Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Tại Hội nghị, ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Vietnam Post cho biết, doanh thu toàn Tổng công ty năm 2020 đạt 26.387 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 540 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 796 tỷ đồng. Khẳng định vị thế số 1 của doanh nghiệp bưu chính quốc gia tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.Trong bối cảnh hết sức khó khăn và đầy biến động, hàng chục nghìn doanh nghiệp, tổ chức phải ngừng hoạt động trong năm 2020, kết quả đáng tự hào này chính là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của 7 vạn người Bưu điện trên toàn quốc.
Cũng trong năm 2020, phát huy vai trò “cánh tay nối dài” trong thực hiện cải cách hành chính, Vietnam Post tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội triển khai sâu rộng nhiều nhiệm vụ, đề án lớn. Năm 2020, Vietnam Post đã tiếp nhận và chuyển phát gần 20 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên toàn quốc. 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được phát đến địa chỉ nhận trong tình trạng không bị suy suyển, hư hỏng hoặc ảnh hưởng tới nội dung bên trong. Bên cạnh đó, Vietnam Post cũng phối hợp chặt chẽ với 36 tỉnh, thành phố để đặt bộ phận một cửa tại trụ sở của Bưu điện và bố trí nhân viên Bưu điện tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Đặc biệt, Vietnam Post đã phát triển 360.000 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đạt 120% kế hoạch, chiếm 57% số lượng phát triển toàn ngành BHXH và 5,6 triệu thẻ BHYT, đạt 105% kế hoạch.
Doanh thu của hệ thống Bưu điện Văn hóa xã trên toàn quốc cũng đạt 3.800 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch năm; thu nhập bình quân nhân viên là 4,7 tr/người/điểm/tháng, tăng 21% so với năm 2019.
Ông Chu Quang Hào cũng cho biết, trong dịch Covid-19, hàng trăm tấn văn bản, hàng hóa đã được Bưu điện Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam vận chuyện trên các chuyến bay charter nguyên chuyến. Đặc biệt, Vietnam Post đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin góp phần tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ; đồng thời đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc theo hướng tự động hóa, số hóa. Riêng năm 2020, Vietnam Post đã đưa vào vận hành 02 trung tâm vận chuyển khu vực và 08 trung tâm khai thác vận chuyển tại các tỉnh trọng điểm. Với dây chuyền chia chọn tự động có công suất hàng chục nghìn bưu kiện/h, Vietnam Post hoàn toàn đáp ứng được tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng bưu gửi trên 30%. Không chỉ triển khai đồng bộ các giải pháp, kịch bản sản xuất kinh doanh phù hợp trong mọi điều kiện, năm 2020 Vietnam Post đã phát huy tối đa vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp bưu chính quốc gia trong phục vụ cộng đồng
Năm 2021 sẽ là năm nền móng thực hiện mục tiêu Chiến lược kế hoạch 2021-2030, Vietnam Post sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp để ngay từ năm đầu tiên của kế hoạch sẽ hoàn thành xuất sắc mục tiêu của năm 2021. Trong đó tổng doanh thu năm 2021 là gần 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 560 tỉ đồng.
Phát biểu ghi nhận những kết quả mà Bưu điện Việt Nam đã đạt được trong năm 2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, năm 2020, Bưu điện Việt Nam đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu đặt ra cả về doanh số, giúp cả giai đoạn hoàn thành vượt mức kế hoạch, cả thu nhập, nộp ngân sách nhà nước. Đồng thời, đã thực hiện tốt, nghiêm, cùng Chính phủ chống hàng lậu, hàng giả, chống tiếp tay cho buôn lậu, hàng giả.
Về nhiệm vụ trong năm 2021, Thứ trưởng nhấn mạnh một số việc mà Bưu điện Việt Nam cần tập trung thực hiện:
Duy trì mạng bưu chính công ích và các dịch vụ công ích; tham gia sâu các dịch vụ công của nhà nước, triển khai thành công đề án hành chính công là nền tảng để làm chính quyền số, chính phủ số.
Về tổ chức sản xuất, Bưu điện Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo tốt cả dịch vụ công ích và dịch vụ kinh doanh. Sắp tới Bộ TT&TT sẽ đánh giá các doanh nghiệp bưu chính theo chỉ số xếp hạng, một trong những việc Bộ ưu tiên là chất lượng dịch vụ. Thứ trưởng yêu cầu, Bưu điện Việt Nam sẽ tổ chức triển khai tốt, đặc biệt là tổ chức sản xuất dịch vụ bưu chính.
Về lực lượng lao động, nếu muốn làm đề án dịch vụ hành chính công đến tận cấp xã thì phải có chiến lược về lực lượng lao động. Phải đánh giá lại lực lượng lao động đến tận xã. Bưu điện Việt Nam đang làm một việc rất quan trọng là nâng quản lý Bưu điện văn hóa xã thành câp quản lý thứ tư để phục vụ dịch vụ công. Theo chủ trương chung của Bộ là mở rộng thị trường bưu chính, phải mở rộng ở thị trường nông thôn. Ở thành phố, cơ bản người dùng đã lớn, nhưng ở nông thôn còn hạn chế cả về tiếp cận dịch vụ và tiêu dùng sản phẩm.
Về CNTT, ứng dụng mạnh và tối đa nguồn lực cho CNTT gồm cả việc phát triển và đi thuê bên ngoài. CNTT phục vụ 2 việc: Phục vụ ứng dụng CNTT tối đa cho dòng chảy vật lý, hệ thống vật lý (MPIS); Ứng dụng tối đa để phục vụ việc kinh doanh số (bán qua app là xu thế, phải coi mỗi hộ gia đình, phải có app để mua bán hàng).
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, Bưu điện Việt Nam phải đảm bảo phục vụ tốt các dịch vụ cho các cấp chính quyền và người dân để chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán 2021 và toàn bộ hệ thống Tổng công ty phải thực hiện nghiêm phòng chống dịch Covid 19.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đã thừa ủy của Chủ tịch nước đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ năm 2020 cho các tập thể và cá nhân của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.