Đến hết năm 2020, Bắc Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh 2%/năm, các xã ĐBKK 4%/năm. Ảnh: BGP/Hải Huyền.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh 2%/năm
Đến hết năm 2020, Bắc Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh 2%/năm, các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) 4%/năm. Phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 4% và hết năm 2018 không còn hộ nghèo là gia đình người có công với cách mạng.
Cùng đó, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách về giảm nghèo để cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của người nghèo; tăng khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.
Cơ sở hạ tầng KT-XH ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản ĐBKK được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt...; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình giảm nghèo để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.
Nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo
Cải thiện sinh kế, tăng thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số (DTTS) nhất là ở huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản ĐBKK. Phấn đấu đến hết năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 35.000 hộ nghèo thoát nghèo so với kết quả điều tra tại thời điểm 01/10/2015.
Đảm bảo hộ nghèo/người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội như: 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ hoặc được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế; trên 90% số trường học đạt chuẩn về quốc gia; trên 98% trẻ em trong độ tuổi quy định được huy động đến trường đi học, trong đó không có trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không được đến trường do nguyên nhân về kinh tế; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định; trên 90% dân số thành thị được sử dụng nước sạch và trên 95% dân số ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 75% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, 100% hộ nghèo có nhu cầu và đăng ký vay vốn làm nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà ở; 100% Đài truyền thanh của các huyện, thành phố sản xuất, biên tập, phát hành, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình, ấn phẩm truyền thông; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có như cầu học nghề đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm…
Đồng thời, tạo bước chuyển biến rõ rệt về cơ sở hạ tầng KT-XH ở xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện, nước sinh hoạt.
Các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo
Để hoàn thành kế hoạch, tỉnh Bắc Giang sẽ thực hiện các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo như hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ DTTS vùng khó khăn...
Gắn vay vốn tạo việc làm tại chỗ với hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo Sơn Động, các xã ĐBKK, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng DTTS, vùng khó khăn, vùng ĐBKK, vùng an toàn khu theo các chính sách đặc thù của nhà nước và của tỉnh.
Từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh ở các tuyến y tế đặc biệt là tuyến y tế cơ sở; ưu tiên đầu tư trạm y tế ở các xã nghèo, xã ĐBKK, xã an toàn khu đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh ĐBKK mắc các bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo phải điều trị nội trú từ bệnh viện tuyến huyện trở lên.
Đảm bảo việc tiếp cận giáo dục đào tạo của người nghèo, cận nghèo, người dân ở vùng khó khăn, ĐBKK. Thực đầy đủ các chính sách hỗ trợ giáo dục đối với học sinh thuộc hộ nghèo, vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK; học sinh mồ côi cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị khuyết tật có khó khăn về kinh tế...
Hàng năm, phấn đấu thực hiện hoàn thành 100% kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Huy động tối đa nội lực, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn.
Hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo các trạm thu, phát sóng phát thanh truyền hình, phát triển mạng viễn thông ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện để người nghèo, đồng bào DTTS, người sống ở vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK được tiếp cận với các dịch vụ thông tin, các chế độ chính sách, thông tin về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất... sử dụng các thiết bị viễn thông, phát thanh truyền hình giúp họ hiểu biết quyền, nghĩa vụ cùa mình, chủ động tiếp cận với các chính sách trợ giúp của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo./.