Ảnh minh họa
Một ngày cuối tháng 7/2022, chúng tôi có mặt tại Quân cảng Cam Ranh, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân để chứng kiến việc bàn giao ngư dân thuộc tàu cá BTh 97478TS gặp nạn trên biển. Các ngư dân may mắn được đưa về đất liền gồm ông Bùi Văn Toàn (ngụ phường Phú Tài, TP Phan Thiết, thuyền trưởng tàu BTh 97478 TS), các ngư dân Nguyễn Văn Mỹ (ngụ xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết), Bùi Văn Vinh (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), Lê Văn Dũng (ngụ phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết), Nguyễn Thành La (ngụ phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
Được biết, với phương châm “Lo cho ngư dân như người thân của mình”, “Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim”, từ năm 2019 đến nay, Quân chủng Hải quân đã chủ động phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Theo Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, toàn Quân chủng đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt hải sản, góp phần củng cố niềm tin cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo các trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật nghề cá trên biển, các âu tàu, làng chài trên quần đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo, nhà giàn DK1 thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Các đơn vị trong Quân chủng Hải quân cũng kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền với tuyên truyền, xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, bảo vệ ngư trường hợp pháp, bảo vệ tài sản, tính mạng của ngư dân trên biển.
Chỉ tính trong giai đoạn 2019 - 2022, các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân đã tổ chức 567 đợt hoạt động, điều động 365 lượt tàu, 16 lượt máy bay, 58 lượt xuồng, 50 lượt xe ô tô cùng hơn 12.500 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời cứu kéo 340 lượt tàu (với 4.742 lượt người) mắc cạn, hỏng máy trôi dạt trên biển; chữa và cứu 1.244 người bị bệnh, bị nạn trên các vùng biển, đảo; giúp ngư dân sửa chữa, khắc phục sự cố tàu thuyền trên biển với hơn 1.400 ngày công.
Bên cạnh đó, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển; các âu tàu, làng chài ở huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo, nhà giàn đã hỗ trợ ngư dân 25.000m3 nước ngọt, 272 tấn lương thực, thực phẩm với tổng giá trị hơn 4,5 tỷ đồng; cung cấp các dịch vụ thu mua hải sản, bán nhiên liệu bằng với giá ở đất liền; hướng dẫn, sắp xếp cho các tàu cá vào bổ sung lượng dự trữ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, tránh trú bão, khắc phục sự cố tàu thuyền, khám, chữa bệnh... đạt hiệu quả tốt.
Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, giai đoạn 2019 - 2022 vừa được tổ chức tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa) mới đây, đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định, phát huy những kết quả đã đạt được trong 3 năm vừa qua, thời gian tới, Quân chủng Hải quân sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các địa phương, cùng các lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân nhiều hơn nữa. Trong đó, trọng tâm là chú trọng phối hợp tuyên truyền vận động ngư dân nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách, luật pháp của Nhà nước, về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đa dạng hóa các nội dung, hình thức hỗ trợ, giúp đỡ bà con ngư dân theo phương châm “Lo cho ngư dân như người thân của mình”; phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”… Qua đó, vừa góp phần xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển; vừa củng cố ở bà con ngư dân niềm tin, quyết tâm vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.