Ảnh minh họa
“Có 2 loại cần cắt giảm là thủ tục hành chính và danh mục hàng hóa. Trong danh mục hàng hóa, hiện có hơn 60.000 mặt hàng cần được rà soát kỹ, xem những mặt hàng đó có thực sự phải kiểm tra chuyên ngành hay không? hay có thể áp dụng các hình thức quản lý khác như: Hậu kiểm, quản lý rủi ro theo quy chuẩn kỹ thuật”, TS Nguyễn Minh Thảo cho biết.
Đại diện CIEM cho biết: Còn rất nhiều dư địa để cải cách, đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho doanh nghiệp. Để đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thời gian qua có nhiều bộ, ngành cũng đã triển khai hoạt động quản lý rủi ro nhưng quản lý rủi ro không chỉ ở khâu tiền kiểm mà cần được áp dụng cả khẩu hậu kiểm.
“Có nghĩa là, khi doanh nghiệp đã thực hiện hoạt động có lịch sử sản xuất kinh doanh tốt, cơ quan quản lý xém xét giảm bớt tần xuất kiểm tra. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp có hoạt động có dấu hiệu nghị ngờ, sẽ đặt vấn đề phải kiểm tra. Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được cải thiện, tuy nhiên chi phí của một số thủ tục còn chưa giảm", TS Nguyễn Minh Thảo cho biết.
Nếu nhìn cả một quá trình từ 2015 đến nay có thể thấy sự thay đổi khác biệt. Từ 2015 - 2019 thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã có những thay đổi khá rõ khi các thủ tục được kết nối tốt lên NSW. Những thay đổi mang tính đột phá trong thực hiện thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp khá hài lòng. Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Từ cuối năm 2019 đến nay, mức độ cải cách trong lĩnh vực hành chính và kiểm tra chuyên ngành chững lại do tác động bởi đại dịch COVID-19 và những yếu tố thị trường khác.
Mặc dù cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành có chững lại nhưng nhìn tổng thể chúng ta có thế thấy số lượng thủ tục đăng ký của các bộ, ngành kết nối qua NSW tăng lên khá nhanh.
Đến tháng 6/2022 đã có 249 thủ tục được kết nối lên NSW. Nhìn về mặt số lượng thì thủ tục được kết nối nhiều, nhưng trên thực tế thủ tục doanh nghiệp có thể thực hiện thông suốt trên môi trường điện tử thì không nhiều. Đây là thực tế mà nhiều doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu có sự chần chừ và băn khoăn rằng nên thực hiện qua NSW hay thực hiện bằng hình thức trực tiếp.
Báo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận một số thủ tục hành chính có chuyển biến tích cực. Điển hình như thủ tục trong lĩnh vực giao thông vận tải, một số lĩnh vực trong kiểm tra chất lượng đã thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, giúp hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa của doanh nghiệp được thuận lợi hơn.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy sự khác nhau giữa mức độ thực hiện trực tuyến của các thủ tục. Điều đó cho thấy sự quan tâm khác nhau của các bộ, ngành trong việc cải cách hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Điểm hạn chế là chúng tôi thấy chưa có sự đồng đều trong cải cách” TS Nguyễn Minh Thảo cho biết.
Nếu như báo cáo của VCCI đánh giá là còn dư địa để cải cách, thì theo CIEM nhiều dư địa có thể thay đổi. Nếu như có thể tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ danh mục kiểm tra chuyên ngành thì đó là cải cách có tính đột phá, bởi số lượng các lô hàng xuất nhập khẩu phải thực hiện thủ tục sẽ giảm bớt rất nhiều.