Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
KIÊN ĐỊNH CON ĐƯỜNG ĐÃ CHỌN
Với 29 bài viết được tuyển chọn này, những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; trong đó, những câu hỏi: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”(1)[1]... đã được Tổng Bí thư phân tích thấu đáo, luận giải cặn kẽ trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Cụ thể, từ sự phân tích bản chất của chủ nghĩa tư bản, những giá trị đạt được và những hạn chế của chế độ tư bản chủ nghĩa trong mối quan hệ khách quan, vận động và phát triển không ngừng, Tổng Bí thư đã khẳng định, xã hội xã hội chủ nghĩa (giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản) với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn từ năm 1930 và đang tiếp tục phấn đấu thực hiện. Đó thực sự là “một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội”(2)[2]. Đó là một chế độ xã hội phát triển thực sự vì con người, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Đó là một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân…
Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, “mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”(3)…
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (giữa), Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, cùng các đại biểu tại lễ ra mắt sách.
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng, con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển và phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Đồng thời, phát triển văn hoá đồng bộ, tương xứng với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội cũng là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hoá mà Việt Nam xây dựng “là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hoá thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hoá nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mĩ ngày càng cao”(4)…
KIÊN ĐỊNH NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Một trong những vấn đề được thể hiện xuyên suốt trong cuốn sách của Tổng Bí thư đó là Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ những bài viết trong cuốn sách này, bạn đọc đều thấy rõ giá trị không thể phủ nhận, sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của nhân loại, dù thế giới quanh ta đầy biến động! Bất chấp sự xuyên tạc, chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, thì chủ nghĩa Mác- Lênin vẫn luôn là một học thuyết cách mạng, khoa học, hiện đại và hơn hết đó là một học thuyết mở; đồng thời, là kim chỉ nam để các Đảng Cộng sản, các quốc gia vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước mình, làm cho chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực sinh động trên thực tiễn. Ở Việt Nam, cùng với chủ nghĩa Mác- Lênin, giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không thể xuyên tạc hay phủ nhận: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học”(5).
Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhất quán, xuyên suốt 92 năm qua là minh chứng sinh động cho thấy giá trị dân tộc và thời đại của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đúng như Tổng Bí thư đã khẳng định trong Báo cáo “Vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc” trình bày tại Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2/2021): “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đây chính là kiên định con đường để đưa đất nước Việt Nam đến phát triển hùng cường, bền vững và phồn vinh; để nhân dân Việt Nam được thụ hưởng trọn vẹn giá trị của “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” như tiêu ngữ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng một số lãnh đạo tại Đại hội XIII của Đảng.
Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam và cả hệ thống chính trị không chỉ kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII mà còn phải “tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(6) như Tổng Bí thư đã khẳng định.
Thực tế, ở Việt Nam, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”(7), việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong 9 thập niên xây dựng và phát triển, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa Thu năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945); tiếp tục kiên trì tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1945-1975) và cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975).
Thực tế, những thành tựu mà đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam đạt được từ năm 1986 đến nay cho thấy: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(8); đồng thời cũng chứng minh rằng, “phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”(9)…
Đặc biệt, thấm nhuần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, của công cuộc đổi mới, hội nhập và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, vừa cấp bách vừa thường xuyên và lâu dài; có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ; luôn coi đoàn kết là giá trị cốt lõi và đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam; luôn coi gắn bó mật thiết với nhân dân là nguồn sức mạnh nội sinh của Đảng…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước
Bài học kinh nghiệm đầu tiên được Tổng Bí thư nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng chính là “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”(10). Vì thế, phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong, phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực và kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn liền với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực. Cùng với đó, Đảng phải tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm “trên trước, dưới sau', “trong trước ngoài sau”, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu…
Thời gian qua, việc xuất bản các cuốn sách của Tổng Bí thư: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” và “Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” không chỉ là sự trân trọng trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết của đồng chí; không chỉ là tình cảm đặc biệt dành cho Tổng Bí thư mà còn là sự khẳng định niềm tin của nhân dân ta, của bạn bè quốc tế đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ các cuốn sách này, bạn đọc là cán bộ, đảng viên, người dân, các bạn sinh viên hay người nước ngoài… khi nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở một đất nước cụ thể như Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đều tìm thấy trong đó sự trình bày, phân tích, minh chứng khách quan, khoa học của Tổng Bí thư về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam từ thập niên 1930 về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự kiên định con đường đã chọn của Đảng ta, nhân dân ta trong hơn 90 năm qua, dù phải trải qua nhiều khúc ngoặt và đầy khó khăn, thử thách. Đồng thời, mỗi độc giả đều cảm nhận được từ những bài viết trong các cuốn sách này nhận thức, tư duy, trí tuệ, sự kiên định cũng như bản lĩnh của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội; đều cảm nhận được sự tâm huyết, kiên định và quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng về con đường đi duy nhất đúng, phù hợp xu thế thời đại của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
TS. Văn Thị Thanh Mai
------------------
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.17, 28, 28, 92-93, 37, 38, 22, 34, 30, 47-48.