Bluezone giúp tiết kiệm nguồn lực chống dịch, duy trì cuộc sống bình thường

Thứ năm, 18/02/2021 13:31

Trong cuộc chiến với dịch Covid-19 tại Việt Nam, Bluezone - ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần ca nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 đã và đang hỗ trợ đắc lực các lực lượng y tế nơi tuyến đầu truy vết, khoanh vùng, cách ly chính xác, trách cách ly nhầm.

20210218-m06.jpg

Tính đến ngày 17/2/2021, đã có hơn 29,2 triệu lượt cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone.

Giải pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả

Ngày 28/1/2021, Bộ Y tế đã xác nhận tại Việt Nam có nhiều ca mắc mới Covid-19 ở Hải Dương và Quảng Ninh là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là đợt thứ ba dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng.

Như VietNamNet đã thông tin, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 15/2, đại diện Bộ TT&TT đã cho biết, hiện đã có 29 triệu lượt tải phần mềm Bluezone. Trong đợt dịch vừa qua, Bluezone đã truy vết được 735 trường hợp, phát hiện 4.625 trường hợp tiếp xúc gần. Trong số đó, có hơn một nửa tập trung ở Hải Dương.

Trước đó, trong đợt thứ hai dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 7, tháng 8/2020, ứng dụng Bluezone cũng đã phát huy hiệu quả hỗ trợ truy vết ca nhiễm, nghi nhiễm Covid-19. Cụ thể, theo thống kê, từ ngày 12/8/2020 đến ngày 5/9/2020, từ 72 ca bệnh xác định được đưa vào tính toán (trong tổng số 146 ca nhiễm Covid-19 trên toàn quốc), hệ thống đã xác định được 1.920 người có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm để bổ sung cho danh sách truy vết truyền thống bằng biện pháp điều tra dịch tễ.

Trong đó, riêng tại Hải Dương đã xác định được 1.035 người có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm. Ở đợt thứ hai dịch Covid-19 bùng phát, Hải Dương chính là địa phương mà Bluezone truy vết được nhiều người tiếp xúc gần nhất – tới hơn 1.000 trường hợp.

Bluezone là ứng dụng do Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) chủ trì, cùng một số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gấp rút phát triển trong thời gian ngắn. Ứng dụng này được Bộ Y tế và Bộ TT&TT cho ra mắt ngày 18/4/2020 với mục đích bảo vệ cộng đồng trước đại dịch Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Công nghệ được nhiều quốc gia áp dụng để chống dịch

Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (BLE). Trên thế giới, giải pháp dùng công nghệ BLE đang chiếm ưu thế và được nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Singapore, Đức, Úc… sử dụng nhờ tính đơn giản, độ chính xác cao và có hiệu quả nhất để quản lý tiếp xúc, phục vụ truy vết và cảnh báo tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm.

Ứng dụng Bluezone của Việt Nam được triển khai theo mô hình phân tán, toàn bộ dữ liệu ghi nhận lịch sử tiếp xúc được lưu tại máy của người dùng. Dữ liệu chỉ được gửi cho cơ quan có thẩm quyền khi có sự cho phép của người dùng hoặc người dùng là người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Bluezone cũng không ghi nhận vị trí, địa điểm tiếp xúc.

Bluezone còn là ứng dụng đầu tiên của cơ quan nhà nước được mở mã nguồn và công bố trên kho mã nguồn mở GitHub tạo điều kiện cho các quốc gia khác tham khảo và kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng chuyên gia, các nhà khoa học tham gia hoàn thiện.

Việc triển khai ứng dụng này trên diện rộng được nhận định sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Bởi lẽ, thông thường mỗi khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, Bộ Y tế và chính quyền địa phương phải phát thông báo khẩn để tìm kiếm những người đã đến những địa điểm mà bệnh nhân từng đi qua trong thời gian ủ bệnh. Cơ quan y tế lại bắt đầu cuộc chạy đua với thời gian để khoanh vùng, điều tra dịch tễ, tìm ra những ca nghi nhiễm (F1, F2) chưa được phát hiện trong cộng đồng.

Thế nhưng, khi địa phương có nhiều người dân cài đặt và bật ứng dụng Bluezone thì cơ quan y tế sẽ dễ dàng xác minh được người có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, giúp ghi nhận chính xác các tiếp xúc gần ca nhiễm, nghi nhiễm.

Ứng dụng thay thế cho biện pháp truy vết thông thường

Để ghi nhận các hành vi tiếp xúc gần giữa người dùng với nhau, ứng dụng Bluezone sử dụng kết nối Bluetooth năng lượng thấp. Khi bật ứng dụng, các trường hợp tiếp xúc với nhau trong phạm vi dưới 2m và có thời gian đủ lâu sẽ được lưu giữ lại thông tin, giúp dễ dàng truy vết các ca nhiễm bệnh và nghi nhiễm. Đây là biện pháp phòng chống dịch Covid-19 thay thế cho cách truy vết các ca nhiễm bệnh theo cách thông thường là truy ngược lịch trình hoạt động của các ca nhiễm và nghi nhiễm bệnh. 

Thông qua đối chiếu lịch sử tiếp xúc ứng dụng Bluezone lưu trong máy, những người đã từng tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19 sẽ nhận được thông báo “Bạn có thể đã tiếp xúc với F0” và được hướng dẫn gửi thông tin về cơ quan y tế để được hỗ trợ.

Còn với cơ quan y tế, nếu mỗi người dân đều cài đặt và sử dụng Bluezone thì việc truy vết, khoanh vùng, cách ly sẽ nhanh và chính xác hơn. Phạm vi cách ly cũng được thu hẹp, không có hiện tượng cách ly nhầm hoặc cách ly phạm vi rộng. Phạm vi điều tra dịch tễ thu nhỏ lại, giúp giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ y tế.

Đặc biệt, khi đó xã hội vẫn sẽ duy trì được hoạt động hàng ngày, doanh nghiệp, nhà hàng, khu công nghiệp vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh, vẫn chung sống với dịch bệnh.

“Để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, từng người dân hãy tuân thủ cài đặt và hướng dẫn người thân mình cài đặt”, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT khuyến nghị.

Cài đặt, sử dụng Bluezone để bảo vệ bản thân và cộng đồng:

Người dùng Bluezone có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 sẽ được cảnh báo sớm về nguy cơ lây nhiễm, giúp họ có hành động kịp thời, không đi đến đám đông để tránh lây nhiễm, xét nghiệm và điều trị sớm nếu bị nhiễm bệnh. Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.

Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS

Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.

 

Theo Báo VietNamNet
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top