Xung lực cho sự phát triển các Trang tin/Cổng TTĐT của cơ quan nhà nước

Thứ hai, 11/01/2010 08:41

59/63 tỉnh, thành phố đã có Trang tin điện tử và 26/30 Bộ, ngành đã có Trang tin điện tử hoặc Trang tin thủ tục hành chính trên Internet. Các cán bộ, công chức đã sử dụng máy tính, Internet và các ứng dụng tin học văn phòng cơ bản phục vụ cho công việc của mình, với những mức độ khác nhau.

img

 

 

Hội nghị công tác văn phòng cơ quan hành chính nhà nước toàn quốc vừa diễn ra ngày 8/1/2009 là dịp để những người làm công tác văn phòng nhìn lại, trao đổi, đánh giá về một trong những phương thức làm việc hiện đại, theo kịp nhu cầu của thời đại .

 

Có thể nói, thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các Trang tin/Cổng thông tin điện tử (TTĐT) các Bộ, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty lớn (gọi chung là Trang tin/Cổng TTĐT cơ quan hành chính Nhà nước) và sự đóng góp không nhỏ của nó trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Có nhiều xung lực thúc đẩy sự phát triển này, trong đó phải kể tới vai trò “đầu kéo” của Cổng TTĐT Chính phủ trong thời gian qua.

Tiền đề thuận lợi

Tổ chức triển khai Chỉ thị quan trọng của Đảng (58-CT/TW) về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT), những năm qua Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và tập trung nguồn lực để phát triển CNTT-TT. Đó là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các Trang tin/Cổng TTĐT cơ quan hành chính Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc phát triển Trang tin/Cổng TTĐT đối với cơ quan hành chính Nhà nước cũng phù hợp với quy luật của tiến trình xây dựng một nền hành chính hiện đại theo định hướng Chính phủ điện tử.

Hạ tầng CNTT ở nước ta đã được cải thiện đáng kể, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển các Trang tin/Cổng TTĐT. Các cơ quan hành chính đã có mạng nội bộ ( LAN). Tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ công chức năm 2009 là 112%; số đơn vị có kết nối Internet băng thông rộng đạt 79,98%; tại các tỉnh, số liệu tương ứng là 70,3% và 100%.

Đến nay đã có 95,45% cán bộ công chức ở các Bộ, 43,17% ở các thành phố trực thuộc Trung ương và 36,27% ở các tỉnh đã sử dụng thường xuyên hệ thống thư điện tử trong xử lý công việc.

Hiện 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Trang tin điện tử (website) trên Internet; 26/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã có website hoặc Trang tin thủ tục hành chính trên internet. Cán bộ, công chức đã sử dụng máy tính, Internet và các ứng dụng tin học văn phòng cơ bản phục vụ cho công việc của mình, với những mức độ khác nhau.

Trong khi đó, thực tiễn hoạt động của các Trang tin/Cổng TTĐT cơ quan hành chính Nhà nước trong những năm qua càng minh chứng rõ nét nhu cầu phát triển của nó.

Đơn cử  như Cổng TTĐT Chính phủ đã đưa lên mạng hàng chục ngàn văn bản quy phạm pháp luật, hàng ngàn văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hàng ngày có khoảng từ 3.000.000 đến 7.000.000, cá biệt có lúc tới 10.000.000 lượt truy cập vào Cổng TTĐT Chính phủ. Nếu chỉ lấy 1% của số lượt truy cập thấp nhất để ước lượng số lượt vào khai thác toàn văn văn bản trên Cổng TTĐT Chính phủ nhân với 10.000 đồng/ văn bản là giá bán của các đơn vị cung cấp dịch vụ văn bản qua mạng, thì mỗi năm số tiền cung cấp miễn phí văn bản lên tới 110 tỷ đồng; cộng chung với cả hệ thống các Trang tin/Cổng TTĐT cơ quan hành chính Nhà nước, thì con số quy đổi sẽ là rất lớn.

Đó mới chỉ là giá trị đo đếm. Điều đáng nói ở các Trang tin/Cổng TTĐT cơ quan hành chính Nhà nước chính là giá trị vô hình, trong đó có giá trị để định vị tiêu chí phát triển của một quốc gia, hoặc một tổ chức hành chính trên không gian mạng toàn cầu.

Xung lực từ “đầu kéo”

Sự phát triển mạnh mẽ của Cổng TTĐT Chính phủ kể khi hòa mạng internet tháng 1/2006 đã trở thành động lực và là nguồn cổ vũ cho sự phát triển các Trang tin/Cổng TTĐT.

Một trong những dấu ấn đặc biệt được kể đến là ngày 9/2/2007, Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên đã tiến hành đối thoại trực tuyến liên tục trong hơn 4 giờ đồng hồ với nhân dân trong và ngoài nước trên Website Chính phủ. Sự kiện này đã mở đầu thời kỳ Website Chính phủ và sau đó là Trang tin/Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương trở thành phương tiện đối thoại, giao tiếp điện tử thường xuyên giữa chính quyền và nhân dân.

Việc Cổng TTĐT Chính phủ đã chủ trì tổ chức hoặc tham gia với Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan thực hiện các cuộc hội nghị truyền hình trực tuyến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên mạng tin học; thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến của lãnh đạo Chính phủ hoặc thành viên Chính phủ, lãnh đạo các ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty lớn trên mạng Internet v.v… đã cho thấy năng lực đặc biệt quan trọng của các Trang tin/Cổng TTĐT trong việc hình thành các phương thức làm việc mới dựa trên ứng dụng CNTT-TT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả cả trong công tác chỉ đạo điều hành, cả trong tuyên truyền vận động nhân dân, tạo ra các hiệu ứng xã hội tích cực.

Sự phát triển mạnh mẽ của Cổng TTĐT Chính phủ cũng đã mang lại những bài học bổ ích cho sự phát triển Trang tin/Cổng TTĐT cơ quan nhà nước nói chung. Đó là bài học về quan điểm phát triển nhất quán: Các Trang tin/Cổng TTĐT cơ quan hành chính nhà nước tất yếu tạo ra hệ thống thông tin hành chính điện tử của Chính phủ trên internet, là hạt nhân của Chính phủ điện tử, vừa phát triển song hành, như là một công cụ hữu hiệu, đồng thời là động lực của tiến trình cải cách hành chính.

Đó là bài học về giải pháp, định hướng phát triển đúng đắn; về vị thế và cơ chế hoạt động thích hợp đối với các Trang tin/Cổng TTĐT.

Năm 2010: Tăng cường xung lực

Năm 2010 là năm có ý nghĩa đặc biệt bởi theo Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Trang tin/Cổng TTĐT phải phát triển mạnh hơn nữa để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Theo đó, đến hết năm 2010, bảo đảm trung bình là 60% các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cấp Bộ, cấp tỉnh được đưa lên Trang tin/Cổng TTĐT.

Đến năm 2010, bảo đảm 100%  cơ quan cấp Bộ,  UBND cấp tỉnh có Cổng TTĐT và 80% các trang này cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bảo đảm các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, các tỉnh và các cuộc họp của các Bộ với các cơ quan trực thuộc đều có thể thực hiện từ xa.

Cũng trong năm 2010, “đầu kéo” -  Cổng TTĐT Chính phủ sẽ có các bước phát triển đáng kể.

Theo đó, Cổng TTĐT Chính phủ tiếp tục hiện đại hóa về công nghệ, chuyển đổi hoàn toàn sang phiên bản hiện đại hơn.

Đặc biệt, Cổng TTĐT Chính phủ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đưa vào vận hành Mạng thông tin hành chính 2 cấp của Chính phủ trên internet, từng bước mở rộng xuống 4 cấp hành chính. Đồng bộ cấu trúc thông tin từ các Trang tin/Cổng TTĐT của Bộ/ngành và tỉnh/thành phố, Tập đoàn, Tổng công ty lớn. Tích hợp dịch vụ công với các Bộ/ngành, tỉnh, thành phố có đủ điều kiện theo chuẩn thống nhất (đồng bộ với kết quả thực hiện Đề án 30)…

Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có quyết sách và thường xuyên quan tâm chỉ đạo phát triển CNTT-TT, trong đó có hệ thống Trang tin/Cổng TTĐT cơ quan hành chính Nhà nước. Đây là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, là cơ hội vàng cần nắm bắt, triển khai quyết liệt trong thực tiễn.

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top