Chống đại dịch Covid-19 trên tuyến biên giới

Thứ năm, 28/05/2020 14:01

Xe ô tô của đoàn công tác chúng tôi ì ạch nhích lên rồi lại văng trượt trên những đoạn đường dốc sống trâu, bùn lầy trơn trượt trên biên giới huyện Trùng Khánh, vùng Lục Khu (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Đại tá Đinh Đức Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng nói: Đường đi biên giới khó một thì cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm nhiệm vụ hơn 3 tháng nay tại các tổ, chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tuyến biên giới còn gian khó gấp nhiều lần. Chúng tôi hiểu, "biên giới thức" chống đại dịch Covid-19 để đem lại sự bình yên cho cộng đồng, xã hội.

20200518-m27.jpg
 
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh tiếp nhận các công dân từ Trung Quốc trở về.
 
Qua lời Đại tá Hùng, chúng tôi chuẩn bị cho mình tâm thế đến với gian khó nơi tuyến đầu chống dịch. Mờ sáng, xe chúng tôi đến Cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh), nơi đây im ắng vì thực hiện cách ly xã hội, chỉ có chốt kiểm soát biên phòng, công an luôn túc trực. Chúng tôi rẽ tiếp đi Bản Hía, Lũng Tung, thị trấn Hùng Quốc trên đường lầy lội bùn đất đỏ đến Tổ, chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 mốc 745, 746, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh. Các tổ, chốt kiểm soát dựng gần sát cột mốc là lán trại dã chiến căng vải bạt, bên trong chỉ kê tạm tấm nan trên đất lạnh làm giường ngủ... Tư trang quân dụng đến tác phong CBCS đúng “dã chiến” nhanh, gọn trong mọi tình huống.
 
Thượng tá Bùi Tiến Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh cùng nhóm tuần tra đường biên giới vừa về đến chốt, quần áo ai cũng lấm lem bùn đất, ướt sũng sương đêm. Người đem bếp than hoa ra nhóm, người thì đi hái rau rừng, ra suối lấy nước… chưa đầy 8 phút bếp đỏ rực, nồi rau rừng nấu mỳ tôm đã chín. Mọi người bưng cốc mỳ tôm ngồi ăn giữa rừng. Thượng tá Bùi Tiến Dũng chia sẻ: Thời điểm dịch diễn biến phức tạp (từ tháng 2 - 4/2020), khi đêm xuống, trên các đường mòn, lối mở diễn ra nhiều hoạt động như người Việt Nam đi lao động từ Trung Quốc về, đối tượng buôn lậu thường lợi dụng sơ hở để chuyển hàng trái phép qua biên giới.
 
Vì thế CBCS tuần tra, chốt chặn biên giới cả ngày lẫn đêm. Chỉ cần lơ là, không kiểm soát chặt chẽ để lọt bất cứ đối tượng nào sẽ tiềm ẩn nguy cơ để dịch xâm nhập vào nội địa. Vì thế chỉ sau ca trực mỗi đêm làm nhiệm vụ xong đến sáng, anh em mới dám chợp mắt ngủ. Đặc biệt những vụ vận chuyển hàng lậu, các đối tượng thường đi lúc 2 - 3 giờ sáng nên CBCS phải tập trung cao độ, vất vả mật phục mới bắt được.
 
Gian nan làm nhiệm vụ chưa hết, thời tiết khắc nghiệt vùng núi đá, rừng thẳm cũng luôn thử thách các anh. Thiếu tá Đàm Văn Thế, Trạm trưởng mốc 746 kể với chúng tôi: Sau Tết Nguyên đán, sang xuân nhưng vùng biên giới núi đá cao còn rét lạnh cắt da, cắt thịt. Mỗi đêm đi tuần tra về, CBCS thay nhau đốt lửa sưởi thâu đêm chống rét. Có đêm do mưa lốc, gió xoáy mạnh giật xé mái bạt lán trại, ướt hết chỗ ngủ, thức ăn dự trữ. Anh em mặc áo mưa ngồi tựa vào nhau giữ ấm, thức qua đêm chờ sáng để dựng lại mái bạt, lán trại.
 
Theo chân Đồn trưởng Dũng, chúng tôi đến các tổ, chốt kiểm soát trên tuyến biên giới các xã: Xuân Nội, Tri Phương, Quang Hán, Cô Mười… có thêm lán trại làm bằng tôn lắp ghép. CBCS ở đây cho biết, vì chống dịch còn dài nên huy động làm lán trại bằng tôn lắp ghép để an toàn khi trời chuyển mùa, xảy ra mưa giông, gió lốc. Để đáp ứng yêu cầu làm nhiệm vụ, trong lán trại nhỏ, tất cả đồ sinh hoạt đáp ứng “khi cần có ngay” như: đèn pin ắc quy chiếu sáng, đèn năng lượng mặt trời, bếp ga dã chiến nhỏ, chăn gói trong vải bạt… để tiện ăn nghỉ, tập trung làm nhiệm vụ.

Các tổ, chốt kiểm soát bố trí tại điểm xung yếu chặn lối ra vào các ngả đường mòn, lối mở trong rừng sát biên giới. Chốt xã biên giới Cô Mười dựng liền kề bên nghĩa địa, mộ san sát heo hút bên vách đá… Chúng tôi ái ngại thay các anh.
 
Chia sẻ gian khó của anh em, đến mỗi tổ chốt, Đại tá Hùng ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, những khó khăn, thiếu thốn và đưa ra các giải pháp khắc phục. Động viên BĐBP phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, dân quân xã làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng, hậu cần, giữ sức khỏe, mỗi CBCS là “lá chắn thép” nơi tuyến đầu chống dịch. Mỗi đêm trên tuyến biên giới, BPBP và các lực lượng chức năng 17 tổ chốt Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh thức làm nhiệm vụ với bao gian nan. Hơn 700 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về được đơn vị phối hợp với lực lượng y tế huyện khám sức khỏe đưa đến nơi cách ly y tế an toàn.
 
Đoàn chúng tôi tiếp tục vượt dốc đá lởm chởm sang tuyến biên giới vùng Lục Khu (Hà Quảng). Đến những đoạn hiểm trở, Đại tá Hùng chỉ cho chúng tôi đặc thù từng cột mốc và nói dí dỏm: Tuyến biên giới cao nguyên đá, CBCS tác chiến kiểu núi đá… Chúng tôi chưa kịp hiểu ý đồng chí Hùng, xe vừa leo đến đỉnh núi đá mốc 718, Lũng Gioỏng, xã Tổng Cọt (Hà Quảng) chẳng thấy lán trại đâu, chỉ có một chiếc xe U-oát dừng sát lề đường. Mọi người vừa xuống xe thì một đồng chí BĐBP vội bước đến: Báo cáo thủ trưởng! Tôi Thiếu úy Lý Quang Duy, Tổ trưởng tổ kiểm soát mốc 718, Đồn Biên phòng Tổng Cọt có mặt. Thủ trưởng và các đồng chí vào kiểm tra chốt…
 
Chúng tôi thắc mắc thì đồng chí Duy chỉ vào xe U-oát nói: Đây là chốt! Rồi đồng chí mở thùng xe ra có đầy đủ bình xịt khuẩn, khẩu trang, nước uống, bếp, mỳ tôm, trứng, chăn ấm… bảo đảm nhiệm vụ tiếp nhận công dân về qua biên giới. CBCS giải thích, vì từ đường chính rẽ vào đường mòn trên vách đá không thể dựng được lán trại nên phải trưng dụng xe U-oát làm chốt chặn ngay lối mòn rẽ vào biên giới. Tổ có 3 người đi tuần tra lối mòn trong rừng rồi về xe nghỉ. Nơi đây là những dãy núi đá cao nên đêm xuống sương dày đặc cách 5 m đã không nhìn thấy gì. Anh em phải dùng đèn ắc quy màu vàng và đưa chó nghiệp vụ đi cùng để giúp đánh hơi phát hiện có người. Lúc này, chúng tôi hiểu tác chiến kiểu núi đá mà Đại tá Hùng nói.
 
Đến Tổ chốt mốc 719 dựng giữa thung lũng xung quanh núi đá đựng đứng, Đại tá Hùng cho biết: Tổ chốt đặt giữa thung lũng vì từ đây chốt chặn tất cả các ngả đường mòn trên đỉnh núi cao từ mốc 719 - 723. Bốn bề núi đá lởm chởm, chúng tôi thắc mắc, cả tổ ở đây mấy tháng rồi lấy nước sinh hoạt ở đâu? Lúc này, chiến sĩ Nguyễn Văn Thi dẫn chúng tôi ra góc lán trại chỉ cho xem giếng nước “trời” và giải thích khi dựng lán trại 4 mái góc thì dựng 3 mái cao, 1 mái thấp hơn cho nước chảy dồn xuống chân lán rồi lấy bạt dày quây cao lên 1 m để hứng nước mưa chảy xuống, chắt đổ vào can dự trữ. Thi hào hứng kể:  Tôi là sinh viên năm cuối K30, Học viện Biên phòng được phân công lên Đồn Biên phòng Tổng Cọt tăng cường chống dịch và kết hợp thực tập. Hơn 2 tháng ở chốt trên núi cùng với CBSC đơn vị, tôi được rèn luyện kỹ năng sống trên núi đá, chịu đựng với giá rét, leo núi... tác chiến nhanh trong mọi tình huống.
 
Trời chiều trên núi đá tối sập xuống nhanh, chúng tôi tiếp tục đến Tổ chốt mốc 709 cuối xã Tổng Cọt, sát xã Lũng Nặm thì đã nhập nhoạng tối. Thượng tá Phạm Văn Nam báo cáo nhanh tình hình công dân Việt Nam trở về qua biên giới từng tốp lẻ tẻ khi đêm tối và qua nhiều đường mòn khác nhau nên đơn vị phải dàn đều lực lượng chặt chẽ trên tất cả các ngả đường biên hiểm trở, đã đón trên 200 công dân Việt Nam trở về để đưa đi cách ly. Để nắm tình hình rõ hơn, Đại tá Hùng cùng anh em đi kiểm tra lối mòn trên núi cao, bàn các giải pháp phù hợp.
 
Nhóm chúng tôi ở lại lán nấu cơm. Không ngờ trên núi đá cao chỉ có đá nhọn lại rất sẵn thực phẩm. Bởi 3 tháng nay ở tổ chốt, các anh gieo rau cải vào hốc đá, trồng hành, rau thơm trong chậu nhựa, nuôi gà trong lồng… Chỉ hơn 15 phút bên bếp lửa cháy đỏ, một bữa ăn dã chiến đơn sơ đã nấu xong, món nào cũng nóng hổi. Mọi người cùng ăn và râm ran câu chuyện sức khỏe mùa dịch Covid-19. Trong bữa ăn, Đại tá Hùng vẫn lo nghĩ cho anh em và tâm sự: Bây giờ, chúng ta ngồi ăn tối thì nhiều tổ chốt anh em đang làm nhiệm vụ. Hơn 3 tháng rồi, nhiều CBCS các đồn biên phòng chưa được ăn bữa tối trọn vẹn, hầu hết anh em chưa về nhà để bảo đảm trực 24/24 giờ làm nhiệm vụ. Đồn Biên phòng Quang Long có đồng chí Dương, Chính trị viên, bố ốm nặng mổ dưới quê đúng vào đợt cao điểm chống dịch nhưng vẫn phải ở lại đơn vị làm nhiệm vụ…
 
Bữa ăn chưa xong, Đại tá Hùng liên tục có điện thoại gọi đến để chuẩn bị nhiệm vụ gấp cho ngày mai trên tuyến biên giới phía Đông. Ai cũng bận việc… Mấy anh em trong tổ lại đi tuần tra vì đến giờ cao điểm… Đêm trên dãy núi cao biên giới, gió lạnh thổi vào vách núi rít lên từng đợt, cuốn sương đêm bao phủ mênh mông núi rừng. Trong đêm lạnh, trên những vách đá lởm chởm, CBCS biên phòng vững bước đi tuần tra. Mỗi ngày đất nước chống dịch Covid-19 là mỗi đêm “biên giới thức” với tinh thần CBCS biên phòng trên tuyến đầu chống dịch. Hơn ba nghìn công dân Việt Nam được đón về từ biên giới, đưa đi cách ly an toàn là hàng nghìn giờ thức không ngủ của CBSC biên phòng làm nhiệm vụ, khống chế không để dịch xâm nhập từ ngoài biên giới vào nội địa, bảo đảm an toàn cho nhân dân./.
 
Trường Hà
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top