Đặc sắc di sản văn hóa

Thứ năm, 21/09/2023 21:56

Tuyên Quang mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa với 22 dân tộc anh em chung sống. Những nét đặc trưng của văn hóa các dân tộc đã kết đọng trong cộng đồng dân cư, tạo nên những sắc thái riêng biệt và trở thành những di sản văn hóa độc đáo. Di sản văn hóa của Tuyên Quang phong phú, đa dạng ở loại hình văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

20232309-duy12_1.jpg

Ảnh minh họa

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm trên địa bàn các xã trong Khu ATK (An toàn khu). Bao gồm: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa, Phú Thịnh (Yên Sơn). Đây cũng là địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Khu di tích nằm trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, luôn chứa đựng những dấu ấn sống động, sục sôi, hào hùng của Cách mạng Tháng Tám - cuộc giải phóng vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nơi đây được gọi là “Thủ đô Khu giải phóng” trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và là “Thủ đô Kháng chiến” trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào gồm các địa danh nổi tiếng như đình Hồng Thái, lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, cụm di tích ATK Kim Quan... Mỗi một di tích lịch sử trong khu di tích đều là dấu ấn về chặng đường cách mạng đầy hào hùng của dân tộc. Đó là nơi để thế hệ trẻ về nguồn tìm hiểu về truyền thống của cha ông, đúc rút những bài học về lòng yêu nước, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương.

Tấm bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc 

Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở Yên Nguyên (Chiêm Hóa) là bảo vật quốc gia từ năm 2013. Nội dung bài Văn bia được viết bởi bậc danh bút Lý Thừa Ân, một Văn thần đời Lý Nhân Tông. Đây là bài văn bia công đức xuất sắc nhất thời Lý.

Tấm bia được tạc bằng đá xanh nguyên khối, bia được đặt trên lưng một con rùa đá. Trán bia khắc dòng chữ lớn: “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi” nghĩa là bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Văn bia khắc trên phần thân bia, bố cục tương tự bố cục các văn bia thời Lý gồm phần viết về người dựng bia, bài ký, bài minh và cuối cùng là tác giả.

Trong đó, bài ký với phần mở đầu ca tụng sự nhiệm màu của đạo Phật. Phần chính trình bày một cách tỉ mỉ công việc hay sự kiện diễn ra, ngợi ca vị thí chủ có công đức lớn lao trong việc hoằng dương Phật pháp cũng như cứu giúp chúng sinh, phù trì cơ đồ quốc gia bền vững. Bài minh trên văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc thời Lý này cũng rất dài, gồm 32 câu.

Bia Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là minh chứng cho sự giao lưu văn hóa rộng rãi giữa miền núi với miền xuôi. Đây là nguồn tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của đất nước trong xã hội đương thời.
thực hành Then.

Then là một loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian, loại hình văn hóa tín ngưỡng của người Tày. Theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Thông qua những quan niệm về Mường Trời (nơi cư ngụ của các thần linh), Mường Đất (nơi cư ngụ của con người), Mường Nước (nơi cư ngụ của Long Vương...), người Tày giải thích về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như bày tỏ ước vọng về chỗ dựa tinh thần, tạo dựng niềm tin để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Then còn được nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật từ văn học, âm nhạc, múa, tới hội họa và trình diễn... Người hát Then trong những dịp lễ (cầu an, cầu mùa, gọi hồn...), là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then là đàn Tính. Thế nên, lâu nay ta thường quen gọi là hát Then, đàn Tính (Tính tẩu).

Năm 2022, Tuyên Quang đã đăng cai tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” là Di sản Văn hóa đại diện của nhân loại đối với 11 tỉnh có di sản Then.

Danh thắng Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình

Danh thắng có diện tích hơn 40.000 ha, nằm ở 14 xã, thị trấn thuộc hai huyện Na Hang và Lâm Bình. Khu bảo tồn thiên nhiên nằm giữa những cánh rừng đại ngàn dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng, có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, hệ thống hang độc đáo, kỳ thú.

Nơi đây có hệ động vật phong phú và đa dạng sinh học về thành phần, chủng loại cũng như về số lượng cá thể. Trong đó có loài Voọc mũi hếch là loài đặc hữu của Việt Nam, đã được ghi trong Sách đỏ thế giới. Tại đây có gần 1.200 loài thực vật bậc cao và là khu vực nhiều rừng nguyên sinh có nguồn gene thực vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao.

Bên cạnh đó có các thắng cảnh nổi tiếng như: núi Pác Tạ, thắng cảnh Cọc Vài, hang Nà Chao, Pác Khoang, thác Pác Ban, Pác Hẩu, Khuổi Nhi... Nơi đây có nhiều di chỉ khảo cổ thời đại đồ đá mới và kim khí, là vùng đất sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông và nhiều dân tộc khác với những nét văn hóa truyền thống độc đáo.

Đình Thọ Vực

Đình Thọ Vực thuộc thôn Gò Đình, xã Hồng Lạc (Sơn Dương). Đình được xây dựng từ lâu đời để phụng thờ ba vị Đại vương là Cao Sơn Đại vương, U Sơn Đại vương và Ất Sơn Đại vương.

Tương truyền vào thời Hùng Vương, có một người họ Hoàng ở đạo Sơn Nam, vợ là Nguyễn Thị Thanh. Tuổi ông bà đã cao nhưng vẫn chưa có một mụn con để nối dõi. Mãi sau mới sinh hạ được ba người con trai là Cao Sơn, U Sơn, Ất Sơn. Cả ba người con thông kinh sử, văn võ song toàn. 

Ba chàng trai đã có công giúp vua dẹp loạn. Vua Hùng Duệ Vương thân chinh đến vùng đất Thọ Vực và phong Đại vương cho ba người. Ngoài thờ ba vị Đại vương, đình Thọ Vực còn thờ Đương Cảnh Thành Hoàng tên là Đức ông Trần Quốc Thái.

Trải qua hàng trăm năm, đình Thọ Vực đã nhiều lần trùng tu nhưng vẫn gìn giữ vẹn nguyên dáng vẻ cổ kính. Lễ hội đình Thọ Vực được khôi phục từ năm 2008 và được tổ chức vào dịp đầu xuân nhằm ghi nhớ công lao của các vị thần đã có công giữ nước. Năm 2007, Đình đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, lễ hội đình Thọ Vực được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2018.

Thành nhà Bầu

Thành nhà Bầu được xây dựng trên khu vực đồi Bông Thượng và đồi Bông Hạ, thôn Tân Thành, xã An Khang (TP. Tuyên Quang). Thành do hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật xây dựng vào những năm 30 đến 60 của thế kỷ XVI.

Thành xây dựng thuận theo địa hình tự nhiên trên các sườn đồi. Từ chân tường thành có con đường lát đá xanh làm lối đi lên mặt thành. Trên mặt tường thành đặt các bệ súng thần công, đạn đá hướng ra sông Lô, trấn giữ thủy lộ Bắc tiến thời bấy giờ. Trong thành có nhà ở của quan lại; có trường thi, trại lính, kho lương, kho đạn, miếu thờ... Ngoài thành có sông Lô làm hào ngoài nhằm ngăn cản kẻ địch từ xa.

Với những công lao to lớn xây dựng và giữ thành, hai ông đã được dân làng tôn sùng là Thành Hoàng làng và lập đền thờ tại đây. Thành nhà Bầu là di tích lịch sử có ý nghĩa lớn đối với công tác nghiên cứu, đặc biệt về lịch sử quân sự, nghệ thuật chiến tranh, xây dựng, kiến trúc thành lũy. Năm 2014, Khu di tích Thành nhà Bầu đã được xếp hạng di tích Quốc gia.

Lễ Cấp sắc của người Dao 

Người Dao thường gọi lễ cấp sắc là “quá tăng”, nghĩa là “qua đèn”. Đây là nghi lễ được coi là chấm dứt thời “thơ ấu” của một chàng trai Dao. Từ đây người đàn ông được đặt tên mới, tên cấp sắc, được thực hiện nghĩa vụ bình thường của một người đàn ông trong cộng đồng như: đi xa, làm nhà, làm thầy cúng và khi chết “hồn” mới được trở về quê hương “Dương Châu Đại Điện”. Lễ cấp sắc được các thầy cúng người Dao tiến hành thông qua một loạt các nghi lễ phức tạp. Thời gian tổ chức thường kéo dài 3 ngày 3 đêm (bậc 3 đèn); 7 ngày 7 đêm (bậc 7 đèn) với sự tham gia của nhiều thầy cúng và sự giúp đỡ của cộng đồng.

Tính giáo dục của Lễ cấp sắc thể hiện rõ ở những điều răn dạy của Bàn Vương, thủy tổ của người Dao. Những giá trị đạo đức mà con người nói chung, người Dao nói riêng luôn khao khát vươn tới. Đó là sự kính trọng các bậc thánh thần, biểu tượng của những gì tốt đẹp, có sức mạnh áp đảo cái ác, cái xấu trong cuộc sống. Đó là phải biết kính trọng biết ơn cha mẹ, tổ tiên, thầy giáo, biết tránh xa cái xấu, không làm điều ác, phải biết hy sinh vì đồng loại, không tham lam của cải, danh lợi, sống chân thật, tôn trọng luật lệ.

Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn xã Hồng Quang

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn Hồng Quang (Lâm Bình) thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, khi mọi công việc đồng áng đã xong, bắt đầu từ 16 -10 âm lịch năm trước đến 15-1 âm lịch năm sau. Nghi lễ để tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân làng khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật.

Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân chung rộng ở thôn và chia làm hai phần, cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3 - 4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối diễn ra trong khoảng 1 tiếng.

Phần đầu là phần thầy cúng gọi mời thần và “âm binh” tới tham gia lễ và nhập vào các học trò. Phần hai là nghi lễ nhảy lửa diễn ra từ khi mặt trời lặn, lúc này một đống lửa to đã được đốt sẵn cháy thành than đỏ rực ngay gần đó. Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy vào đống than hồng đó, dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Khi nhảy họ nhắm mắt và như được thần dẫn đi nên bản thân họ không biết là đang lao vào đống lửa. Vì thế, sau khi nhảy vào lửa chân tay họ không hề bị bỏng, đau đớn hay trầy xước.

Lễ Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã trở thành một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tâm linh thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.

Giang Lam
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top