Ảnh minh họa
Mức chăm lo và ý nghĩa động viên còn thấp!
Đó là dự thảo Thông tư “Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức chi phí và hướng dẫn thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào các dân tộc được mời tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam” (gọi tắt là Làng), tại Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Dự thảo có nhiều nội dung, đáng chú ý nhất là mức tiền dự tính được chi bồi dưỡng, hỗ trợ đồng bào về hoạt động tại Làng. Theo đó, định mức hỗ trợ tiền ăn là 120 nghìn đồng/người/ngày; về các vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày là 15 nghìn đồng/người/ngày; thù lao trong việc tái hiện các hoạt động văn hóa truyền thống: 25 nghìn đồng/người/ngày; hỗ trợ trang phục truyền thống: 300 nghìn đồng/người trong thời gian ở Làng.
Dự thảo có khuyến khích việc huy động các nguồn hợp pháp ngoài ngân sách để hỗ trợ cho đồng bào cao hơn định mức quy định trên. Tuy nhiên, đây cũng là sự khuyến khích, có nghĩa là Làng hoặc địa phương giới thiệu đồng bào đến Làng hoạt động nếu huy động được thì đồng bào được hưởng, còn về quy định “cứng”, chỉ có mấy khoản chi phí như trên. Như vậy thì một ngày, một người sẽ có: 160 nghìn đồng. Cộng cả tiền hỗ trợ trang phục truyền thống 300 nghìn đồng, tạm chia theo thời gian tối thiểu là mỗi người ở Làng trong ba tháng thì cũng chỉ thêm được hơn… 3 nghìn đồng. Số tiền chưa đến… 165 nghìn đồng cho một đồng bào người dân tộc hoạt động ở Làng gồm toàn bộ chi phí thiết yếu để tồn tại, sinh hoạt và nếu tằn tiện thì có thể để dành ra chút xíu, ngẫm ra vẫn… “hẻo”!
Cũng tính tương đối khi mỗi người ở làng khoảng ba tháng, thì toàn bộ số tiền trên sẽ là hơn 14,6 triệu đồng một chút. Mức thù lao, hỗ trợ này thật đáng băn khoăn khi đồng bào từ mọi miền đất nước được mời, huy động ra hoạt động văn hóa tại Làng trong tư cách những đại diện văn hóa của dân tộc, địa phương mình.
Cần ý thức cao hơn về công sức của đồng bào
Với ý nghĩa quảng bá, phát triển văn hóa, du lịch và cả ý nghĩa chính trị, cần phải nhìn nhận đầy đủ hơn, trân trọng và đề cao hơn hoạt động của đồng bào tại Làng. Theo chúng tôi nhận thấy, với các sự kiện được tổ chức thường xuyên hơn của Làng thời gian qua, đồng bào rất tích cực tham gia trình diễn, diễn xướng cùng nhiều hoạt động khác. Khi Làng duy trì hoạt động du lịch thì ở mỗi khu làng dân tộc, các nhóm đồng bào tiếp tục trình diễn văn nghệ dân gian, giao lưu với du khách, giới thiệu phong tục, nét đặc sắc của trang phục, lối sống, kiến trúc nhà cửa… Họ thực sự là các sứ giả của dân tộc mình trong Làng - một địa chỉ văn hóa quan trọng của ngành văn hóa, du lịch, nơi mà từ lâu khi gây dựng cho đến hiện tại, vẫn được xác định là một không gian quy tụ, giới thiệu bản sắc văn hóa của đồng bào cả nước tại Thủ đô; nơi thể hiện tinh thần đoàn kết 54 dân tộc anh em.
Với tính chất, mức độ hoạt động và ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội đó, việc ngành văn hóa dự kiến “chăm sóc” cho mỗi đồng bào khoảng 160 nghìn đồng mỗi ngày là việc cần cân nhắc lại.
Có thể tham khảo những cơ sở lập luận cho mức chi phí trên. Cùng với dự thảo thông tư còn có bản thuyết minh “Một số quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức chi phí và hướng dẫn thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào các dân tộc được mời tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”. Theo đó, các mức chi phí đã được căn cứ trên những quy định cụ thể. Đồng thời, thí dụ như khoản tiền ăn 120 nghìn đồng/ngày còn dựa trên giá thị trường tại khu vực Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Ở đây, cần có cái nhìn rộng và linh hoạt hơn. Bởi giá cả thị trường vốn dao động thường xuyên. Rất có khả năng một thời gian nữa khi hoàn chỉnh dự thảo, ban hành thông tư, nếu vẫn với mức chi tiền ăn trên thì giá cả thị trường khi đó đã khác. Ngoài ra, một yếu tố không thể bỏ qua là khoảng cách và di chuyển. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực Làng khá biệt lập với địa bàn nông thôn, đô thị bên ngoài. Từng khu làng dân tộc nằm sâu bên trong, ra đến “cổng Làng” đã vài km, ra các xã Tiến Xuân, Yên Bình, hay khu Hòa Lạc của huyện Thạch Thất, hay xã Yên Bài của huyện Ba Vì lân cận để đi chợ, mua sắm lại càng xa, đều là vất vả đối với đồng bào. Mà sinh sống tại Làng có nhiều nhóm dân tộc với hàng trăm người, có những đặc thù ẩm thực truyền thống khác nhau, không dễ tổ chức bếp ăn tập thể được.
Riêng với mức chi thù lao hoạt động cho một người mỗi ngày là 25 nghìn đồng, chính nội dung thuyết minh cũng phân tích: “Khi nhận lời tham gia các hoạt động hằng ngày tại Làng văn hóa, đồng bào dân tộc phải tạm dừng các hoạt động lao động, sản xuất của gia đình, theo đó, vấn đề mà đồng bào dân tộc quan tâm là chế độ thù lao để bù đắp thu nhập do phải tạm dừng các hoạt động lao động, sản xuất của gia đình”. Đã nhận ra vấn đề này, mà dự kiến mức thù lao thấp như vậy, liệu có hợp lý không!
Đặc biệt, khi trong dự thảo thông tư có nội dung về quy trình lựa chọn và mời đồng bào các dân tộc, trong đó nhấn mạnh: “Nhân sự nhóm đồng bào dân tộc về tham gia hoạt động do cơ quan tiến cử tại địa phương theo tiêu chí phù hợp và bảo đảm tổ chức hiệu quả hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”. Mà trong các tiêu chí đó, cũng theo dự thảo, thì đòi hỏi khá cao về kinh nghiệm, năng lực của đồng bào cũng như trách nhiệm của Làng khi tiếp nhận đồng bào. Tất cả nhằm đáp ứng nhiệm vụ tái hiện đời sống sinh hoạt, sản xuất, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc; lựa chọn phục dựng, tái hiện các trích đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống đặc sắc… Các nhóm đồng bào cũng được yêu cầu “phải bảo đảm tính chọn lọc, tiêu biểu, đại diện nhóm cộng đồng tại địa phương”, và “được mời theo hình thức luân phiên, bảo đảm cơ cấu vùng, miền, thành phần dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”.
Mong rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn, giúp việc sẽ nghiên cứu nâng mức chi phí bồi dưỡng, hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc khi về hoạt động tại Làng. Đó là việc thiết thực, hợp lý đối với mỗi người rời địa bàn sinh sống trong thời gian tối thiểu là ba tháng cho đến sáu tháng hoặc chín tháng… để về Làng “làm việc” với đúng ý nghĩa “lao động văn hóa”. Đó cũng là sự ứng xử văn hóa và nhân văn của cơ quan đầu ngành về văn hóa, thể thao và du lịch với những “sứ giả văn hóa” của các cộng đồng dân tộc Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội./.