Lực lượng chức năng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền ở các địa điểm đông dân cư. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Ngày 27/8, Công an thành phố Hà Nội cho biết Công an huyện Sóc Sơn đang khẩn trương điều tra, làm rõ 6 đối tượng sử dụng giấy đi đường giả mạo để qua chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 18 qua địa bàn xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn).
Cụ thể, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 26/8, tại chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 18 qua địa bàn xã Phù Lỗ, Tổ công tác làm việc tại chốt phát hiện xe ôtô biển kiểm soát 98A-376.55 do Nguyễn Quang Phương, sinh năm 1988, trú tại phường Ba Hàng (Phổ Yên, Thái Nguyên) điều khiển có nhiều dấu hiệu nghi vấn.
Khi tổ công tác yêu cầu dừng xe kiểm tra đã phát hiện 6 người gồm: Nguyễn Thị Hoài, Chu Kim Ngoạn, Đỗ Thị Hằng, Hoàng Thị Long, Nguyễn Huyền Trang và Nguyễn Thùy Dung lúng túng, có biểu hiện khai báo thiếu sự thật.
Ngay sau đó, những người này được yêu cầu xuống chốt kiểm tra khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt.
Lực lượng chức năng Sóc Trăng xử phạt một đối tượng thông tin sai sự thật. (Ảnh: TTXVN)
Qua đấu tranh khai thác tại chỗ, tài xế Nguyễn Quang Phương khai nhận tất cả những người trên xe đều có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực. Tuy nhiên, giấy đi đường cho những người có tên trên lấy dấu của một công ty và không có chữ ký của giám đốc. Sau đó, những người này nhờ người ký chữ ký giám đốc.
Tổ công tác đã bàn giao phương tiện và người cho Công an xã Phù Lỗ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Thiếu tá Nguyễn Phúc Triển, Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết từ ngày 4/7 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý trên 70 trường hợp đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19. Trong số đó, lực lượng chức năng đã tổ chức giáo dục, răn đe 62 trường hợp, các trường hợp còn lại xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 60 triệu đồng.
Các trường hợp vi phạm do thiếu nhận thức về pháp luật, xem thông tin qua trang thông tin điện tử không chính thống; chưa nhận thức được sự nguy hiểm của việc đăng tải thông tin sai sự thật, tiêu cực; thiếu cảnh giác, thiếu trách nhiệm của người dùng Internet và mạng xã hội.
Bên cạnh đó, do người dân gặp nhiều khó khăn khi giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến sinh hoạt, phát triển kinh tế nên đã thể hiện bức xúc trên mạng xã hội.
Điển hình, ngày 6/8, K.L, sinh năm 1990, trú tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên lên facebook đăng tải nội dung sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân.
Qua làm việc, K.L trình bày là tài xế xe khách bị mất việc nhiều tháng nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đến Ủy ban Nhân dân xã yêu cầu được hỗ trợ.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã đã giải thích trường hợp của K.L không phải là đối tượng được hỗ trợ vì theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ hỗ trợ lao động tự do bị mất việc trong thời gian từ 1/5/2021-31/12/2021.
Không đồng ý với giải thích trên, K.L đã về đăng lên Facebook cá nhân của mình.
Hành vi của K.L bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng vì cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Trước đó, giữa tháng 7/2021, ông H.H.V, sinh năm 1955, trú tại thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành đã đăng tải thông tin về phương thuốc chữa COVID-19 trên trang Facebook cá nhân của mình. Đây là thông tin sai sự thật nên Công an huyện Châu Thành đã xử phạt ông H.H.V 7,5 triệu đồng.
T.M.T, sinh năm 1987, trú tại xã An Ninh, huyện Châu Thành đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân để bình luận trên Fanpage “Sóc Trăng trong tôi” bằng hình ảnh báo cáo nhanh một trường hợp test nhanh COVID-19 có kết quả dương tính, làm hoang mang trong dư luận.
Qua kiểm tra, đây là thông tin bịa đặt, sai sự thật nên T.M.T đã bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng./.