Ảnh minh họa
Lần theo những lời khen đó, chúng tôi tìm về nhà anh Nguyễn Văn Quyết tại làng Tơ Ma (thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) giữa cái nắng nóng của những ngày trung tuần tháng 9/2023. Thật may mắn khi tôi đến, anh không đi rẫy. Đón chúng tôi vào nhà uống nước là một thanh niên dân tộc Xơ Đăng (43 tuổi) với nước da sạm nắng. Không bỏ lỡ cơ duyên, chúng tôi tò mò về tượng cổng làng Xơ Đăng thì được anh Quyết cho biết: Trong văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng ở làng Tơ Ma, xã Trà Mai nói riêng cũng như cộng đồng dân tộc Xơ Đăng trong huyện Nam Trà My nói chung; thì việc làm tượng cổng làng dân gian là nét văn hóa khá đặc sắc, còn lưu truyền lại đến ngày nay của người Xơ Đăng.
Cũng theo lời anh Quyết, xưa kia, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện vùng cao Nam Trà My thường sống thành từng nóc. Mỗi nóc có từ 12 đến 15 hộ gia đình cùng sinh sống bên nhau ở lưng chừng những sườn núi cao với kiểu nhà sàn thấp, dáng hình chữ nhật, mái lợp tranh, vách lồ ô hoặc bằng gỗ. Mỗi nóc bao giờ cũng có một máng nước (lang tak) dùng để uống, sinh hoạt. Người Xơ Đăng coi làng là khu dân cư tập trung phòng thủ kiên cố, rào kín xung quanh, có hào sâu, đặt bẫy, chông để bảo vệ làng trước thú dữ và các tác nhân từ bên ngoài.
Mỗi làng quần cư từ 8-10 nóc, có ngôi nhà Rông (Cượt), nơi hội họp, tổ chức những lễ hội truyền thống và bàn những công việc quan trọng của dân làng. Làng truyền thống của người Xơ Đăng chỉ có một số cổng ra vào nhất định, cổng chính án ngữ đường đi thường quay ra phía cửa rừng, được bảo vệ cẩn mật mà cổng làng hai bên còn đặt 2 tượng hình nộm bằng cây dớn, nhằm mục đích xua đuổi những ma xấu về làng gây nhũng nhiễu, xui xẻo cho người dân, để con sâu, con mối không phá lúa giống đã tỉa...
Với người Xơ Đăng, tượng cổng làng không chỉ được xem như một vị thần bảo vệ làng, mà còn là biểu tượng cho sức mạnh của làng. Người làng khác khi đến làng Xơ Đăng thấy làng có tượng cổng làng, họ rất kính nể, mến phục. Vì thế, tượng cổng làng dân gian được xem là một biểu tượng thiêng liêng và vững bền ăn sâu vào tiềm thức trong đời sống của bao thế hệ người Xơ Đăng.
Như để thỏa sự tò mò của chúng tôi về tượng cổng làng dân gian Xơ Đăng, anh Quyết liền cầm cái rựa và rủ tôi ra phía sau nhà mình chặt đem về 2 đoạn cây dớn đặt ngay tại mái hiên nhà mình. Sau đó, anh Quyết nhanh tay cầm con dao chặt phân chia cây dớn thành 3 đoạn không bằng nhau. Chỉ bằng con dao nhọn, với những nhát gọt chính xác, dứt khoát trong thời gian khoảng 30 phút, thân cây dớn đã được anh Quyết đẽo gọt thành tác phẩm nghệ thuật thể hiện một nhân vật không có chân, có kích thước cao khoảng 85cm, đường kính khoảng 25cm, đôi tay được làm bằng tre gắn vào thân cây dớn. Gương mặt nhân vật được tạo hình khá dữ tợn, mắt trợn tròn, miệng nhe răng với những chiếc răng được làm từ thanh cây lồ ô gắn vào miệng nhân vật lởm chởm; tay trái cầm gươm, tay phải cầm chiếc khiên tre, trên đầu gắn 3 tua thanh tre gây ấn tượng mạnh.
Tìm hiểu về tượng cổng làng dân gian Xơ Đăng, anh Quyết cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại làng Tơ Ma trong một gia đình không có ai biết điêu khắc. Anh đến với nghề tạc tượng cổng làng dân gian Xơ Đăng trong sự tình cờ. Lúc còn nhỏ, anh theo cha qua làng Măng Tó, xã Trà Cang để xem lễ hội cúng máng nước truyền thống của người làng Xơ Đăng. Tại đây, anh thấy chú của mình làm tượng nên đã thích thú với loại hình nghệ thuật này từ lúc nào không hay. Thấy vậy, người chú của anh cũng nhiệt tình chỉ dạy cách tạc tượng cổng làng.
Khi về lại nhà mình, anh dành suốt cả một năm miệt mài vào rừng tìm nguyên liệu để chế tác tượng. Có khi anh về các nóc làng Xơ Đăng để hỏi nghệ nhân, người già, những người có kinh nghiệm trong việc chế tác tượng cổng làng thuần thục. Và rồi, anh cũng thành công sau nhiều lần vất vả, nỗ lực. Đến năm anh 18 tuổi, vào dịp người làng Tơ Ma tổ chức lễ ăn mừng lúa mới, anh tham gia tạc 2 tượng đặt ở ngay cổng làng và từ đó trở thành một người tạc tượng thuần thục giống như chú của anh.
Ông Hồ Văn Nếp (75 tuổi), dân tộc Xơ Đăng, cùng ở làng Tơ Ma chia sẻ: Không qua trường lớp chính quy, bằng niềm yêu thích và năng khiếu bẩm sinh, anh Nguyễn Văn Quyết là minh chứng cho niềm đam mê về nghệ thuật tạc tượng dân gian Xơ Đăng. Các tác phẩm nghệ thuật do anh Quyết thể hiện, mà theo quan niệm của người Xơ Đăng, nó luôn mang âm hưởng của hồn thiêng sông núi, đánh thức sức sống của đồng bào Xơ Đăng. Tượng cổng làng dân gian này còn tạo thêm niềm tin yêu cháy bỏng về một cuộc sống an lành và hạnh phúc đã gắn bó với người Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My từ bao đời.
Anh Hồ Văn Liêm, công chức phụ trách văn hóa – thông tin xã Trà Mai khẳng định, tượng cổng làng là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Xơ Đăng. Tượng chỉ đặt ở ngay cổng làng mà ít có ở nơi nào khác. Nếu có cũng chỉ đặt ở các khu trưng bày, điểm du lịch cộng đồng. Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, Nhà nước cần tiếp tục công nhận nghệ nhân đẽo tượng tâm huyết như anh Nguyễn Văn Quyết.
Theo chị Trần Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Mai, trong những năm qua, UBND xã phối hợp với các đơn vị truyền dạy các nghề truyền thống, trong đó có kỹ năng tạc tượng cổng làng dân gian của người Xơ Đăng. Đồng thời, trước yêu cầu đặt ra, UBND xã tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng gắn với việc phát triển du lịch ở địa phương.