Tỉnh Yên Bái tham gia diễn tập ATTT Cụm thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố.
Hiện nay, tại tỉnh Yên Bái, hệ thống mạng số liệu chuyên dùng đã triển khai kênh truyền số liệu chuyên dùng tới 398 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh qua đó đã thiết lập hệ thống mạng diện rộng (WAN). Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh Yên Bái (LGSP) đã thực hiện nhiệm vụ kết nối với trục liên thông quốc gia (NGSP) và phục vụ liên thông, tích hợp chia sẻ hệ thống quản lý văn bản của tỉnh với quốc gia; cổng dịch vụ công (DVC) của tỉnh với cổng DVC quốc gia, qua đó đã kết nối và khai thác 09 dịch vụ, phục vụ cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có thể tra cứu, theo dõi…
Với tài nguyên đặc biệt là dữ liệu thông tin, các mô hình như CQĐT, thành phố thông minh đã giúp tỉnh Yên Bái cải cách, rút gọn nhiều thủ tục hành chính phức tạp, quản lý điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách khoa học, từ đó tăng năng suất lao động, bảo đảm đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu đó, nhiệm vụ bảo vệ, bảo mật nguồn dữ liệu thông tin là vô cùng quan trọng.
Đứng trước bài toán này, trong quá trình xây dựng CQĐT và ĐTTM, thời gian vừa qua, để đảm bảo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 14/CT-TTg tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Sở TT&TT tham mưu triển khai thuê dịch vụ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh Yên Bái đã chủ trương xây dựng các dự án thành phần đó là xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử và dự án xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng theo tiêu chuẩn Quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái cho biết: Để đảm bảo công tác ATTT, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện dự án Trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu ĐTTM, với mục tiêu ứng dựng CNTT vào cách mạng công nghiệp 4.0 tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành từ các cơ quan, đơn vị đến cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh để nâng cao năng lực quản lý điều hành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo đó, nền tảng Trung tâm sẽ gồm nhiều hệ thống như: Hệ thống Giám sát điều hành an ninh; Hệ thống Giám sát điều hành giao thông; Hệ thống phản ánh hiện trường; Hệ thống Giám sát thông tin báo chí và truyền thông; Hệ thống Giám sát, bảo mật ATTT; Hệ thống phân tích dữ liệu và báo cáo thông tin kinh tế, xã hội... Theo hệ thống này, các phản ánh hiện trường của người dân về những bất cập trong đời sống xã hội và quản lý đô thị có thể thực hiện bằng điện thoại thông minh để gửi qua mạng xã hội và website của trung tâm; các phản ánh, hình ảnh đó được cơ quan chức năng xử lý.
Đặc biệt, việc sắp đưa vào vận hành Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng tỉnh Yên Bái (SOC) sẽ hoàn toàn đáp ứng yêu cầu bảo đảm mô hình ATTT mạng 4 lớp theo Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và theo Quy định của Bộ TT&TT.
Cùng với đó, tỉnh Yên Bái cũng đã khẩn trương thành lập Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng do Sở TT&TT là cơ quan đầu mối của tỉnh trong các hoạt động điều phối, ứng cứu sự cố ATTT mạng giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cụ thể, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định 362/QĐ-UBND kiện toàn Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng của tỉnh. Theo Quyết định này, Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng của tỉnh do ông Trần Hùng, Phó Giám đốc Sở TT&TT làm Đội trưởng; Các Phó đội trưởng là lãnh đạo Cổng Thông tin điện tử tỉnh, phòng chuyên môn Sở TT&TT và lãnh đạo Trung tâm CNTT - Truyền thông tỉnh.
Thành viên chính thức của Đội ứng cứu gồm 12 cán bộ, chuyên viên các sở, ngành trong tỉnh. Ngoài ra, còn có cán bộ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia phối hợp, hỗ trợ Đội ứng cứu trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Đội ứng cứu thực hiện trách nhiệm là đầu mối của tỉnh trong các hoạt động điều phối, ứng cứu sự cố ATTT mạng trên địa bàn tỉnh Yên Bái; phối hợp với Cục ATTT, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, các đơn vị thành viên của Cụm ứng cứ sự cố ATTT mạng quốc gia hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh Yên Bái (không bao gồm các hệ thống thông tin do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý) và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả ứng cứu sự cố ATTT mạng trên địa bàn tỉnh; thường xuyên báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao….
Được biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái đặt ra mục tiêu, tiếp tục xây dựng thành công CQĐT, ĐTTM, hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số chiếm khoảng 25% GRDP của tỉnh, năng suất lao động tăng bình quân trên 6,2%/năm, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, cơ bản hoàn thành xây dựng ĐTTM tỉnh Yên Bái.
Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu đến 2030, mạng 5G phủ sóng trên toàn tỉnh, người dân được truy cập Internet băng rộng với chi phí thấp, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh, năng suất lao động tăng bình quân 7%/năm, hoàn thành xây dựng chính quyền số, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong tỉnh và khu vực...
Với mục tiêu cụ thể trên, việc đảm bảo ATTT trên môi trường mạng càng trở nên đặc biệt quan trọng. Vì thế, trong các giải pháp bảo đảm ATTT trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cấp, phát triển công nghệ được tỉnh Yên Bái xem là lựa chọn tối ưu để giải quyết phần lớn những hiểm họa từ bảo mật và tấn công mạng. Theo lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh, cùng với vấn đề đảm bảo ATTT, giai đoạn tới đây tỉnh sẽ tập trung đầu tư, tiếp nhận hạ tầng kỹ thuật CNTT với công nghệ tiên tiến, hiện đại có tính bảo mật, an toàn, an ninh cao./.