Ảnh minh họa
Triển khai thực hiện các Nghị quyết: số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020, số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021, số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định Luật Đầu tư công. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021) để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc; đồng thời là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng mong đợi của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Tại các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu cao nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 do 01 Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội. Trong đó, tại Trung ương thống nhất một đầu mối, thành lập duy nhất một Ban Chỉ đạo trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thành lập trước đó và có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia kịp thời, đồng bộ.
Trưởng Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và quy định bộ máy giúp việc, cơ chế phối hợp trong công tác tham mưu các giải pháp quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Hằng năm, Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành Chương trình công tác năm để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành tiến độ thực hiện các chương trình. Bên cạnh đó, tại các cơ quan chủ chương trình đã thành lập các tổ công tác để tăng cường phối hợp trong xây dựng, tham mưu các giải pháp thực hiện từng chương trình.
Các địa phương đã chủ động ban hành các nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình với quyết tâm chính trị cao nhất phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời, đã hoàn thành việc kiện toàn, thành lập một Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 24/2021/QH15, Điều 7 Quyết định số 1945/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Quản lý cấp xã, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Ban Phát triển thôn để phân công, phân cấp, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình tại các cấp.
Tại Trung ương, thành lập Văn phòng điều phối và Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đặt tại Ủy ban Dân tộc để thống nhất đầu mối giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác chỉ đạo, điều hành, điều phối thực hiện Chương trình.
Tại địa phương, 06/49 địa phương chủ động thành lập Văn phòng điều phối cấp tỉnh, 28/49 địa phương đã thành lập Tổ công tác về Chương trình cấp tỉnh do đồng chí Trưởng Ban Dân tộc làm Tổ trưởng, đặt tại Ban Dân tộc tỉnh để giúp việc cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương; nhiều địa phương thành lập Tổ công tác về Chương trình cấp huyện (tại địa bàn huyện thuộc phạm vi thực hiện của Chương trình), đặt tại Phòng Dân tộc để giúp việc Ban Chỉ đạo cấp huyện về Chương trình; các địa phương đều đã phân công, bố trí công chức, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về công tác dân tộc tại cấp xã để triển khai thực hiện Chương trình.
Thêm vào đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan chủ dự án thành phần đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới Chương trình. Các địa phương đã khẩn trương tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện và ban hành các quy định để triển khai Chương trình, như: Kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025; quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình; chính sách riêng của địa phương để thực hiện các nội dung, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình…
Có thể thấy rằng công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai kế hoạch, nhiệm vụ hàng tháng của Chính phủ và các địa phương. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và các địa phương đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn các chương trình được thực hiện thường xuyên, liên tục và có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đã góp phần kịp thời xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình.
Ban Chỉ đạo Chương trình các cấp đã được kiện toàn đồng bộ, kịp thời theo yêu cầu của Quốc hội. Cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ đạo có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, chặt chẽ, thống nhất với vai trò đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể. Mô hình một Ban Chỉ đạo theo từng cấp đảm bảo tinh gọn đầu mối, không phát sinh biên chế; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, tập trung giữa các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và xử lý dứt điểm các vấn đề vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình thuộc trách nhiệm ban hành của các cơ quan Trung ương đã được ban hành cơ bản đầy đủ, đồng bộ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai, thực hiện các chương trình và ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 được ban hành và thực hiện đã cụ thể hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc; hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng, lợi thế, giữ vững an ninh chính trị tại địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Chương trình đã đáp ứng được mong đợi của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.