Xử lý nghiêm trường hợp đưa thông tin bịa đặt, sai trái về phòng, chống dịch Covid-19

Thứ hai, 01/11/2021 16:37

Trong thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã ban hành nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng mạng xã hội; xử lý nghiêm đối với những trường hợp đưa thông tin bịa đặt, sai trái về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên môi trường mạng gây tâm lý, tư tưởng hoang mang trong cộng đồng, đặc biệt là các trường hợp tung tin thuộc đối tượng là giới trẻ.

20211206-m11.jpg

Ảnh minh họa

Nhiều giải pháp tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng mạng xã hội

Theo đó, Bộ TTTT đã triển khai bộ phận trực giám sát thông tin trên không gian mạng 24/7. Bất kỳ thời điểm nào có những thông tin, sự kiện nóng được chia sẻ, phát tán với độ lan tỏa cao và có chiều hướng tiêu cực trên không gian mạng, Bộ sẽ chỉ đạo xác minh và cảnh báo kịp thời tới các đơn vị liên quan và trao đổi, phối hợp với đầu mối của Sở TTTT tại địa phương để có các biện pháp xử lý phù hợp.

Đồng thời, Bộ TTTT cũng đã đưa vào vận hành website tại tên miền www.tingia.gov.vn (tên tiếng việt: Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, tên tiếng Anh: Viet Nam Anti Fake news Center -VAFC).

Song song với đó, Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Trong trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành thì tuỳ theo mức độ, Bộ TTTT sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời thông qua việc xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp kỹ thuật, áp dụng theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ; Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền. Đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển hồ sơ cơ quan công an điều tra, xem xét, xử lý theo quy định.

Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ TTTT gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook,... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 Quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Cùng với những giải pháp trên, Bộ TTTT đã xây dựng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích, theo dõi và dự báo, cảnh báo sớm xu hướng về các hoạt động, diễn biến trên không gian mạng Việt Nam, từ đó, đã giúp việc giám sát, phát hiện và xử lý, kiểm soát kịp thời các luồng thông tin xấu, độc gây ảnh hưởng tới uy tín của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh, quốc phòng có hiệu quả. Cụ thể, trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua, Trung tâm đã xử lý hàng trăm nghìn tin bài xấu, độc, tuyên truyền các luận điệu sai trái trên không gian mạng, góp phần không nhỏ vào việc tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (sau đây gọi tắt là Bộ Quy tắc). Mục đích ban hành Bộ Quy tắc nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Xử lý nghiêm đối với những trường hợp đưa thông tin bịa đặt, sai trái

Đối với những luồng thông tin chống phá, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các nền tảng mạng xã hội, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ TTTT đã chủ động chỉ đạo các nhà mạng xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ trên 1.200 trang thông tin với hơn 20.000 bài viết vi phạm theo đề nghị, yêu cầu của các cơ quan, đơn vị chức năng có thẩm quyền. Về thông tin bịa đặt, sai trái về công tác phòng, chống dịch Covid -19 trên môi trường mạng, Bộ TTTT đã chủ động chỉ đạo các nhà mạng xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ 516 trang tin với hơn 2.000 bài viết vi phạm.

Bộ TTTT đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google, Apple) tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật; thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin độc hại đối với trẻ em. Từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ TTTT tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook, kết quả đạt được như sau:

Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 5.371 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức. Trong thời gian cao điểm chống dịch Covid-19, Facebook đã gỡ bỏ 13 tài khoản giả mạo Bộ Y tế và ngăn chặn 669 bài viết đưa thông tin tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch;

Google đã gỡ 30.764 videos vi phạm, 24 kênh phản động trên Youtube. AppStore đã gỡ 43 game không phép, game có nội dung vi phạm theo yêu cầu của Bộ TTTT;

Tiktok đã chặn, gỡ bỏ 1.081 video vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trung bình mỗi tháng Trung tâm tin giả tiếp nhận và xử lý hơn 400 phản ánh về tin giả của người dân, qua đó thực hiện xác minh và công bố các thông tin giả, tin sai sự thật và tin xác thực tránh gây hoang mang dư luận trong nhân dân. Số lượng nhận tin phản ánh từ tháng 01/2021 đến nay là 3.504 trường hợp phản ánh báo tin giả, tin sai sự thật, tổng đài 18008108 đã tiếp nhận hơn 4.000 cuộc gọi của người dân hỏi đáp về tin giả; chuyển Facebook, Google xoá bỏ, chặn hơn 500 tin, tài khoản lan truyền tin giả, công bố 150 tin giả trên trang tingia.gov.vn.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ TTTT đã xử phạt vi phạm hành chính 09 trường hợp trong lĩnh vực thông tin điện tử với số tiền là 375.000.000 đồng, trong đó có 02 trường hợp áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép mạng xã hội và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm; Nhắc nhở 18 trường hợp; Chuyển các cơ quan chức năng khác và Sở TTTT xử lý 28 trường hợp (Nội dung vi phạm là: Cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cá nhân các đồng chí Lãnh đạo Đảng và nhà nước; Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Không công khai thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội trên trang chủ; Vi phạm một trong các điều kiện về nhân sự, tên miền, kỹ thuật, quản lý nội dung thông tin; Thiết lập mạng xã hội khi chưa có giấy phép...).

Về xử lý vi phạm hành chính cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh Covid-19 từ các cơ quan chức năng: từ 01/01/2021 đến nay là 225 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính (Trong đó: xử phạt tiền là 208 trường hợp với số tiền 1.609.500.000 đồng; 17 trường hợp bị xử phạt cảnh cáo); 317 trường hợp bị nhắc nhở.

Bộ TTTT đã chỉ đạo các Sở TTTT đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang trong dư luận (tính từ tháng 01/2021 đến nay, Thanh tra Bộ TTTT và Thanh tra các Sở TTTT đã tiến hành xử phạt 55 vụ việc với tổng số tiền 407,5 triệu đồng. Tháng 7/2021, Thanh tra Bộ đã tiến hành làm việc và ra quyết định xử phạt đối với bà Vũ Phương Anh với số tiền 12,5 triệu đồng vì hành vi đưa thông tin sai sự thật về tiêm vắc xin Covid-19 trên mạng xã hội).

Phương hướng, giải pháp thời gian tới

Để tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng mạng xã hội; xử lý nghiêm đối với những trường hợp đưa thông tin bịa đặt, sai trái về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên môi trường mạng gây tâm lý, tư tưởng hoang mang trong cộng đồng, đặc biệt là các trường hợp tung tin thuộc đối tượng là giới trẻ, trong thời gian tới Bộ TTTT sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ TTTT đã nghiên cứu, bổ sung các hành vi vi phạm, nâng mức xử phạt bằng tiền và tăng cường các hình thức xử phạt như: Thu hồi, tước giấy phép hoạt động… để việc tuân thủ pháp luật được nghiêm minh.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát bằng các công cụ đo kiểm ứng dụng công nghệ đối với cơ quan báo chí, đảm bảo các cơ quan báo chí thực hiện đúng yêu cầu tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định về kỷ luật thông tin, trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, bảo đảm đưa tin cân bằng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, không đưa tin theo mạng xã hội khi chưa kiểm chứng qua các cơ quan chức năng; xiết chặt kỷ luật đọc, duyệt và cho đăng tải tin, bài, đặc biệt trên báo điện tử, tạp chí điện tử, đảm bảo chỉ lãnh đạo cơ quan báo chí nắm quyền xuất bản; xử lý kỷ luật nghiêm đối với trường hợp cán bộ, phóng viên của cơ quan báo chí không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, định hướng thông tin và quy định về phòng chống dịch.

Tăng cường bóc, gỡ tin, bài thông tin xấu độc trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube…

Chỉ đạo các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm thông suốt, an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là các hệ thống thông tin, nền tảng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chỉ đạo các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các lực lượng khác ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng các phương án kỹ thuật, biện pháp, công cụ cần thiết để ngăn chặn, xử lý nghiêm thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất đầu mối, chủ động cung cấp, xử lý thông tin kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường các hình thức truyền thông, tuyên truyền, truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Doãn Mạnh
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top