Ảnh minh họa
Huyện đứng thứ 3 về chuyển đối số
Chuyển đổi số là việc không dễ làm và đối với 1 huyện miền núi của tỉnh Yên Bái thì lại càng khó khăn. Ngay từ đầu, huyện đã sớm ban hành khá đồng bộ, đầy đủ, căn cơ, bài bản hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ làm cơ sở, căn cứ pháp lý để các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo.
Huyện Yên Bình cũng là một trong hai địa phương của tỉnh Yên Bái thành lập Ban chỉ đạo công tác chuyển đổi số của huyện, trực tiếp Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Trong đó, có 24/24 xã, thị trấn đã thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số; 24/24 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã với 249 thành viên; 177/177 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn với 1.109 thành viên được thành lập.
Qua đó, tạo được sự thống nhất về nhận thức, xác định nhiệm vụ trọng tâm, cách làm cụ thể; làm thay đổi nhận thức về chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và rộng khắp. Người đứng đầu huyện ủy và toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022. Khái niệm và tinh thần chuyển đổi số đã đến 100% các phòng, ban, đơn vị của huyện và 24/24 xã, thị trấn.
Trong năm 2022, huyện Yên Bình đã lựa chọn 12/24 xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi số, đứng thứ 2 toàn tỉnh về tỷ lệ đăng ký thực hiện. Đến nay, 12/24 xã, thị trấn đã hoàn thành 17/17 chỉ tiêu chuyển đổi số cấp xã, thị trấn, đưa huyện Yên Bình là huyện có mức độ hoàn thành chỉ tiêu/tỷ lệ đăng ký cao nhất trong toàn tỉnh. Theo kế hoạch của huyện trong thực hiện chuyển đổi số trong năm 2022, huyện đặt ra 28 mục tiêu và đã hoàn thành 24/28 mục tiêu (chiếm 85,6%). Nhờ đó, năm 2022 huyện Yên Bình đã xếp thứ 3/9 huyện, thị xã, thành phố về chỉ số chuyển đổi số với tỷ lệ hoàn thành là 83,99%.
Người dân được hưởng lợi
Khi thực hiện chuyển đổi số, huyện cũng xác định lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển. Tới nay, người dân huyện Yên Bình đã được thụ hưởng nhiều tiện ích từ những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số.
Về hạ tầng số, hiện này toàn huyện có 177/177 nhà văn thôn, tổ dân phố đã được triển khai lắp đặt mạng wifi tốc độ cao.
Bà Hoàng Thị Hoa - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Xuân Long chia sẻ: “Từ khi nhà văn hóa thôn có wifi tốc độ cao đã giúp nhiều cuộc họp thuận lợi hơn rất nhiều. Nhất là các câu lạc bộ, các đội văn hóa, văn nghệ của các thôn thường xuyên tập luyện, sinh hoạt, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”.
Cùng với đó, hệ thống phần mềm, nền tảng số mà Yên Bình có được đến nay cũng mang lại rất nhiều tiện ích cho các tầng lớp nhân dân. Yên Bình là huyện triển khai sớm nhất và có số lượng chi bộ và đảng viên sử dụng nền tảng sổ tay điện tử cao nhất trong toàn tỉnh.
Đến nay, huyện Yên Bình đã triển khai nền tảng này tới 284/284 chi bộ. Số lượng đảng viên đã tạo tài khoản đạt 5.565/6700 tương đương 83,05% tổng số đảng viên toàn huyện. Yên Bình còn là huyện thứ hai toàn tỉnh được xây dựng, bàn giao và đưa vào sử dụng trang thông tin điện tử cấp xã; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành; nền tảng họp không giấy tờ đã triển khai tại cấp huyện; nền tảng họp trực tuyến VNPT Meeting từ cấp huyện tới cấp xã. 100% cán bộ công chức, viên chức được cung cấp và sử dụng hộp thư điện tử công vụ hỗ trợ trao đổi công việc.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên cho biết: “Đến nay, chúng tôi được hưởng lợi nhiều từ chuyển đổi số. Nhờ chuyển đổi số mà các cuộc họp tại huyện chúng tôi cũng hạn chế không phải đi lại nhiều, chủ yếu họp bằng hình thức trực tuyến, tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Cùng với đó, hiện nay, xã Vĩnh Kiên có 7/7 thôn đều có wifi tốc độ cao tại các hội trường thôn tạo thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động chung của thôn xóm”.
Bên cạnh đó, người dân Yên Bình còn được hưởng các tiện ích từ nền tảng số như: Nền tảng “Hồ sơ sức khỏe điện tử” hiện đã triển khai cho 24/24 trạm y tế các xã, thị trấn. Năm 2022 hồ sơ sức khỏe điện tử đã khởi tạo đạt 87,5% người dân. Nền tảng sàn thương mại điện tử cũng đã giúp đưa 32 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc sản của 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn lên sàn giao dịch Voso và Postmart…
Tăng tốc, bứt phát
Chia sẻ với PV Báo TN&MT, ông An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo công tác chuyển đổi số huyện Yên Bình cho biết: Năm 2023, huyện xác định tiếp tục tăng tốc, bứt phá triển khai thực hiện quyết liệt, bài bản, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trên cả 4 trụ cột: Cấp ủy chính quyền số; kinh tế số, xã hội số và dữ liệu số gắn với xây dựng huyện Yên Bình đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh thực chất và bền vững. Đồng thời, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và khả năng kiến tạo, phục vụ liêm chính của cấp ủy, chính quyền các cấp; thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng hạnh phúc cho người dân.
Nhằm đạt được mục tiêu đó, lãnh đạo huyện Yên Bình yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, các phòng, ban, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải quán triệt và xác định chuyển đổi số là công việc bắt buộc phải làm và phải làm nhanh, làm chất lượng, hiệu quả nếu không muốn tụt hậu. Từng bước đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trở thành công việc thường xuyên, liên tục, gắn chặt với quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức trách, thẩm quyền được giao.
“Với phương châm “Không có gì là không thể, phải quyết tâm tìm cách để làm”, từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2023 một cách chất lượng, hiệu quả”, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo công tác chuyển đổi số huyện Yên Bình An Hoàng Linh chia sẻ.