Một trong những tác phẩm nổi bật của dòng sách song ngữ là bộ truyện “Biệt đội Ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại” (Star Team: A Quest for the Greatest Power) của tác giả sinh năm 2009 Rosy Black - Nguyễn Hạnh Phương. Đây là bộ truyện giả tưởng song ngữ Anh - Việt, kể về chuyến phiêu lưu của bốn đứa trẻ tìm lại chiếc hộp chứa sức mạnh vĩ đại từ tay Thần chết, để đem lại bình yên cho loài người. Tác giả viết 4 tập, trong đó, tập 1 vừa được Nhà Xuất bản Kim Đồng cho ra mắt vào tháng 2-2022, tạo thành “hiện tượng” trong giới xuất bản. Tác giả Nguyễn Hạnh Phương được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là “Học sinh viết truyện giả tưởng bằng tiếng Anh và xuất bản thành sách song ngữ Anh - Việt nhỏ tuổi nhất Việt Nam”. Tác giả “nhí” chia sẻ: "Em lên ý tưởng viết bộ truyện này từ tháng 7-2019, khi 10 tuổi. Em viết nháp toàn bộ nội dung bộ truyện bằng tiếng Anh. Khi hoàn thành tập 1 bằng tiếng Anh, em mới dịch sang tiếng Việt". Hiện tại, Rosy Black đang hoàn thiện tập 2 và dự kiến ra mắt cuối năm 2022.
Trước đó, Nhà Xuất bản Kim Đồng cũng thực hiện nhiều bộ sách song ngữ Việt - Anh, như sách tranh truyện “Theo sóng biển khơi - Journey along the big waves” (4 cuốn) do tác giả Nhã Lam viết lời, sách ảnh “Trường Sa - Nơi ta đến”, sách tranh “Ấn tượng Hà Nội từ ký họa những công trình thời Pháp”... Đặc biệt, cuốn “Put the phone down now - Bỏ điện thoại xuống nào”, “This is Tet - Đúng là Tết” của tác giả Bùi Phương Tâm được xuất bản song song cả hai ấn bản tiếng Anh, tiếng Việt…
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt mới kết hợp với dịch giả Rosy Trần và họa sĩ Đặng Hồng Quân thực hiện tập thơ song ngữ Việt - Anh “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ - Chairs in a small kitchen”. Ấn phẩm do Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cùng Nhà Xuất bản Thế giới phát hành, gồm 30 bài, xoay quanh tình cảm gia đình, những câu chuyện thường ngày dưới góc nhìn trẻ thơ.
Cuối năm 2020, Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam ra mắt cuốn truyện tranh song ngữ Việt - Anh “Bơ không phải để ăn - Bơ is not for eating” của các tác giả Trần Quốc Anh, Huỳnh Trọng Khang, Chung Bảo Ngân. Những chuyến phiêu lưu thú vị của cậu bé Bơ đã thu hút nhiều độc giả tham gia viết tiếp câu chuyện gửi tới nhà xuất bản. Còn tác giả 15 tuổi Nguyễn Khang Thịnh viết sách “Cẩm nang sinh tồn siêu cấp - The Ultimate Guide to Surviving” song ngữ Việt - Anh (Công ty cổ phần Sách Thái Hà, Nhà Xuất bản Hà Nội xuất bản). Với lời văn ngắn gọn, dí dỏm, tác giả Khang Thịnh đã đưa ra những bí quyết đơn giản để các bạn nhỏ sinh tồn trong thiên nhiên hoang dã hoặc bảo vệ mình ở trường…
Mở rộng đối tượng của sách Việt
Xu hướng thực hiện và xuất bản sách song ngữ gần đây xuất phát từ nhu cầu của độc giả. Độc giả trong nước có nhu cầu học hỏi và nâng cao trình độ sử dụng ngoại ngữ. Thế hệ người Việt lớn lên ở nước ngoài muốn tìm hiểu về tiếng Việt, về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Độc giả là người nước ngoài muốn tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam... “Đọc sách song ngữ của tác giả Việt rất gần gũi, giúp em thực hành tiếng Anh tốt hơn. Em cũng có thể chia sẻ, cùng đọc sách với các bạn người nước ngoài”, em Nguyễn Lan Phương, học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Xuân La, quận Tây Hồ nói.
Theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt, độc giả hiện nay đã khác trước nhiều, nhất là thế hệ trẻ. Họ có may mắn tiếp cận ngoại ngữ từ rất sớm. Vì thế, việc thực hiện sách song ngữ giúp độc giả vừa giải trí, vừa học thêm tiếng Anh. Đây cũng là cách để mở rộng đối tượng độc giả, đưa sách Việt ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên cho rằng, với việc thực hiện song ngữ, sách Việt có cơ hội đi xa hơn, có thể xuất bản tại thị trường nước ngoài, tham gia vào đời sống xuất bản thế giới... Vừa qua, Nhà Xuất bản Kim Đồng đã bán bản quyền cuốn “This is Tet” cho 3 nhà xuất bản Horami (Đức), Barnens Val (Thụy Điển) và Tiny Wrist (Mỹ) và cuốn “Put the phone down now” đã được Nhà Xuất bản Qingdao Press (Trung Quốc) mua bản quyền. Việc xuất bản sách song ngữ còn góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng như nền văn học nước nhà đến với bạn bè quốc tế. “Hiện nước ta có nhiều tác giả trẻ có thể sáng tác bằng ngoại ngữ. Cùng với đó, đội ngũ dịch thuật ngày càng trẻ, giỏi và đông đảo hơn”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết.
Với các tác giả, việc xuất bản sách song ngữ là động lực cho họ tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng để ra mắt những tác phẩm mới. “Được mẹ hướng dẫn, em đã đọc hơn 1.000 cuốn sách các thể loại, trong đó có khoảng 70% sách tiếng Anh. Vì thế, em rất yêu thích và muốn viết sách song ngữ để các bạn nhỏ trau dồi ngoại ngữ, có cảm hứng học và thực hành tiếng Anh”, tác giả bộ truyện song ngữ “Biệt đội Ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại” Nguyễn Hạnh Phương chia sẻ.
Khuyến khích, hỗ trợ thực hiện và xuất bản sách song ngữ của tác giả Việt không chỉ đem lại trải nghiệm đa dạng, hấp dẫn hơn cho người đọc, mà còn thúc đẩy ngành Xuất bản Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế.