác định mục tiêu đầu tư du lịch tập trung vào 3 xã trọng điểm gồm: Vân Sơn, Quyết Chiến và Ngổ Luông (cách trung tâm huyện khoảng 20 km về phía Tây, độ cao so với mực nước biển từ 800 -1000 m). Đây là khu vực có tỷ lệ che phủ rừng cao nên thời tiết, khí hậu luôn mát mẻ về mùa hè. Vào mùa đông, thời tiết thường lạnh hơn nhưng vẫn có nhiều ngày nắng đẹp, tạo nên cảnh quan mây núi vô cùng đặc sắc. Đặc biệt, trên địa bàn có nhiều hang động đẹp như: động Nam Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia; hang Núi Kiến được xếp hạng di tích cấp tỉnh... Ngoài ra, nơi đây còn có một số thác nước tự nhiên, nhiều điểm tham quan, khám phá như: đỉnh Lũng Vân, ruộng bậc thang Lũng Vân, đồi quýt cổ Nam Sơn, thung lũng su su Quyết Chiến…
Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư vùng cao huyện Tân Lạc còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống gắn với bản sắc người Mường như: nhà sàn cổ, đồ dùng gia đình, trang phục, thuần phong mỹ tục, lễ hội truyền thống, diễn xướng Mo Mường, dân ca, trò chơi dân gian, ẩm thực... Trên địa bàn còn có các khu sản xuất nông sản hàng hóa đặc sản của vùng cao như: tỏi tía Bắc Sơn, rau củ quả trái vụ Quyết Chiến, thảo dược, rau rừng, chè tuyết, gà giống bản địa Ngổ Luông...
Khai thác tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua, các xã vùng cao huyện Tân Lạc đã đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tham quan khám phá, du lịch nông nghiệp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trên địa bàn đã hình thành điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến và mở tour, tuyến tham quan thu hút khá đông du khách. Thu nhập từ dịch vụ du lịch đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Hệ thống đường làng, ngõ xóm được chỉnh trang sạch đẹp, người dân ứng xử thân thiện, mến khách. Nhiều mặt hàng nông sản được giới thiệu đến du khách.
Cùng với đó, các cơ sở lưu trú được xây dựng, đang tiếp tục được đầu tư như: Dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái và bảo tồn thiên nhiên Thung Lũng Mây; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Lũng Vân Ecolodge; Khu du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng và bảo tồn tự nhiên xóm Chiến...
Để Tân Lạc trở thành trọng điểm du lịch
Được mệnh danh "Thung Lũng Mây", xã Vân Sơn là một trong 4 cái nôi của người Mường. Xã có diện tích hơn 55 km2, nằm trên độ cao trên dưới 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ về mùa Hè, rét ngọt vào mùa Đông, không khí trong lành, mật độ che phủ của rừng cao. Đây là điểm đến của du lịch trải nghiệm, khám phá và dã ngoại với những đặc trưng riêng.
Điểm nổi bật của Vân Sơn là hai hang động (động Nam Sơn, động Kiến) và chợ phiên... Động Nam Sơn (còn gọi là động Tớn) có chiều dài 455 m, sâu 49 m với hồ nước rộng, sâu từ 2 - 7 m, quanh năm có nước trong vắt. Ngoài việc sở hữu các cột đá, nhũ đá, măng đá, rèm đá rất đặc sắc, nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật liên quan đến lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, động vật, sinh vật đặc hữu. Các nhà khoa học công nhận, Nam Sơn là hang động đẹp và hấp dẫn nhất trong quần thể các hang động được phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông với những khối đá hình thành khoảng 250 triệu năm. Động Nam Sơn được công nhận là Di tích thắng cảnh Quốc gia năm 2008. Tuy nhiên, đường giao thông tại địa phương này đi lại khá khó khăn... Đặc biệt, lên điểm động Nam Sơn phải đi khoảng 1 km đường rừng, chủ yếu men theo lối mở của người dân, các trang thiết bị đầu tư tại đây cũng đã dừng hoạt động. Vì vậy, ít khách du lịch đến tham quan nơi đây.
Ông Bùi Thanh Đướng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: Để góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, chính quyền địa phương đã đưa việc phát triển du lịch vào Nghị quyết của xã, huy động các nguồn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Qua một thời gian khai thác, hệ thống điện thắp sáng tại các hang động đã bị hư hỏng và dừng hoạt động, dịch vụ phụ trợ không có; chợ phiên hoạt động với hình thức cũ, không tạo được điểm nhấn; các cơ sở homestay manh mún...
Cũng giống như Văn Sơn, ở hai xã trọng điểm du lịch nữa là Quyết Chiến, Ngổ Luông, dù đã được đầu tư nhưng đến nay cơ sở hạ tầng, đường giao thông đã xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác tiềm năng du lịch tại các địa phương.
Bà Đinh Thị Diêu (xóm Bò, xã Vân Sơn, Tân Lạc) cho biết, người dân nơi đây mong muốn, huyện tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông các điểm đến, giao thông kết nối liên vùng, điểm dừng chân, bãi đỗ phương tiện, hạ tầng kỹ thuật viễn thông; đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, ưu tiên xây dựng các cơ sở đạt tiêu chuẩn cao cấp, hỗ trợ cải tạo, nâng cấp các điểm du lịch cộng đồng. Địa phương chú trọng trồng, bảo vệ rừng, xây dựng cảnh quan hấp dẫn dọc các tuyến đường, các điểm tham quan, du lịch... để thu hút khách du lịch, giúp người dân có thu nhập ổn định.
Chị Nguyễn Thu Trang (khách du lịch từ Hà Nội) cho biết, tiềm năng du lịch tại xã Vân Sơn rất lớn. Nơi đây hội tụ đầy đủ cả về khí hậu, cảnh quan, con người và văn hóa... Tuy nhiên, ngành Văn hóa tỉnh Hòa Bình chưa khai thác hiệu quả những lợi thế này. Nếu điều kiện giao thông đi lại thuận lợi, cơ sở hạ tầng được đầu tư đúng mức, việc duy tu bảo dưỡng được tổ chức thường xuyên..., du lịch Vân Sơn sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách nghỉ dưỡng và trải nghiệm trong thời gian tới.
Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, du lịch vùng cao huyện Tân Lạc hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm gắn với dịch vụ thương mại, nông nghiệp sạch... Để đạt được mục tiêu đưa vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Hòa Bình, là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, mang lại giá trị, lợi ích cho cộng đồng, chính quyền địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và vận hành các dự án.