Việt Nam có hàng nghìn nhà máy công nghiệp vừa và nhỏ, song phần lớn đều không có công nghệ xử lý khí thải triệt để, mà chỉ sử dụng các biện pháp đơn giản như hấp thụ bằng nước hoặc hấp phụ bằng than. Dù các phương pháp này có thể giải quyết được phần nào bài toán môi trường, nhưng hiệu quả của chúng không cao và chỉ giữ lại các chất ô nhiễm, chứ không xử lý được triệt để.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm nghiên cứu về xử lý khí thải của các quá trình đốt nhiên liệu, GS.TS Lê Minh Thắng, giảng viên cao cấp Viện Kỹ thuật hóa học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã tìm cách phát triển công nghệ nội địa, sử dụng lõi gốm Cordierit và các chất xúc tác từ hỗn hợp oxit kim loại chuyển tiếp: Mn, Co, Ce, Zr, Ba để xử lý các loại khí thải của nhà máy. Kết quả cho thấy, sản phẩm xúc tác này có thể làm giảm từ 70% đến 100% khí thải chứa hydrocarbon, VOCs, CO, NOx, SOx và bụi sinh ra trong quá trình sản xuất công nghiệp.
Mặc dù trên thế giới đã có không ít nghiên cứu về xúc tác hỗn hợp oxit kim loại chuyển tiếp với nhiều ứng dụng, song yếu tố quyết định hoạt tính của xúc tác chính là tỷ lệ từng thành phần oxit. GS.TS Lê Minh Thắng và các cộng sự đã nghiên cứu, triển khai đề tài “Xúc tác từ hỗn hợp các oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ để xử lý khí thải, nước thải công nghiệp và dân dụng”. Theo đó, các chất xúc tác có thể giảm hơn 90% phát thải chất gây ô nhiễm, ổn định trong các điều kiện khắc nghiệt và có tuổi thọ cao.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được ứng dụng có hiệu quả nhất định tại một số nhà máy nhiệt phân cao su phế thải ở tỉnh Hải Dương và trên một số dòng xe máy cao cấp đã qua sử dụng, được Cục Đăng kiểm Việt Nam công nhận đạt tiêu chuẩn về khí thải động cơ.
Thúc đẩy sự quan tâm đến môi trường
GS.TS Lê Minh Thắng từng là nữ Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2009 và được công nhận Giáo sư năm 2019. Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Hữu cơ - Hóa dầu tại Đại học Ghent (Vương quốc Bỉ) vào năm 2005, bà quyết định trở về nước, làm việc tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tại đây, bà được phân công giảng dạy về khí tự nhiên, khí đồng hành, định hướng các nghiên cứu của mình về chuyển hóa các nguyên liệu và sản phẩm từ khí tự nhiên, khí đồng hành. Năm 2009, sau quá trình nghiên cứu trong một dự án hợp tác với Đại học Ghent, có những thành công nhất định về một loại xúc tác không đi từ kim loại quý, có hiệu quả cao, phù hợp để ứng dụng tại các nước đang phát triển, bà tiếp tục nghiên cứu và mở rộng ứng dụng với khí thải công nghiệp từ các quá trình đốt cháy than, chất hữu cơ hoặc nhiên liệu. Hướng nghiên cứu này đã trở thành một công trình khoa học quan trọng và có tính ứng dụng rộng rãi.
Sau 25 năm “cháy” hết mình với những công trình nghiên cứu khoa học, niềm hạnh phúc lớn đã đến với GS.TS Lê Minh Thắng. Công trình “Xúc tác từ hỗn hợp các oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ để xử lý khí thải, nước thải công nghiệp và dân dụng” của GS.TS Lê Minh Thắng được nhận giải “Sáng tạo xuất sắc”, Giải thưởng sáng tạo châu Á của Quỹ Toàn cầu Hitachi. Đây là giải thưởng ghi nhận những thành tựu nổi bật về nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ và khuyến khích xã hội thực hiện những thành tựu này, với mục đích đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
“Giải thưởng làm chúng tôi vui, nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất là được nhìn thấy công nghệ của mình có thể giúp giải quyết được những vấn đề của xã hội”, GS.TS Lê Minh Thắng chia sẻ và tin tưởng rằng, công trình này có thể góp phần tạo ra một thị trường mới cho những chất xúc tác xử lý khí thải công nghiệp ở Việt Nam, bởi khi sản phẩm sẵn có, chi phí hợp lý, thì doanh nghiệp sẽ chủ động tiếp cận hơn.
Bên cạnh việc nghiên cứu khoa học, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, GS.TS Lê Minh Thắng luôn cố gắng tạo ra một môi trường năng động, tích cực, kết nối với các doanh nghiệp, tham gia các hoạt động triển lãm công nghệ và sản phẩm, sở hữu trí tuệ... để các hội viên có thêm động lực và cơ hội được kết nối, phát triển chuyên môn.
Tuy là nhà khoa học nữ, nhưng GS.TS Lê Minh Thắng không ngại vất vả. Bà luôn nghĩ “không có giới hạn nào cho phụ nữ”. Phụ nữ có thể tham gia vào bất kỳ lĩnh vực nào miễn là có đủ sự yêu thích, đam mê. Để thành công phụ nữ phải nắm bắt lấy cơ hội, dám thay đổi bản thân, cần biết cách tối ưu hóa công việc, làm tốt cả công tác chuyên môn lẫn việc gia đình...