Bên cạnh đó, thời tiết khí hậu đang chuyển mùa Hè sang Thu rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút Rota, sốt xuất huyết,...
Đặc biệt, trong môi trường như trường học, nhà trẻ, trẻ có mật độ tiếp xúc đông đúc, học tập và sinh hoạt chung khiến mầm bệnh càng dễ lây nhiễm, nguy cơ dịch bùng phát và lây lan dịch bệnh trong trường học là rất lớn nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh các dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Tuy vậy, với số lượng học sinh đông thì môi trường học đường luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.
Một số bệnh xuất hiện rải rác như: Sởi 13 ca, sốt xuất huyết: 33 ca… Từ sau ngày 5/9, số ca mắc COVID-19 ghi nhận trên 100 ca/ngày. Cùng với phát hiện nhiều biến chủng phụ của chủng Omicron, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại là rất lớn, nhất là khi người dân dần mất đi cảnh giác dịch bệnh COVID-19.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh tại trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ; củng cố các đội chống dịch cơ động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc phát hiện, khống chế ổ dịch; chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; duy trì tỉ lệ tiêm chủng mở rộng trên toàn tỉnh.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, các nhà trẻ, trường mẫu giáo về biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học, trang bị các phương tiện rửa tay, xà phòng, có vị trí thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, làm sạch bề mặt, đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Huy động các bậc phụ huynh, các em học sinh tham gia vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, hướng dẫn các hoạt động nhằm loại bỏ lăng quăng, bọ gậy tại các vật dụng chứa nước trong nhà và khu vực xung quanh. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Đối với dịch bệnh COVID-19, ngành Y tế đã tuyên truyền, hướng dẫn các trường tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện tốt việc tiêm phòng COVID-19 cho học sinh. Mặc dù tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh khá cao, tuy nhiên tỉ lệ tiêm mũi thứ 3 của trẻ em từ 12 - 17 tuổi và mũi thứ 2 của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vẫn còn đạt thấp, có sự chênh lệch khá cao so với các mũi tiêm trước.
Việc thực hiện tiêm vắc xin mũi nhắc lại giúp củng cố hệ thống miễn dịch, tăng cường khả năng phòng bệnh, do vậy các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đưa con em của mình đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch các mũi tiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần dạy cho con em mình một số thói quen lành mạnh quan trọng như rửa tay bằng xà phòng, hướng dẫn trẻ cách ho và hắt hơi đúng cách, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng của mình.
Hãy đảm bảo cho trẻ ăn nhiều thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng, bù đủ nước giúp cho hệ thống miễn dịch trẻ mạnh khỏe, chống lại cảm lạnh, cảm cúm và các bệnh lây nhiễm khác; dành thời gian cho trẻ tiếp xúc ánh nắng hàng ngày 10-15 phút, bù đủ các vitamin thiết yếu như vitamin C, D, nhóm B… hợp lý nhằm tăng cường miễn dịch cho trẻ, khuyến khích trẻ tăng vận động hàng ngày, đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc…