Để thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp lần thứ tư của Ủy ban chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (năm 2019), Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ, thông qua việc công bố ấn phẩm về các báo cáo thường niên liên quan tới đo thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và thông quan hải quan; đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dịch vụ công thông qua Cơ chế một cửa quốc gia[1].
Mục tiêu của hoạt động đánh giá là phản ánh tình hình thực hiện các dịch vụ công qua Cơ chế một cửa quốc gia; thu thập phản hồi từ doanh nghiệp nhằm hỗ trợ công tác điều hành; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia; hướng tới tạo thuận lợi thương mại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu...
Sự hình thành và vận hành của Cơ chế một cửa quốc gia: Tháng 12/2005, Việt Nam đã ký kết Nghị định thư về hình thành và triển khai Cơ chế một cửa ASEAN. Tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2120/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia. Tháng 11/2014, Cổng một cửa quốc gia (www.vnsw.gov.vn) chính thức được vận hành. Tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1254/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020. Tháng 11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định về thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. |