Vì thế, nhìn chung tình trạng tụ tập đông người đã được hạn chế thấy rõ. Phần lớn các nhà hàng, quán ăn uống và điểm vui chơi, sinh hoạt công cộng đã tạm đóng cửa, hoặc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách giao tiếp cần thiết để hạn chế lây lan. Tuy nhiên, một số nơi trong cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn chưa việc thực hiện nghiêm những yêu cầu bắt buộc trên.
Đại diện chính quyền xã Cư Pui (huyện Krông Bông) thăm, tặng quà, đồng thời lồng ghép tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Văn Tâm |
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), tại 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn phổ biến tình trạng tụ tập đông người, không đeo khẩu trang khi ra đường hoặc có nhu cầu giao tiếp cần thiết. Ông Y Ngun Êban, Trưởng buôn Ea Nao A cho hay, thực tế ấy đã được những người có trách nhiệm nhắc nhở nhiều lần, nhưng vẫn không hạn chế được do một phần suy nghĩ, nhận thức của bà con còn rất chủ quan trước cơn đại dịch này, phần do tập tục sinh hoạt, lao động và sản xuất hằng ngày chi phối. Ví như hiện nay là cao điểm mùa thu hoạch lúa vụ đông xuân 2019 - 2010, hầu hết các buôn làng ở Ea Tu cũng như nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi khác, bà con cùng nhau ra ruộng gặt hái (theo hình thức vần công, đổi công cho nhau) từ 15 – 30 người/lượt thu hoạch. Điều đó, theo lý giải của Trưởng buôn Y Ngun thì không thể cho là tụ tập đông người được, chính quyền địa phương từ buôn đến xã thông cảm và chia sẻ với bà con. Vấn đề đáng quan ngại nhất luôn tồn tại và không thay đổi được là sau khi thu hoạch lúa (cũng như mọi công việc khác), họ tụ tập lại ăn uống trong nhiều giờ, bất chấp tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay.
Nếu không sớm có biện pháp thì nói như ông Ama H’Buôn, một cựu giáo chức trong buôn Ea Nao A: Không may một ai đó mang mầm bệnh Covid-19 thì trong hoàn cảnh như vậy sẽ nhanh chóng lây lan khắp vùng, từ đó phát tán đi nhiều nơi khác nữa vì tập tục vần công, đổi công trong lao động, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây không giới hạn trong một buôn, mà từ nhiều nơi khác đến theo quan hệ gia đình, dòng họ thân quen. Đó là mối nguy tiềm tàng trong cơn đại dịch này, chính quyền địa phương nên có biện pháp can thiệp mạnh mẽ và tích cực hơn nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19 có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.