Bắc Giang: Tập trung mọi nguồn lực xây dựng, phát triển chính quyền điện tử

Thứ năm, 27/08/2020 09:31

Ngày 26/8, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương. Dự và chủ trì hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CPĐT; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Tại điểm cầu Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh chủ trì.

20200827-l1.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang

Theo công bố của Liên Hợp quốc tháng 7/2020 về báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 ở khu vực châu Á, 6/11 ở khu vực Đông Nam Á. 

Chỉ số tổng hợp của Việt Nam tăng cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở chỉ số hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc); chỉ số nhân lực tăng 3 bậc và tụt 22 hạng ở chỉ số dịch vụ trực tuyến. 
 
Tại Hội nghị, đại diện các bộ và UBND các tỉnh, TP, các doanh nghiệp (DN) đã tham gia ý kiến thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm về cung cấp dịch vụ công mức độ 4; thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); phát triển CPĐT, triển khai các nền tảng cốt lõi cho chính phủ số và chuyển đổi số; cơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia; dân cư…
 
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phát triển CPĐT là vấn đề quan trọng để giải quyết được mọi vấn đề nổi cộm hiện nay nhất là ở các lĩnh vực đất đai, y tế, giáo dục, tài nguyên, môi trường... Đồng chí cũng cho rằng, phát triển CPĐT phải gắn liền với công tác cải cách hành chính và huy động tốt sự tham gia của nhân dân. Mọi bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm việc sử dụng chữ ký số; đẩy nhanh thực hiện thanh toán điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả đạt được từ triển khai xây dựng CPĐT. Đồng chí nhấn mạnh, CPĐT là bước tiến mới trong điều hành, phát triển KT-XH. Các địa phương phải đưa mục tiêu này thành chiến lược phát triển trung hạn, ngắn hạn trong thời gian tới. Ưu điểm nổi bật nhất của CPĐT có thể thấy gần đây nhất là qua việc sử dụng các ứng dụng của kỹ thuật số trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó là chuyển biến rõ nét khác về hạ tầng, cơ sở dữ liệu số…
 
Thủ tướng đề nghị thời gian tới, Bộ TT&TT chủ trì thường xuyên cập nhật mức độ công trực tuyến thực hiện giải quyết công việc. Các bộ, ngành, địa phương cần mạnh dạn, thay đổi cách làm, giải pháp thực hiện gắn với vai trò người đứng đầu; tăng nguồn kinh phí đầu tư cho CNTT, hạ tầng kỹ thuật số.
 
Xây dựng chiến lược cụ thể trong phát triển CPĐT, chính quyền điện tử; sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh tuyên truyền về CPĐT với người dân và quan tâm hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thủ tướng cũng kêu gọi các bộ, ban, ngành, DN, người dân tập trung mọi nguồn lực tích cực tham gia vào quá trình xây dựng CPĐT.
 
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu tỉnh sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT. Thực hiện nghiêm việc thực hiện các thủ tục hành chính công tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh theo đúng quy trình. Tham gia hoàn thiện Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bắc Giang đến năm 2025. 
 
Để thực hiện tốt đề án, đồng chí yêu cầu trước mắt các cơ quan, ban, ngành cần làm tốt công tác xây dựng, thực hiện quy hoạch, nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển CNTT, xây dựng chính quyền điện tử; TP thông minh; chương trình chuyển đổi số; tham gia cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
 
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TT&TT tham mưu, hoàn thiện Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, trình UBND tỉnh trong tháng 9/2020. Trong đó, chú trọng xây dựng, lựa chọn nguồn nhân lực chất lượng tham gia thực hiện. Công an tỉnh triển khai lắp đặt camera an ninh; tăng cường kiểm tra, kết nối, chia sẻ dữ liệu, thông tin. 
 
Sở Nội vụ cùng Sở TT&TT nâng cao chất lượng Trung tâm CNTT để tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung liên quan đến CNTT; bồi dưỡng nhân lực, bảo đảm năng lực hoạt động 24/7 phục vụ cho việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ công cho người dân, DN trên địa bàn. 
 
Tập trung phát triển các hệ thống nền tảng phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh của tỉnh; triển khai, kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, đất đai, y tế, giáo dục… Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung cho ngành y tế và giáo dục. 
Hoàng Phương
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top