Nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho Chính phủ số
Triển khai Nghị quyết số 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, thời gian qua, tiến trình phát triển CPĐT ở Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề phát triển Chính phủ số trong giai đoạn mới.
Các thành phần cốt lõi của CPĐT và môi trường pháp lý cơ bản cho CPĐT đã được hình thành. Hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện. Các ứng dụng cơ bản trong CPĐT được ưu tiên triển khai hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT tại Phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia về CPĐT chiều 10/3, đến nay, phần lớn các nhiệm vụ, đề án tại Nghị quyết số 17 đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai và hoàn thành, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển CPĐT.
|
Phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử diễn ra chiều 10/3. Ảnh: Đức Huy |
Văn phòng Chính phủ được đánh giá là một trong những đơn vị đã có nhiều sáng tạo, quyết liệt trong công tác tham mưu, xây dựng CPĐT phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
“Với quan điểm nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia và quy hoạch lại các hệ thống ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm mỗi bộ, mỗi địa phương chỉ có 1 cổng dịch vụ công”, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
|
Số dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tăng từ năm 2019 đến 2020. Nguồn: egov.mic.gov.vn |
Từ 8 dịch vụ công trong ngày đầu khai trương (9/12/2019), đến ngày 8/3/2021, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, với hơn 116 triệu lượt truy cập, hơn 468 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 42,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 940 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến, và hơn 67 nghìn giao dịch thanh toán điện tử (tổng số tiền hơn 26,7 tỷ đồng).
Cùng với đó, nhiều hệ thống CNTT đã được triển khai nhằm đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, hướng tới Chính phủ không giấy tờ. Đáng chú ý, việc gửi, nhận văn bản điện tử đã góp phần thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường mạng, góp phần giảm chi phí, thời gian gửi, nhận văn bản, thời gian xử lý công việc (ước tính tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng/năm).
|
Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 qua các năm. Nguồn: egov.mic.gov.vn |
Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử với 94/94 bộ, ngành, địa phương. Từ thời điểm khai trương (ngày 12/3/2019) đến ngày 8/3/2021 đã có hơn 4,5 triệu văn bản điện tử gửi nhận qua Trục này.
Hoặc hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã kết nối đến 22 bộ, cơ quan ngang bộ, giúp tiết kiệm chi phí hơn 169 tỷ đồng/năm.
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối với hệ thống báo cáo của 14 bộ, cơ quan và 37 địa phương; cung cấp dữ liệu của 105/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cung cấp dữ liệu trực tuyến cho 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng tháng.
“Các hệ thống thông tin do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai nêu trên đã giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 9.900 tỷ đồng/năm (theo cách tính của OECD) và nhận được phản hồi tích cực từ xã hội”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Giải nhiều điểm nghẽn
“Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về CPĐT, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, có cách tiếp cận mới để giải quyết các điểm nghẽn, từ đó giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua, đặt nền móng cho sự phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn trong giai đoạn 5 năm tiếp theo”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định.
Nhiều minh chứng cụ thể đã được Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề cập. Nếu như trong các giai đoạn trước đây, hạ tầng kỹ thuật cho CPĐT vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, là điểm nghẽn của quá trình phát triển, thì thời gian vừa qua, một số bộ, ngành, địa phương đã có cách làm hiệu quả để tháo gỡ điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển CPĐT.
Tiêu biểu như Thành phố Đà Nẵng đã triển khai trước, thiết kế tổng thể, đồng bộ từ hạ tầng mạng, đến Trung tâm dữ liệu, dựa trên công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây, dùng chung cho tất cả các cơ quan Đảng, HĐND và UBND các cấp để triển khai tập trung các ứng dụng có quy mô toàn Thành phố. Mô hình một hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị tại địa phương đã thể hiện rõ tính ưu việt. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong xây dựng, quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin, đồng thời tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu, tránh chồng chéo, lãng phí.
|
Số HTTT, CSDL kết nối, chia sẻ qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Nguồn: egov.mic.gov.vn |
Hoặc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thay vì tự đầu tư, tự vận hành Trung tâm dữ liệu của tỉnh, đã triển khai hình thức thuê dịch vụ điện toán đám mây của Công viên Phần mềm Quang Trung. Với cách làm này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải quyết vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nay là các trung tâm dữ liệu được đầu tư với chi phí lớn nhưng không hoàn toàn sử dụng hết năng lực đã đầu tư và hoạt động thiếu ổn định, tin cậy, an toàn, hiệu quả do thiếu nhân sự kỹ thuật vận hành.
Một điểm nghẽn khác đối với quá trình phát triển CPĐT đã tồn tại nhiều năm nay đó là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu. Nhưng gần đây, đặc biệt là trong các năm 2019 - 2020, chúng ta đã có những bước tiến dài trong việc giải quyết vấn đề nhức nhối này nhờ việc triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương (LGSP).
Năm 2018 chỉ có 3%, năm 2019 chỉ có 27% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, song đến năm 2020, con số này là 100%. Năm 2018 chưa có hệ thống thông tin nào kết nối, chia sẻ dữ liệu, năm 2019 đã có 51 hệ thống, và năm 2020 đã có hơn 200 hệ thống kết nối thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
|
Tỷ lệ Bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tăng hàng năm. Nguồn: egov.mic.gov.vn |
Năm 2019 có khoảng hơn 2 triệu giao dịch. Năm 2020 có gần 9 triệu giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Trung bình, cứ 1 phút có 18 giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương qua Nền tảng quốc gia.
Phát triển CPĐT giai đoạn mới
2021 là năm khởi động, định hình chiến lược phát triển CPĐT ở giai đoạn mới. Chính phủ số sẽ trở thành nền tảng dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia dựa trên cả 3 trụ cột phát triển: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Để tạo điều kiện phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn mới, Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, ban hành các nghị định quan trọng để hoàn thiện thể chế phát triển CPĐT như Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định về định danh và xác thực điện tử…; Ban hành Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Đại diện Tập đoàn Viettel, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Chiến nêu một số kiến nghị để đi nhanh hơn và phát triển thần tốc hơn. Trong đó cũng có đề xuất đẩy mạnh và nhanh hơn việc xây dựng khung pháp lý cho các nền tảng của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã sẵn sàng triển khai sớm đi vào cuộc sống. Mặt khác, cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp sử dụng, khai thác các dữ liệu số được hình thành trong quá trình vận hành hệ thống để tạo ra các giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền.
Khẳng định doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết bài toán chuyển đổi số quốc gia, nhiều bài toán lớn tưởng chừng khó nhưng doanh nghiệp vẫn đủ năng lực, nguồn lực, công nghệ để giải quyết, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Tập đoàn VNPT lưu ý: “Doanh nghiệp số cần đồng hành cùng chính quyền địa phương về tư vấn công nghệ, hệ thống, khung kiến trúc để giải quyết các vấn đề của địa phương. Nên triển khai hệ thống như 1 nền tảng để dễ dàng nhân rộng, chỉ cần triển khai thành công ở 1 xã có thể nhân rộng hơn 11.000 xã. Nhân rộng thì không phải làm mới nhiều”.
6 quan điểm phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025 Phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội. Tiên phong phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển CPĐT vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025. Định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với các cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội. Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Nền tảng là giải pháp đột phá. Kết hợp mô hình tập trung và phân tán, tuân thủ Khung kiến trúc quốc gia và kiến trúc của các bộ, ngành, địa phương. Phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng ở mọi nơi. Các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung. Thị trường trong nước nuôi dưỡng, phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, từ đó vươn ra khu vực và thế giới. Chính phủ chủ động điều phối, quy hoạch, triển khai các hoạt động mang tính định hướng, kiến tạo thị trường nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ, phát triển các công nghệ lõi, nền tảng mở phục vụ Chính phủ số, hình thành hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ Make in Viet Nam. |