Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Trước tình hình trên, ngày 7/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau đã tổ chức cuộc họp nhằm tìm giải pháp ứng phó, đồng thời chấn chỉnh những mặt còn hạn chế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Đối mặt với nguy cơ quá tải
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, hiện số ca mắc COVID-19 của tỉnh có mức bình quân là 120 ca/100.000 dân. Trong đó, thành phố Cà Mau có số ca mắc cao nhất, lên đến 320 ca/1.000 dân, nhiều phường tăng rất cao, đủ điều kiện nâng cấp độ dịch lên 4. Do đó, thành phố Cà Mau cần có những biện pháp ngăn dịch lây lan, sàng lọc bệnh nhân để điều trị tại nhà, tiếp tục xét nghiệm tầm soát trong vòng 2 tuần và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt hơn.
Chỉ trong 10 ngày qua, thành phố Cà Mau có tổng số ca mắc COVID-19 là 2.137 ca, đáng lo ngại là khi số ca được phát hiện trong cộng đồng chiếm hơn 50% số này. Theo Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau Lê Tuấn Hải, phần lớn số ca mắc COVID-19 trong những ngày qua là lao động từ công ty, doanh nghiệp lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh, mua bán đã trở lại bình thường cũng làm gia tăng số ca mắc COVID-19…
“Dù thành phố đã đẩy mạnh việc test định kỳ, nhưng sau đó vẫn xuất hiện hàng loạt ca bệnh, cho thấy mầm bệnh trong cộng đồng đã có ở nhiều nơi, khó xác định. Qua làm việc với các xã, phường, trạm y tế…, theo tính toán, với số lượng ca mắc như hiện nay, các trạm y tế cấp xã, phường có thể đảm đương, nhưng nếu xu hướng tăng theo đà này thì trong một tuần nữa sẽ quá tải”, ông Lê Tuấn Hải thông tin.
Phân tích các nguyên nhân, nhiều đại biểu nhận định, tâm lý của người dân, thậm chí một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn rất chủ quan, lơ là trong việc thực hiện phòng, chống dịch. Trong đó, tình trạng tập trung đông người còn diễn ra phổ biến. Thực tế, công tác phản ứng của một số phường khi có ca F0 rất chậm, việc theo dõi, hỗ trợ điều trị cho F0 tại nhà chưa sát sao…
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Hiện toàn tỉnh ghi nhận tổng số 12.360 ca mắc COVID-19, số ca đang điều trị là 6.099 ca với 1.910 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong khi các cơ sở này chỉ có 2.230 giường. Bên cạnh đó, các cơ sở thu dung, điều trị cũng đã đầy. Còn điều trị theo dõi tại gia đình hiện có 2.768 ca, chiếm hơn 45,6% bệnh nhân, 1423 ca đang điều trị tại các cơ sở tăng cường.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định: “Với số ca mắc tăng như hiện nay thì chỉ cần nửa ngày nữa là hết giường bệnh. Qua đó cho thấy mức độ, tỷ lệ lây nhiễm hiện là rất cao, trong khi khả năng đáp ứng của tỉnh gần như đạt đỉnh. Theo tỷ lệ này, số bệnh nhân chuyển nặng cũng sẽ tăng, nguy cơ tử vong tăng theo. Đây là mối lo ngại rất lớn đối với địa phương”. Tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài khiến cho đội ngũ cán bộ y tế phải căng ra ứng trực. Trong khi đó, các thiết bị điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch vẫn còn thiếu, kinh nghiệm chuyên môn còn hạn chế...
Để khắc phục vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đề nghị Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh (trực thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 tỉnh Cà Mau), UBND tỉnh rà soát điều chỉnh ngay những nội dung quy định trong Quyết định 2222/QĐ-UBND ngày 16/10 của UBND tỉnh Cà Mau về Ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, các quy định cần kèm theo các biện pháp áp dụng theo từng cấp độ dịch, nhằm điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay và phù hợp với khả năng đáp ứng của địa phương; điều chỉnh theo hướng tăng lên, công tác quản lý cần nghiêm hơn, chặt hơn.
Sở Y tế tỉnh Cà Mau cần rà soát lại nguồn nhân lực, điều động cho phù hợp để quản lý, điều trị các F0. Cụ thể, bên cạnh việc tăng cường thuốc , phương tiện, dụng cụ cho các bệnh viện, cơ sở điều trị và địa phương có nhiều ca F0 điều trị tại nhà, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cần thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra, phân công cán bộ y tế điều trị F0 tại nhà để nắm tình hình sức khỏe từng người, kịp thời tư vấn điều trị bệnh nhân trong từng tình huống; tuyệt đối không giao nhiệm vụ một cách chung chung. Mỗi cán bộ y tế phải chịu trách nhiệm với danh sách đã được phân công.
Riêng đối thành phố Cà Mau, ngành Y tế tỉnh cần vận động và sử dụng lực lượng y tế phường, xã, huy động cơ sở y tế tư nhân, cán bộ y tế đã nghỉ chính sách cùng tham gia chống dịch; tăng cường nhân lực cho những xã, phường có đông bệnh nhân F0, theo dõi, hỗ trợ bệnh nhân đang điều trị tại nhà.
Song song đó, thành phố Cà Mau phải khẩn trương rà soát, phân công cán bộ trong quản lý, chỉ đạo địa bàn. Cụ thể, tăng cường các cán bộ có năng lực xuống các địa bàn trọng điểm nhằm kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập…
Để ứng phó với tình hình dịch COVId-19 trên địa bàn thành phố Cà Mau hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị thành phố phải thực hiện cấp độ 3 tăng cường.Theo đó, thành phố cần áp dụng nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tình trạng người dân ra đường khi không thật sự cần thiết; Thủ trưởng cơ quan nhà nước tính toán giảm số lượng người làm việc xuống còn tối đa 50%; khuyến cáo các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến”; tăng cường kiểm tra, kiểm soát người ra vào chợ, đồng bộ với việc thực hiện tiêu độc khử trùng thường xuyên; phương tiện hành khách khi lưu thông phải giảm số lượng người theo quy định; không để tình trạng người dân tập trung ở nơi công cộng.
Nhận thấy một trong những nguyên nhân lây lan dịch bệnh là sự lơ là trong quản lý F1, F2, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đề nghị tất cả các địa phương trong tỉnh bên cạnh việc tăng cường quản lý cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; các tổ chức đoàn thể trong tỉnh cần tuyên truyền để người dân đề cao cảnh giác, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với những nơi, những người không chấp hành.
Ngoài ra, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cần rà soát nguy cơ dịch bệnh để tham mưu nâng lên cấp độ 3, 4 theo từng địa bàn để khống chế ngay những nơi nguy cơ cao, không để lây lan.