ảnh minh họa
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong những năm qua các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng nhập lậu thuốc lá cũng như buôn bán thuốc lá có nguồn gốc nhập lậu và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, nạn buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp, gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN, sau Indonesia và Philippine. Mỗi năm, nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì thuốc lá.
Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng buôn lậu thuốc lá không hề có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí còn diễn biến đa dạng và phức tạp hơn. Tại các địa bàn trọng điểm như Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, buôn lậu thuốc lá vẫn gia tăng. Trung bình mỗi ngày lượng thuốc lá nhập lậu khoảng 400.000 – 500.000 bao các loại.
Có thể nói, buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận, chỉ sau buôn bán ma túy. Vì vậy, đây là “ma lực” đối với những đối tượng buôn lậu kéo theo đội quân vận chuyển thuê, vốn là những người lao động vì mưu sinh mà trở thành lực lượng “cửu vạn” cho những “đầu nậu” đứng sau hưởng lợi.
Thực tế, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng tiêu thụ thuốc lá khi có tới 45% người trưởng thành ở Việt Nam sử dụng thuốc lá và số người hút thuốc lá vẫn không ngừng tăng lên, nhất là trong giới trẻ.
2 mẫu thuốc lá nổi tiếng chứa chất độc hại vượt ngưỡng cho phép
Ông Nguyễn Triết - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - cho biết: Khi Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá tiến hành phân tích một số mẫu thuốc lá lậu đã phát hiện 2 mẫu thuốc lá có hàm lượng các chất độc hại trong mẫu nhập lậu cao hơn mức thông thường, vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế. Thời gian qua, lợi dụng cả nước căng mình phòng, chống dịch COVID-19, nạn buôn lậu thuốc lá trên tuyến biên giới đã diễn ra hết sức phức tạp. Các đối tượng buôn lậu sử dụng những thủ đoạn tinh vi, sẵn sàng chống đối, tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Nghiêm trọng hơn, việc buôn lậu thuốc lá qua biên giới tiềm ẩn nguy cơ rất cao về việc lây lan bùng phát virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài vào nội địa.
Mua bán thuốc lá qua mạng chưa được quản lý
Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy khác về chống buôn lậu thuốc lá. Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế và ngăn chặn vấn nạn buôn lậu thuốc lá, nhưng tình trạng buôn lậu vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, trái lại còn diễn biến phức tạp trên đường bộ, đường biển và đường hàng không với thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh, gây thất thu ngân sách, thiệt hại cho sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài ra, trên thị trường còn xuất hiện thuốc lá điện tử, thuốc lá mới, hình thức mua bán qua môi trường mạng chưa có biện pháp quản lý. Nguyên nhân chính khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng đó là lợi nhuận siêu khủng chỉ sau buôn bán ma túy.
Hiện, quy định của pháp luật vẫn còn nhiều bất cập (Theo Luật Đầu tư 2014 thuốc lá không phải là mặt hàng cấm); chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, một bộ phận người tiêu dùng chưa nhận thức được tác hại của thuốc lá. Đây chính là “mảnh đất” khiến cho buôn lậu thuốc lá vẫn còn tồn tại. Sau khi lắng nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự, hội thảo đã thống nhất đưa ra kiến nghị yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đấu tranh phòng, chống nạn buôn lậu thuốc lá. Từ đó, xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập của chính sách, pháp luật, tăng chế tài xử phạt để tăng sức răn đe.
Cùng với đó, có biện pháp tuyên truyền cho người dân không buôn lậu hoặc tiếp tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá; vận động ngưới tiêu dùng thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở thị trường Việt Nam.