Nguyễn Tiến Nhân là sinh viên năm cuối, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) - ĐH được xếp hạng 12 thế giới theo bảng xếp hạng đại học QS và thứ 46 theo bảng xếp hạng THE năm 2022
Đầu năm cấp 3, khi đang là học sinh lớp chuyên Lý của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Tiến Nhân (sinh năm 2000) vẫn chưa từng nghĩ mình sẽ đi du học. Đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý trong hai năm lớp 11, 12; giành huy chương Bạc Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn Quốc tế, Tiến Nhân được tuyển thẳng vào ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore). Sau đó, Nhân được gọi đi phỏng vấn và giành được học bổng toàn phần vào trường.
Quyết định đi du học diễn ra chóng vánh, vì thế hành trang sang Singapore của Nhân chỉ có vốn tiếng Anh từ thời phổ thông, còn lại mọi thứ đều hoàn toàn mới. Tuy nhiên, cậu bé 18 tuổi khi ấy đã nhanh chóng thích nghi bởi môi trường giáo dục tại đây khá cởi mở. Nhân nói, mình vốn là người thích thử thách với những điều mới, cho nên “nếu có cơ hội em luôn sẵn sàng thử sức”.
Yêu thích Vật lý thiên văn, song vì trường không có chuyên ngành này, Nhân đắn đo và rẽ hướng sang Khoa học Máy tính.
“Hiện tại em vẫn giữ sở thích nghiên cứu về Vật lý thiên văn. Mỗi lúc rảnh rỗi hay buồn chán, em lại lên gác để ngắm nhìn những vì sao”, Nhân nói.
Một điều may mắn là khi bước vào đại học, ĐH Công nghệ Nanyang vẫn dạy sinh viên từ những kiến thức cơ bản. Vì thế, Nhân học say mê và dần nhận thấy, lĩnh vực này cũng khá phù hợp với bản thân.
Tiến Nhân có tình yêu với lĩnh vực Vật lý thiên văn.
Đến hè năm thứ 2, cậu sinh viên người Việt có cơ hội đi thực tập ở một số tập đoàn lớn và chuyên nghiệp như Shopee, Goldman Sachs,…
“Trong quãng thời gian thực tập tại các công ty này, may mắn em được tham gia vào một số dự án quan trọng. Qua đó, em đã nhận lại được những điều chưa từng có trong sách vở, học được cách làm việc từ những người giỏi và cả tư duy giải quyết vấn đề”.
Từ đó, Nhân bắt đầu nhen nhóm một số ý tưởng và mong muốn có thể hiện thực hóa điều đó để giải quyết các vấn đề trong thực tế.
Nhân cho biết, một điều đặc biệt là ở Singapore, Chính phủ rất quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ cho các startup trẻ. Ngay trong chính các trường đại học cũng khuyến khích sinh viên starup từ sớm vì cho rằng “khởi nghiệp là khởi nguồn của sự sáng tạo”.
Vì thế, trong chương trình đã có một số môn học liên quan đến khởi nghiệp. Mọi sinh viên ngay từ năm đầu tiên đã có thể tham gia vào các lớp học này để có được những nền tảng cơ bản.
Bên cạnh đó, trong các trường đại học cũng hình thành những “lồng ấp” là các trung tâm khởi nghiệp - nơi đưa ra những tư vấn hay hỗ trợ về mặt tài chính. Những trung tâm này còn hỗ trợ sinh viên kết nối với chuyên gia, những người giỏi làm trong lĩnh vực mà họ đang theo đuổi bởi một mạng lưới rất rộng.
“Những nguồn lực ấy chính là động lực để em bắt đầu với ý tưởng khởi nghiệp đầu tiên”, Nhân nói.
Với ý nghĩ đó, năm thứ 3 đại học, Nhân cùng với các bạn của mình đã thành lập ra công ty mang tên Linh.AI. Nhận thấy trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực đang được ứng dụng vào mọi mặt của cuộc sống, nhóm của Nhân mong muốn có thể đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm rút ngắn thời gian và chi phí đào tạo ra một sản phẩm trí tuệ nhân tạo.
Startup này của nhóm sau đó cũng đã được ĐH Công nghệ Nanyang hỗ trợ một phần về tài chính. Nhân cho biết, trong tương lai, nhóm hướng đến việc tạo ra một hệ sinh thái giúp phát triển những trí tuệ nhân tạo thông minh hơn.
Trong khi nhiều người nói “nên đi làm trước khi khởi nghiệp”, Nhân lại cho rằng, khởi nghiệp không phải một chủ đề xa vời. Tư duy khởi nghiệp nên được rèn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và bắt đầu càng sớm càng tốt.
“Hiện trong ngôi trường em đang theo học có rất nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên. Những mong muốn khởi nghiệp sẽ buộc người trẻ phải đi tìm lời giải cho các bài toán khó trong thực tế. Bài toán đó có thể liên quan đến công nghệ, kỹ thuật,… nhưng khi mỗi người cố gắng giải quyết những bài toán cụ thể, dần dần sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, quá trình tìm kiếm giải pháp cũng buộc người trẻ phải tự học, tự trau dồi thêm những kiến thức liên quan đến chuyên ngành. Nhờ có tư duy khởi nghiệp, họ mới thúc đẩy mình cố gắng học, tìm ra cách giải thức quyết vấn đề và học cách kết nối với mọi người,…”.
Với lĩnh vực công nghệ thông tin luôn thay đổi từng ngày, liên tục có những giải pháp mới được đưa ra, để startup công nghệ phát triển, Nhân nói rằng bản thân cũng đã phải đọc rất nhiều, tìm tòi những kiến thức liên quan, luôn cố gắng trau dồi chuyên môn để tìm ra ý tưởng mới.
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có thể đưa ra một sản phẩm thành công, nhưng theo Nhân, lợi thế của người trẻ chính là khả năng chịu đựng. “Sự chịu đựng sẽ giúp người trẻ sẵn sàng cố gắng để phát triển bản thân. Sự chịu đựng cũng giúp người trẻ biết chấp nhận thất bại, song họ cũng có nhiều thời gian để làm lại từ đầu”.
Ngoài tư duy khởi nghiệp, một điều quan trọng khác Nhân học được trong quá trình học tập tại Singapore chính là sự chủ động.
“Ở nhiều môn, trên giảng đường, không có chuyện giáo sư ghi lên trên bảng và sinh viên vội vàng chép vào vở. Thay vào đó, sinh viên phải tự đọc trước bài ở nhà; thời gian ở trên giảng đường chỉ dành cho việc đặt và trả lời câu hỏi”.
Nhân cho biết, khi thực sự đam mê một dự án nào đó, cậu thường chủ động liên hệ với giáo sư để nhận được sự hướng dẫn, trợ giúp. Các giáo sư cũng rất sẵn lòng hướng dẫn sinh viên, thậm chí có thể cho phép sinh viên tham gia vào các dự án của mình.
“Mỗi tuần, giáo sư cũng thường có khoảng thời gian trống từ 1 -2 tiếng để dành cho bất kỳ ai đến để hỏi bất cứ thứ gì. Nếu tận dụng được khoảng thời gian này cũng sẽ giúp ích cho bản thân rất nhiều”, Nhân nói.
Nhờ nỗ lực, trong quãng thời gian học tập tại Singapore, Tiến Nhân liên tục lọt vào top 5% sinh viên xuất sắc nhất khoa và được vinh danh trong toàn trường.