Dân nghèo hiến đất xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 25/09/2017 08:57

Đời sống kinh tế của bà con thôn Nà Thâm, xã Cao Lâu (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) chủ yếu dựa vào phát triển nông - lâm nghiệp. Tuy còn khó khăn về vật chất nhưng người dân nơi đây lại “giàu” về nghĩa tình. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, thôn đã có hơn nửa số hộ dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường. Nhờ những người không tiếc “tấc vàng” mà công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Nà Thâm được thực hiện nhanh hơn, những con đường bê tông ngày một nhiều hơn.

20170925-l100.jpg

Người dân thôn Nà Thâm, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc dễ dàng đi lại trên con đường mới vào trung tâm thôn

Nà Thâm cách trung tâm xã Cao Lâu (huyện Cao Lộc) 6 km, kinh tế của người dân nơi đây đơn thuần chỉ dựa vào ruộng và rừng. Trưởng thôn Nà Thâm Hoàng Văn Mần kể: “Nhiều năm trước, do đường sá đi lại khó khăn, ruộng canh tác ít, cây rừng chưa cho thu hoạch... nên bà con nơi đây phần đông thuộc hộ nghèo. Nghèo quá nên hàng chục hộ dân trong thôn lục đục kéo nhau vào miền trong khai hoang trồng cà phê. Một số hộ ở lại, cố bám trụ lại làng với hy vọng sẽ có thể làm ăn kinh tế ngay trên quê hương mình...”.
 
Theo lời trưởng thôn, bà con Nà Thâm rất chăm chỉ, tần tảo canh tác, trồng rừng và cả phát triển chăn nuôi, nhưng do đường đi lại là đường đất, nhỏ hẹp, lầy lội nên nông sản của bà con sản xuất ra thường bị ép giá, việc “mua đắt, bán rẻ” vẫn thường xuyên diễn ra. Khi chương trình xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn thôn, bà con Nà Thâm không ai bảo ai, những hộ theo quy hoạch có đường đi qua đều tự nguyện hiến đất để mở rộng đường. Thể hiện rõ nhất là 4 năm gần đây, 24/51 hộ dân trong thôn tự nguyện hiến đất làm đường vào thôn.
 
Theo địa hình, đường trục thôn Nà Thâm dài 5,7 km bắt đầu từ cuối thôn Pò Phấy đến đầu thôn Song Danh. Trước năm 2011, đường vào Nà Thâm là đường đất, rộng chưa tới 1 m, vừa đủ 1 người đi. Trời nắng việc đi lại của người dân trong thôn đã khó, trời mưa càng khó khăn gấp bội bởi đường trơn trượt, nhỏ hẹp, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp, xe máy. Theo thiết kế, để đạt chuẩn NTM, đường trục thôn phải là đường bê tông xi măng rộng 2,5 m; dày trên 15 cm. Đạt được chỉ tiêu này là bài toán khó với thôn và cấp ủy, chính quyền xã. Ông Lương Văn Mao, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: “Năm 2011, dự án mở rộng đường Nà Thâm được triển khai. Kinh phí chỉ đủ chi cho san ủi chứ nói gì đến việc đền bù giải phóng mặt bằng. Xã cho chủ trương vận động nhân dân hiến đất làm đường. Ban đầu người dân Nà Thâm chưa đồng tình bởi với họ tấc đất là tấc vàng, mất đất thì không có tư liệu sản xuất. Sau một thời gian vận động, thuyết phục, bà con đã hiểu những lợi ích của việc mở đường đem lại thì người nọ bảo người kia hiến đất mở rộng đường vào thôn”.
 
Năm 2011, toàn thôn có 9 hộ dân hiến hơn 3.000 m2 đất, mở rộng đường trục thôn dài 2,7 km. Trong đó, điển hình là gia đình trưởng thôn Hoàng Văn Mần và các hộ Nông Văn Coóc, Nông Văn Khèn… hiến từ 200 - 400 m2 đất đồi với hàng trăm cây thông đang kỳ thu hoạch. Ông Nông Văn Khèn cho biết: “Thôn mình nghèo cũng bởi không có đường to. Không có đường to cho ô tô vào được thì làm sao chở được nhựa thông đi bán, làm sao chở được phân bón, vật liệu xây dựng vào thôn. Nghĩ thế, chúng tôi cùng nhau bàn bạc hiến phần đất mà đường đi qua và không đòi nhà nước đền bù”. Năm 2015, đoạn đường này được trải thảm bê tông rộng 3 m, dày 16 cm khiến người dân Nà Thâm càng vui mừng khôn xiết bởi các loại ô tô tải, máy cày, máy kéo có thể ùn ùn vận chuyển nhựa thông, hàng nông sản, gỗ, cây giống, phân bón, vật liệu xây dựng ra vào thôn.
 
Không dừng lại với chiều dài đoạn đường trục thôn 2,7 km, Nà Thâm còn mở đường rộng thêm 3 km kéo đến đầu thôn Song Danh. Năm 2015, dự án đã tiến hành san ủi, mở sộng được gần 1 km. Từ đó đến nay, thôn có thêm 15 hộ hiến đất mở đường. Đi trên con đường mới, trưởng thôn Hoàng Văn Mần nhẩm tính: “Chỗ này là hộ ông Nông Thanh Nga đã hiến 700 m2 đất ruộng, đất rừng cùng hàng chục cây thông đang kỳ khai thác nhựa. Còn đây là phần diện tích của hộ ông Nông Vinh Dự hiến hơn 1.000 m2 đất đồi trồng thông trên chục tuổi. Đằng xa kia là của hộ bà Lý Thị Thượng hiến toàn bộ phần sân nhà để mở đường”.
 
Tính đến thời điểm này, đường trục thôn Nà Thâm đã và đang thi công ở giai đoạn III. Toàn thôn có 24 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án thì cả 24 hộ đã hiến gần 10.000 m2 đất sản xuất để làm đường. Nhờ đường được nâng cấp, mở mới, việc đi lại, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của bà con Nà Thâm được thuận lợi hơn. Hiện thôn chỉ còn 3 hộ nghèo/51 hộ dân toàn thôn, giảm trên chục hộ so với năm 2010. Có đường, thôn có thêm hàng chục nhà xây kiên cố. Hơn thế là có nhà văn hóa, điểm trường mầm non, tiểu học mới, khang trang.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Cao Lâu Lương Văn Mao cho biết: Mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng nhân dân Nà Thâm, Song Danh rất gương mẫu đi đầu, sát cánh cùng xã và thôn xây dựng NTM. Chính quyền xã đã tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân tiêu biểu hiến đất làm đường. Những hộ hiến nhiều đất cũng được UBND huyện tặng giấy khen. 
Ngô Đăng
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top