Các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng trong việc rà soát, cắt giảm những quy định không còn phù hợp để cải thiện môi trường kinh doanh và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Giai đoạn 2007-2010, Việt Nam triển khai thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 (gọi tắt là Đề án 30) với những kết quả ấn tượng, được OECD đánh giá tích cực, Chính phủ ban hành 25 Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ 4.818 thủ tục hành chính trên tổng số 5.421 thủ tục hành chính được rà soát (cắt giảm 37,31% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tương ứng với khoảng gần 30.000 tỉ đồng mỗi năm).
Sau Đề án 30, trong suốt gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2013 và năm 2017), hoạt động đánh giá tác động thủ tục hành chính và rà soát đánh giá thủ tục hành chính đã trở thành hoạt động thường xuyên và có tác dụng to lớn trong việc nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về rà soát, cắt giảm quy định, thủ tục hành chính (như Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 05/3/2012; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013; Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015; Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017) đã được ban hành và thực hiện nghiêm túc mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính. Các bộ đã trình Chính phủ ban hành 19 Nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và nhiều văn bản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ quy định, thủ tục hành chính.
Từ năm 2014 đến nay, hàng năm, Chính phủ đều ban hành Nghị quyết về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó đều có giải pháp giao các bộ, ngành rà soát, cắt giảm các quy định, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Riêng năm 2018, với sự quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành, Chính phủ ban hành hoặc trình ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật quy định điều kiện kinh doanh (cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh). Cùng với đó, Chính phủ, các bộ, cơ quan cũng đã ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (theo báo cáo từ các bộ, ngành, với số liệu cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đã giúp tiết kiệm gần 18 triệu ngày công, tương đương khoảng 6.300 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, Cổng dịch vụ công Quốc gia chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 9/12/2019, đến nay đã kết nối, tích hợp với 07/22 bộ, ngành và 57/63 tỉnh, thành phố; 07 tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng; đã có 11,32 triệu lượt truy cập, 30.610 tài khoản của công dân, doanh nghiệp đăng ký, thực hiện thành công 5.293 hồ sơ trực tuyến, trở thành công cụ quan trọng để các cơ quan Nhà nước nâng cao hơn chất lượng phục vụ, góp phần quan trọng vào chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trên đây, công tác cải cách hành chính, cải cách quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức như: vẫn còn tồn tại nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, thiếu tính công khai, minh bạch, chưa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong pháp luật kinh doanh là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, cản trở và kìm hãm sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Việc thực hiện thủ tục hành chính chủ yếu vẫn bằng cách thức thủ công, người dân, doanh nghiệp vẫn phải gặp trực tiếp cơ quan hành chính, phải nộp nhiều loại giấy tờ, chi phí không cần thiết khi thực hiện thủ tục hành chính. Việc chia sẻ, liên thông, kết nối thông tin giữa các bộ, ngành còn hạn chế. Việc đánh giá tác động cũng như hoạt động tham vấn đối tượng chịu tác động về chính sách, quy định, thủ tục hành chính của một số cơ quan hành chính tuân thủ chưa nghiêm, còn hình thức. Việc đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính chưa được các bộ, ngành chú trọng thực hiện. Thiếu công cụ để đánh giá, kiểm soát, đo lường và tham vấn hiệu quả trong quy trình xây dựng, ban hành chính sách và quy trình rà soát, cắt giảm những quy định không còn phù hợp. Thiếu công cụ đánh giá, so sánh, thúc đẩy các bộ, ngành trong việc rà soát, cắt giảm các quy định không còn phù hợp...
Từ kinh nghiệm của Chính phủ Anh và nhiều quốc gia tiên tiến cũng như qua thực tiễn Việt Nam trong những năm qua đã cho thấy cải cách để có chính sách và quy định tốt hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, góp phần giảm thiểu và loại bỏ những tác động tiêu cực, tránh gây tổn thất cho người dân, doanh nghiệp, là động lực quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Mặt khác, để có chính sách và quy định tốt lại cần phải có quy trình ban hành chính sách khoa học, chặt chẽ; các quy định không còn phù hợp là rào cản cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân cần được rà soát, cắt giảm. Đồng thời, việc xây dựng, ban hành chính sách mới và việc rà soát, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp phải được đánh giá tác động và kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan có thẩm quyền bằng các chỉ tiêu, yêu cầu, nguyên tắc cụ thể. Việc tham vấn ý kiến người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia là bước quan trọng trong quy trình xây dựng và ban hành chính sách, quy định. Cũng như quy trình rà soát, bãi bỏ các quy định hiện hành không còn phù hợp phải được cải thiện và phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn thông qua cổng tham vấn điện tử, qua trao đổi, đối thoại và các cuộc họp định kỳ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Việc rà soát, cắt giảm các quy định không còn phù hợp cần phải được tiếp cận mang tính hệ thống và có kế hoạch trong một khoảng thời gian nhiều năm với chương trình cụ thể, cùng với bộ công cụ quản lý việc ban hành quy định mới, cách thức tính chi phí tuân thủ và biện pháp đánh giá, xếp hạng các bộ, ngành trong việc thực hiện chương trình rà soát, cắt giảm quy định không còn phù hợp để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn thì việc xây dựng, ban hành Nghị quyết ban hành Chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 là cần thiết. Với số lượng lớn các quy định tại nhiều văn bản thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, việc ban hành Chương trình này sẽ giúp việc triển khai nhiệm vụ đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, thống nhất, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.