Trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ để nâng cao thu nhập
Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, những năm qua huyện Yên Châu (Sơn La) đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng hàng hóa và lựa chọn những cây trồng có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, tạo ra sản các phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Với mong muốn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị nông sản, an toàn với con người và môi trường. Anh Bùi Tuấn Anh, bản Tam Thanh, xã Phiêng Khoài huyện Yên Châu (Sơn La) đã nghiên cứu, thực hiện mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ trên 10 ha trồng cây nhãn, mận và dâu tây.
Trao đổi với phóng viên, Anh Bùi Tuấn Anh, giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc cho biết: Để phát triển mô hình bền vững, cùng xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, năm 2020 anh cùng với 20 thành viên đã thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, với quy mô trên 200 ha cây ăn quả. Từ khi thành lập đến nay các thành viên của HTX luôn tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc cây ăn quả an toàn, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm; Đến nay, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của HTX đã có mặt trên các thị trường trong và ngoài nước. Riêng niên vụ 2023, HTX đã thu hoạch trên 1.200 tấn mận và ước đạt trên 300 tấn nhãn.
"Từ khi thành lập HTX chúng tôi cũng định hướng bà con theo hướng hoa quả sạch, trong 2 năm vừa qua chúng tôi thử nghiệm trên dâu tây, mận, nhãn hữu cơ tuy sản lượng không bằng sản xuất vô cơ, nhưng ngược lại thì chất lượng hoa quả đạt chất lượng quốc tế, giá thành xuất bán cũng cao hơn. Với nhãn thì chúng tôi đã xuất khẩu sang thị trường Hà Lan, Đức, Anh trong năm nay là năm thứ 3. Mận thì năm nay HTX cũng đưa sang thị trường Anh với số lượng nhỏ để chào hàng và nhận được phản hồi rất tốt". GĐ HTX Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc nói.
Còn đối với HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La), những năm qua sản phẩm xoài của đã có mặt tại nhiều thị trường như Úc, New Zealand, Trung Quốc và Hoa Kỳ…không chỉ góp phần khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm xoài Yên Châu, mà còn tạo nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên HTX. Để có được những kết quả đó, các thành viên trong HTX đã thực hiện chăm sóc xoài theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất, ghi chép nhật ký chăm sóc, bao trái nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm xoài trên các thị trường.
Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Trước tiên chúng tôi đi sâu vào hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân theo hướng hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật cũng vậy. do đó chúng tôi đã giữ vững được chất lượng là một, thứ hai là sản lượng và môi trường đất, vườn của mình ngày càng màu mỡ và sạch.
Phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ bền vững
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ ở Yên Châu bước đầu đã giúp người dân thay đổi tư duy trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng sức đề kháng cho cây trồng; tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Hiện toàn huyện có trên 11.400 ha cây ăn quả, với sản lượng bình quân hàng năm ước đạt trên 90.000 tấn quả. Trong đó có 787 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hơn 1.140 ha được cấp mã số vùng trồng. Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có trên 5.460ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, trong đó có trên 2.620ha cây ăn quả được chăm sóc theo hướng hữu cơ.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền người dân ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh trong nông nghiệp; khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, sử dụng phân phân bón hữu cơ vi sinh thay thế cho phân bón vô cơ, huyện Yên Châu đã tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các sản phẩm lợi thế của địa phương, gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định. Từng bước thay đổi phương thức làm nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững.
"Quan trọng nhất là làm thay đổi nhận thức của tổ chức và người dân trong sản xuất nông nghiệp. Với phương thức sản xuất không có hóa chất trong toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường cũng như là tạo ra nền nông nghiệp xanh", ông Dũng nói.