Chiến dịch lần này có một điểm mới là các cơ quan chủ trì tổ chức đã xác định xử lý tận gốc của vấn đề là các trang web phát tán các phần mềm độc hại.
Trước đó, theo đánh giá, tình trạng các thiết bị kết nối mạng của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma; đã ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng bắt nguồn từ việc các website, máy chủ, địa chỉ IP của Việt Nam tham gia vào hạ tầng điều khiển các mạng máy tính ma và phát tán mã độc.
Báo cáo nghiên cứu của các hãng bảo mật cho biết, giai đoạn trước năm 2019, Việt Nam có khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế; và khoảng 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng botnet lớn. Năm 2019, dù số lượng địa chỉ IP nằm trong mạng botnet đã giảm mạnh, song với hơn 1 triệu địa chỉ, Việt Nam vẫn bị xếp thứ 3 trong tốp 10 nước bị botnet kiểm soát. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên không gian mạng mà còn ảnh hưởng đến hoạt động chuyển đổi số quốc gia.
Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trong 3 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động các chiến dịch rà soát, bóc gỡ mã độc trên không gian mạng.
Với sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp số lượng địa chỉ IP botnet của Việt Nam đã giảm. Số lượng địa chỉ IP botnet trung bình hằng tháng của Việt Nam đã giảm xuống còn hơn 479.000 địa chỉ.
Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022, được Bộ Thông tin và Truyền thông phát động từ giữa tháng 9-2022, nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10. Chiến dịch đã được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, với các phần mềm phòng, chống mã độc miễn phí trên Cổng thông tin không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn/chiendichmadoc2022…