Chính thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia

Thứ năm, 14/03/2019 08:00

Chiều ngày 12/3/2019, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự có ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, đại diện một số bộ, ngành và các tỉnh thành, đại diện tập đoàn VNPT, Viettel. Về phía tổ chức quốc tế có ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và đại diện các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Trung tâm Hội nghị quốc tế tại Hà Nội và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại lễ khai trương, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) cho biết, “Trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề cho nền tảng của tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng CPĐT, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số”.
 
Ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy. Quyết định 28 đã đưa ra định nghĩa chính thức về  vai trò của trục liên thông văn bản quốc gia và các nguyên tắc, yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử. “Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng bước phát triển mới của CPĐT”, ông Mai Tiến Dũng khẳng định.
 
20190312-pg5-khaitruong_1.jpg
 
Thủ tướng Chính phủ đã bấm nút khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia
 
Thực hiện Quyết định 28 của Thủ tướng, tháng 7/2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai gồm 13 nhóm thủ tục nội dung xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, xây dựng, hoàn thiện các văn bản, quy định phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống và sao lưu văn bản điện tử, tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc… Đến nay, việc xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia cùng các điều kiện đi kèm như thể chế, hạ tầng công nghệ và nguồn lực vận hành đã bước đầu hoàn thành và thử nghiệm thuận lợi.
 
95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương gồm 31 Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia. Các phần mềm quản lý văn bản của Bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống. Văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan Nhà nước. Chỉ trong 1 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 8 nghìn văn bản gửi và hơn 19 nghìn văn bản nhận điện tử.
 
Trục liên thông văn bản quốc gia quốc gia do Tập đoàn VNPT bỏ vốn đầu tư và Nhà nước thuê lại. Về hiệu quả kinh tế, trục liên thông văn bản so với việc gửi nhận văn bản theo phương thức truyền thống đã tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó tiền giấy, mực, sao lưu là 154,3 tỷ, tiền gửi qua bưu chính là 575 tỷ đồng. Chi phí thời gian, công sức tiết kiệm được là 576 tỷ đồng, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới. Con số 1.200 tỷ đồng tiết kiệm được là đã trừ đi chi phí thuê dịch vụ của VNPT.
 
20190312-pg6-TT_1.jpg
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt Đề án Trục liên thông văn bản quốc gia  và Thủ tướng ký phê duyệt Quyết định trên máy tính bảng. Ảnh: chinhphu.vn
 
Một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt khi vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia chính là đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống này. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và VNPT để phối hợp đánh giá công tác bảo đảm ATTT cho hệ thống trục văn bản liên thông. Trong quá trình tiến hành đánh giá, Bộ đã thông báo một số rủi ro và phối hợp cùng VNPT điều chỉnh. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, Trục liên thông đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với một hệ thống thông tin cấp độ 4. Tuy nhiên, công tác đánh giá, kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên và định kỳ. Bên cạnh đó, đây là một hệ thống có quy mô lớn, có sự tham gia của các đơn vị Bộ, ngành, địa phương nên công tác đảm bảo ATTT trong thời gian sắp tới cần được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ.
 
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025 vừa được ban hành ngày 7/3/2019.
 
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều định hướng, nhiều chính sách lớn trong việc xây dựng CPĐT và những năm gần đây, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai và ban đầu đạt được kết quả quan trọng, tạo nền tảng trong việc triển khai CPĐT.
 
Tuy nhiên, việc quản lý hồ sơ, văn bản trên môi trường mạng vẫn còn nhiều tồn tại, thậm chí chưa phổ biến rộng rãi trên phạm vi quốc gia. Tình trạng sử dụng văn bản giấy tờ vẫn còn nhiều và phần đông cán bộ công chức chưa chủ động khai thác sử dụng văn bản điện tử nhằm nâng cao năng suất lao động và giảm thời gian xử lý công việc. Hạ tầng CNTT còn chưa đồng bộ, chưa kết nối thông suốt từ Trung ương đến tất cả các địa phương. Chưa có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn công nghệ, nghiệp vụ văn thư, lưu trữ phục vụ liên thông văn bản điện tử.
 
Thủ tướng nhận định, Việt Nam vẫn còn đi chậm trong việc xây dựng CPĐT. Xếp hạng về CPĐT của Việc Nam vẫn còn khiêm tốn.
 
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, với việc ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước đã tạo bước đột phá vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của CPĐT, hướng tới nền quản trị quốc gia, quản trị xã hội thông minh, hướng tới nền hành chính hiện đại không giấy tờ. Đây là một cải cách hành chính lớn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế quốc dân, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội.
 
Bộ TT&TT đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản. Bộ Nội vụ đã ban hành 02 Thông tư về quy trình trao đổi, lưu trữ văn bản điện tử, công tác văn thư, bước đầu việc kết nối liên thông phần mềm, dữ liệu, Trục liên thông văn bản quốc gia đã được diễn ra thuận lợi, an toàn đạt kết quả tốt, đảm bảo an toàn, an ninh. Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực tham gia thử nghiệm, vận hành giải pháp kỹ thuật từ rất sớm như Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng, các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các cơ quan trong đó có Văn phòng Chính phủ là cơ quan chủ trì, điều phối, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia, Bộ TT&TT đã tích cực hoàn thiện thể chế kỹ thuật, phối hợp triển khai thử nghiệm, kết nối kiểm tra, đánh giá về ATTT mạng. Bộ Công an đã phối hợp tích cực để bảo đảm an ninh mạng cho thiết bị, hạ tầng, giải pháp công nghệ. Tập đoàn VNPT, Viettel đã chủ trì nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ, kết nối hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc vào Trục liên thông văn bản quốc gia. Ban Cơ yếu Chính phủ đã kết hợp cấp phát đẩy đủ chứng thư số chuyên dùng phục vụ ký số văn bản điện tử, đảm bảo an toàn thông tin.
 
Để Trục liên thông văn bản quốc gia vận hành thông suốt, thống nhất, an toàn và hiệu quả, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm bốn nước dẫn đầu về CPĐT của ASEAN, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số công việc sau đây:
 
Thứ nhất, nghiêm túc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia theo đúng quy định.
 
Thứ hai, huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tập trung nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý văn bản nội bộ và triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28, khắc phục tình trạng tại một số cơ quan văn thư nhận văn bản giấy nhưng không nhận được văn bản điện tử, dẫn đến việc phải đợi bản điện tử để tiếp nhận, xử lý.
 
Thứ ba, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đăng ký doanh nghiệp, đất đai quốc gia, hộ tịch điện tử và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tiến tới giai đoạn 2020 - 2025 sẵn sàng kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được phát triển trên nền Trục liên thông văn bản quốc gia.
 
Thứ tư, bảo đảm tối đa an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức; không  để lộ, lọt dữ liệu và thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Đây là vấn đề trọng yếu, sống còn của Trục liên thông văn bản quốc gia.
 
Cần tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia nói riêng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước nói chung, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top