Chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019

Thứ ba, 09/06/2020 09:43

Tháng 5/2020, Chính phủ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019. Kết quả cho thấy, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ động tham mưu, triển khai, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật.

Kết quả các chỉ số cho thấy, công tác cải cách hành chính tại các bộ, cơ quan và địa phương trong năm 2019 đã có những chuyển biến tích cực, đạt được một cách toàn diện, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao; cải cách hành chính đã có sự gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa; việc giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng công khai, minh bạch và thuận tiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân, doanh nghiệp; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tiếp tục có sự cải thiện đáng kể. Công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính được đẩy mạnh giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia phản biện, đóng góp ý kiến của người dân, tổ chức... Những kết quả trên đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư trong những năm tiếp theo.
 
Bên cạnh đó, kết quả Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa coi công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, chưa thể hiện đúng mức vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thúc đẩy cải cách; nhiều nơi chưa chú trọng việc trả lời kiến nghị để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý. Việc công bố, công khai thủ tục hành chính, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không thực hiện đầy đủ việc xin lỗi người dân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn… Tổ chức mô hình Trung tâm hành chính công tại một số nơi chưa đạt hiệu quả cao, chưa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính. Việc thực hiện các quy định của Chính phủ liên quan đến cán bộ, công chức, tổ chức bộ máy chưa nghiêm. Triển khai xây dựng và duy trì Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin báo cáo, Hệ thống một cửa điện tử, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường mạng của các bộ, ngành, địa phương còn chậm. Việc khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 còn chưa thật hiệu quả.
 
Thế giới hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức lớn đối với Việt Nam. Một mặt, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá và ứng dụng công nghệ 4.0 trong đời sống và đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã tạo nên một xã hội năng động, thông minh, phát triển. Mặt khác, khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình đó, để góp phần khôi phục kinh tế, đời sống người dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác này thời gian vừa qua, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện 06 trọng tâm chỉ đạo, điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ, các nhiệm vụ cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, Chính phủ cũng đề ra 6 nhiệm vụ cần thực hiện, trong đó có đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện cho khởi nghiệp, đầu tư trong nước và đón nhận làn sóng FDI từ nước ngoài chảy về; thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch, khơi thông nguồn lực kinh tế; tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
 
Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ./.
PHÒNG KSTTHC – VĂN PHÒNG BỘ
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top