Dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, đại diện Văn phòng quốc tế UPU; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Trao đổi với Tổng Giám đốc UPU Masahiko, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 10 năm gần đây doanh thu của bưu chính Việt Nam tăng cao, nếu theo xu thế hiện thời thì từ nay đến 2030 doanh thu bưu chính sẽ cao hơn viễn thông Việt Nam. Viễn thông hiện nay chỉ tăng từ 2-3%. Sự phát triển của bưu chính ở Việt Nam phần nhiều là do sự năng động của các doanh nghiệp cũng như sự phát triển của thương mại điện tử.
Hiện nay, Việt Nam coi chuyển đổi số là trọng tâm của chính phủ. Ngoài ra chính phủ Việt Nam cũng đưa doanh nghiệp bưu chính tham gia vào chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ công, tham gia đào tạo kĩ năng số đến từng hộ gia đình ở các địa phương, vì doanh nghiệp bưu chính của nhà nước có mạng lưới đến cấp xã đến từng người dân.
Ngoài doanh nghiệp bưu chính nhà nước, hiện nay, Việt Nam có một số doanh nghiệp bưu chính tư nhân cũng phát triển mạnh mẽ, 30% nhân lực của các doanh nghiệp này là nhân lực công nghệ số.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “ Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến 2030”, vì vậy, Việt Nam xem hạ tầng bưu chính quan trọng như hạ tầng viễn thông. Hạ tầng viễn thông là dòng chảy dữ liệu, còn hạ tầng bưu chính là dòng chảy vật chất. Việc phát triển hạ tầng bưu chính là việc làm rất quan trọng để giúp cho doanh nghiệp bưu chính chuyển đổi số thành công.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hàng năm UPU có thể phối hợp với Việt Nam để tổ chức hội nghị cấp khu vực để các nước, các doanh nghiệp bưu chính trong khu vực có thể chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm để phát triển các dịch vụ bưu chính chuyển phát cũng như bưu chính tài chính và những kết quả đạt được trong công cuộc chuyển đổi số bưu chính ở nước mình.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng giám đốc UPU Masahiko Metoki đánh giá cao Việt Nam trong việc chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số bưu chính. Việc chuyển đổi số là việc quan trọng giúp cho sự phát triển của đất nước nói chung và bưu chính nói riêng.
Tổng giám đốc UPU cũng cho rằng, hạ tầng bưu chính và hạ tầng viễn thông cần phát triển song song để dòng chảy vật lý và dòng chảy dữ liệu có thể hỗ trợ cho nhau. Việt Nam đã làm rất tốt khi đầu tư vào hạ tầng bưu chính để nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính.
Đối với dịch vụ bưu chính tài chính, Tổng Giám đốc UPU cho biết, là nước đảm nhiệm vai Chủ tịch Uỷ ban 4 về Tài chính bưu chính, Hội đồng Khai thác “Bưu chính POC”, UPU, ngoài việc phát huy thế mạnh của mình, là một nước có dịch vụ tài chính bưu chính rất phát triển, Việt Nam còn giữ vai trò dẫn dắt, và chỉ đạo hoạt động về tài chính bưu chính trong UPU cũng như thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ tài chính bưu chính của các nước thành viên, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, với sự lãnh đạo của Tổng giám đốc UPU, ngành bưu chính sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa.
Liên minh Bưu chính Thế giới (Universal Postal Union - UPU) là tổ chức chuyên ngành về bưu chính của Liên Hợp Quốc với 192 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ ủy quyền đại diện của Việt Nam tham gia tổ chức này và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, là doanh nghiệp bưu chính được chỉ định (DO) của Việt Nam trong UPU. |