“Cú hích” để giảm nghèo bền vững

Thứ tư, 19/07/2017 09:03

Hà Nội phấn đấu giảm hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 -2020 xuống còn dưới 1,8%; đến hết năm 2018 không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn… Để đạt mục tiêu này, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-UBND ngày 10-2-2017 về “Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020”. Đây được xem là “cú hích” để giảm nghèo bền vững.

20170719-m7.jpg
 Đào tạo và nhân cấy nghề mới - một trong những giải pháp thoát nghèo bền vững. Ảnh: Bá Hoạt
 
Nhiều thôn ra khỏi danh sách “đặc biệt khó khăn”

Đông con, lại thiếu việc làm, cái nghèo cứ đeo đẳng gia đình anh Trần Danh Thắng, thôn Ðá Thâm, xã Ðông Xuân (huyện Quốc Oai). Thế nhưng, mọi chuyện đã khác khi gia đình được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn để nuôi trâu sinh sản. Ðến nay, đàn trâu đã tăng lên 4 con, anh Thắng cũng có việc làm và thu nhập ổn định, gia đình dần thoát cảnh nghèo túng.

Bí thư Chi bộ thôn Đá Thâm Trần Danh Nhàn cho biết, không riêng gia đình anh Thắng, 13 hộ có hoàn cảnh tương tự cũng có cuộc sống khấm khá hơn. Do thuộc vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nên những năm trước, Đá Thâm nằm trong diện “thôn đặc biệt khó khăn”. Có thời điểm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20% tổng số hộ. Những năm gần đây, Ðá Thâm đã được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, người dân được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm nên giờ cả thôn chỉ còn 2 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo.

Không riêng Ðá Thâm, huyện Quốc Oai có 4 thôn ở hai xã Phú Mãn và Ðông Xuân thuộc diện Chương trình 135, đến hết năm 2016, các thôn này được đưa ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn. “Cuối năm 2016, cả hai xã Ðông Xuân và Phú Mãn đều hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2% nên không còn khó khăn nữa” - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Ðỗ Lai Luật chia sẻ. Tương tự, hết năm 2016, xã An Phú (Mỹ Đức) đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 và không còn là thôn đặc biệt khó khăn. Hàng trăm tỷ đồng đã được các cấp rót về địa phương để xây dựng hệ thống trường học, trạm xá, nhà văn hóa, công trình giao thông, thủy lợi. Cùng với đó, thành phố, huyện và xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn…

Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh đúc rút, chính chủ trương ưu tiên nguồn lực đầu tư cho khu vực vùng DTTS, miền núi những năm gần đây đã tạo nên sự đổi thay mạnh mẽ. 100% xã đã có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 60% đường liên thôn, đường trục chính của thôn đã được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 62,5% số trường đạt chuẩn quốc gia; 14/14 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới... Nếu đầu năm 2016, Hà Nội vẫn còn 2 xã là Ba Vì (Ba Vì), An Phú (Mỹ Đức) và 17 thôn nằm trong diện nghèo theo Chương trình 135, thì đến nay áp theo tiêu chí chuẩn nghèo quốc gia, Hà Nội không còn thôn trong diện nói trên.

Tuy nhiên, chuẩn nghèo của TP Hà Nội đặt ra cao hơn so với trung ương nên áp theo quy định của Hà Nội hiện còn 6 thôn đặc biệt khó khăn, tập trung ở huyện Ba Vì bao gồm: Hợp Nhất, Hợp Sơn, Yên Sơn (xã Ba Vì); thôn Gò Đình Muôn (xã Khánh Thượng), thôn Mít Mái và thôn Quýt (xã Yên Bài).

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư

20170719-m8.jpg
Thông qua các phiên giao dịch việc làm, nhiều thanh niên huyện Hoài Đức đã có công việc phù hợp, góp phần ổn định cuộc sống. Ảnh: Thái Hiền

Dù công tác giảm nghèo đã đạt kết quả cao, nhưng nguy cơ tái nghèo vẫn luôn hiện hữu. Chưa kể, chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng DTTS còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng cơ sở còn chưa đồng bộ và nhanh xuống cấp, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi... Bí thư Chi bộ thôn Đá Thâm Trần Danh Nhàn phản ánh, người dân nơi đây mong muốn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng bể chứa nước dưới chân núi để tưới cho hoa màu khi trời khô hạn. Còn với hộ mới thoát nghèo như gia đình anh Trần Danh Thắng mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ vốn và kiến thức để sản xuất, kinh doanh để không bị tái nghèo.

Thoát nghèo bền vững không chỉ là mong muốn của người dân mà còn là mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 15-7-2016 của UBND thành phố về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2016-2020”. Với tổng nhu cầu vốn đầu tư 2.324 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm trên 10% và giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,8%.

Để khẳng định quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ vùng đồng bào DTTS, miền núi, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 824/QĐ-UBND ngày 10-2-2017 về “Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, đối tượng áp dụng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là ở khu vực các xã dân tộc miền núi; các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện mục tiêu giảm nghèo thành phố cho giai đoạn này là hơn 10.200 tỷ đồng, được tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại các xã, thôn 135; xây dựng các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ tạo “cú hích” mạnh mẽ cho công tác giảm nghèo toàn thành phố nói chung, khu vực các xã dân tộc miền núi nói riêng, phấn đấu đến năm 2018, TP Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.

"Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS. Trước hết là đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình, dự án phát triển sản xuất, công trình dân sinh bức xúc, sau đó hỗ trợ sản xuất để đồng bào vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng". 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu

 

Nguyễn Mai - Nguyệt Ánh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top