Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản 8 tháng đầu năm giảm 9,5%, chỉ đạt 33,21 tỷ USD nhưng vẫn có một số nhóm hàng đem lại hi vọng cho ngành nông nghiệp năm nay. Điển hình là xuất khẩu gạo đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% nhờ giá gạo tăng nhanh; rau quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%...
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm thủy sản ước đạt 59,69 tỷ USD, giảm 11,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu 33,21 tỷ USD, nhập khẩu 26,48 tỷ USD. Như vậy lĩnh vực nông, lâm thủy sản của Việt Nam vẫn đang xuất siêu 6,72 tỷ USD.
Cụ thể, trong tháng 8, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản ước đạt 4,36 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản đạt 2,16 tỷ USD, tăng 11,5%; chăn nuôi 50 triệu USD, tăng 24%; thủy sản 750 triệu USD, giảm 24%; lâm sản 1,19 tỷ USD, giảm 21,5%...
Do giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng xuất khẩu chính giảm so với cùng kỳ năm trước, nên tổng kim ngạch xuất khẩu của 8 tháng đầu năm ước đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5%.
Trong đó, nhóm thuỷ sản đạt kim ngạch 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%. Xuất khẩu lâm sản đạt 8,95 tỷ USD, giảm 25,1%; đầu vào sản xuất 1,32 tỷ USD, giảm 21,9%. Trong lúc các lĩnh vực này đang ảm đạm thì các nhóm hàng như rau quả, gạo, cà phê vẫn duy trì đà tăng, đóng góp quan trọng vào con số xuất siêu của Việt Nam.
Cụ thể giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%. Xuất khẩu hạt điều 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%. Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cũng tăng khá nhanh, đạt 325 triệu USD, tăng 26,1%.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua liên tục tăng "nóng", hiện đã cao hơn giá gạo của Thái Lan và đang ở mức cao nhất thế giới. Cụ thể, giá gạo hôm nay loại 5% tấm của Việt Nam ngày 28/8 tiếp tục tăng cao lên 643 USD một tấn, cao hơn gạo Thái Lan 13 USD một tấn. Giá gạo 25% tấm đạt 623 USD/tấn. Đây cũng là mức giá gạo cao nhất 15 năm qua.
Theo Tổng cục Hải quan, Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong gần 8 tháng đầu năm nay; tiếp đó là Trung Quốc. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một loạt thị trường ghi nhận mức tăng "đột biến", như Indonesia (tăng 15 lần), Senegal (tăng 7,8 lần), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 64,8 lần)…
Nguồn cung gạo trên thị trường thế giới đang trở nên khan hiếm kể từ ngày 20/7, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng các loại. Trước tình hình này, nhiều khách hàng đã chuyển sang mua gạo đồ với giá cạnh tranh. Tuy nhiên, Ấn Độ lại tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% lên gạo đồ. Việc áp thuế 20% lên gạo đồ được cho là sẽ tác động đáng kể lên nguồn cung gạo toàn cầu.
Một số chuyên gia nhận định, nếu Myanmar "nối gót" Ấn Độ chính thức dừng xuất gạo sẽ khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng thêm khoảng 20 USD/tấn. Tác động tổng hợp từ các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo ở các nguồn cung này có thể đẩy giá gạo toàn cầu tiếp tục tăng và trong tháng 9 chạm mốc 700 USD/tấn.