Phóng viên luôn có mặt và đưa tin kịp thời các sự kiện lớn của đất nước. Ảnh: ĐẶNG MINH
Từ ngày 29 đến 31/12/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước. Được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương và của cả hệ thống chính trị, sự thương yêu, tin cậy của các tầng lớp nhân dân, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo Việt Nam không ngừng nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn thách thức và đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả nổi bật, rất đáng tự hào, tạo đà thuận lợi để bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Đổi mới, sáng tạo là tinh thần xuyên suốt của nhiệm kỳ qua với những dấu ấn tốt đẹp. Tinh thần đổi mới sáng tạo ấy được lan tỏa từ Trung ương Hội đến Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các liên chi hội, chi hội và các cơ quan báo chí... Kết quả nổi bật được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, từ rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp, quyền lợi chính đáng của hội viên đến tham gia xây dựng chính sách báo chí, triển khai các hoạt động đối ngoại, xã hội-từ thiện, văn hóa-thể thao,...
Sự đổi mới sáng tạo ấy biểu hiện rõ nét nhất qua việc hoạt động các cấp Hội ngày càng đi vào chiều sâu, ngày càng bám sát những nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm của đất nước, thực tế xã hội phong phú, cũng như bắt nhịp với những xu hướng mới trong đời sống báo chí, ngày càng hướng mạnh tới cơ sở. Vì thế, hoạt động của tổ chức Hội ngày càng có sức thu hút đối với đông đảo hội viên cũng như công chúng báo chí. Đây là nhiệm kỳ có số hội viên được kết nạp đông nhất từ trước đến nay. Tính đến cuối năm 2021, Hội Nhà báo Việt Nam có 27.448 hội viên, sinh hoạt tại 63 hội nhà báo các tỉnh, thành phố, 20 liên chi hội, 205 chi hội trực thuộc. Đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực, tạo nên sức sống mới, từ đó khẳng định vai trò quan trọng, nâng tầm vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống báo chí, đời sống xã hội.
Nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí là một nhiệm vụ trọng tâm, luôn được các cấp Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được cải tiến, đa dạng hóa, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm tác nghiệp trong kỷ nguyên số, sử dụng công nghệ truyền thông mới với sự tham gia của các giảng viên uy tín trong nước và nước ngoài. Trong nhiệm kỳ qua, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức được 574 lớp học cho hơn 21.000 lượt học viên. Việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên còn được thực hiện thông qua hơn 70 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về các vấn đề nóng, cấp thiết trong nghề. Một trong những kết quả nổi bật là việc tổ chức thành công Giải Báo chí Quốc gia hằng năm, giải danh giá nhất, cao quý nhất trong đời sống báo chí, có sức lan tỏa mạnh trong xã hội, khích lệ lao động sáng tạo, tinh thần cống hiến, thúc đẩy báo chí phát triển. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương tổ chức thành công hàng chục giải báo chí toàn quốc khác, như Búa liềm vàng; Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đại đoàn kết toàn dân tộc; Dân vận khéo; Giảm nghèo; Tự hào nông dân Việt Nam, Vì an ninh Tổ quốc, Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam…
Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa sống còn trong hoạt động báo chí. Qua 5 năm thực hiện “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” và 3 năm thực hiện “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống báo chí, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, góp phần để báo chí ngày càng phát triển lành mạnh, đúng hướng. Để giữ vững kỷ cương trong hoạt động nghề nghiệp, Hội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đã thành lập và đi vào hoạt động có nền nếp gần 290 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ Trung ương xuống cơ sở, phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều trường hợp vi phạm. Hội cũng đã ban hành quyết định về việc sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương để bảo đảm quản lý chặt chẽ hội viên hoạt động xa tòa soạn; đưa vào sử dụng hiệu quả phần mềm theo dõi việc đăng, sửa bài, gỡ bài trên báo điện tử, về cơ bản đã ngăn chặn được hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”...
Đồng thời, Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt chú trọng bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp, quyền lợi chính đáng của hội viên. Trên thực tế, có nhiều nhà báo bị ngăn cản hoạt động đúng pháp luật, bị phá hoại phương tiện, thu giữ tài liệu, bị đe dọa, hành hung không chỉ với bản thân họ mà còn với gia đình họ. Khi xảy ra những vụ việc như vậy, Hội Nhà báo Việt Nam lên tiếng kịp thời, có thái độ quyết liệt, mạnh mẽ, phối hợp các cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp cần thiết, xử lý nghiêm minh. Các hội viên, nhà báo ngày càng cảm thấy gắn bó với tổ chức Hội, thấy rõ Hội là điểm tựa tin cậy.
Một minh chứng nữa cho sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động Hội là sự chuyển đổi từ mô hình Hội báo Xuân, vốn được tổ chức 5 năm một lần sang Hội báo toàn quốc được tổ chức hằng năm. Đây là cuộc biểu dương sức mạnh của báo chí trong thời đại công nghệ số, đồng thời cũng là dịp để các nhà báo nhận thức rõ hơn trách nhiệm xã hội của mình, sự kỳ vọng của xã hội đối với báo chí, từ đó tăng cường sự gắn kết giữa báo chí với xã hội, với nhân dân. Một trong những dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ X là việc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức đi vào hoạt động đúng dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Bảo tàng Báo chí Việt Nam là “Ngôi nhà di sản” quý giá của giới báo chí cả nước, không chỉ là nơi lưu giữ và phát huy giá trị cao quý rất đáng tự hào của báo chí Việt Nam mà còn thấy cả dòng chảy lịch sử, văn hóa, tinh thần dân tộc. Các hoạt động xã hội từ thiện cũng được chú trọng với nhiều chương trình thiết thực thể hiện được tấm lòng nhân ái của người làm báo. Hoạt động đối ngoại của Hội cũng để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, nổi bật nhất là chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ).
Cùng với Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ, yêu cầu xây dựng báo chí truyền thông chính là kim chỉ nam để Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam đề ra phương hướng hoạt động và những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Từng cấp Hội, từng cơ quan báo chí, từng hội viên nhà báo cần nhận thức một cách sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.
Với tinh thần đó, báo chí cần đổi mới các hình thức tuyên truyền để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; phản ảnh sinh động, đúng đắn thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; tiên phong trên tuyến đầu, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kịp thời đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, nội dung thông tin bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết trong Đảng và xã hội. Báo chí tập trung nhận diện âm mưu, thủ đoạn, đối tượng, nội dung và phương thức chống phá của các lực lượng thù địch hiện nay. Song song với việc sử dụng hiệu quả công nghệ truyền thông mới, báo chí cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng chính trị, tính định hướng trong thông tin, kết hợp giữa “xây” và “chống”. Cùng với việc tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, báo chí cần chú trọng hơn nữa việc tăng cường các thông tin chính thống, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, chuyện tử tế trong xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, đẩy lùi các thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Đồng thời với việc phát huy thành tựu và ưu điểm, chúng ta cần thẳng thắn nhận rõ và nghiêm túc khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí, trong đó có việc một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, một bộ phận người làm báo phai nhạt lý tưởng, sa sút phẩm chất của người làm báo cách mạng, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, làm tổn hại thanh danh của người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín, vai trò quan trọng của báo chí.
Đổi mới, sáng tạo sẽ tiếp tục là phương châm hành động với quyết tâm mạnh mẽ của Hội Nhà báo Việt Nam khi bước vào nhiệm kỳ XI. Đó là việc xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam vững mạnh toàn diện từ Trung ương đến địa phương, thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cấp Hội; đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong kỷ nguyên số gắn với nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các sai phạm, kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Phối hợp thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; đẩy mạnh các hoạt động xã hội, văn hóa-thể thao, đối ngoại; phối hợp các bộ, ngành có liên quan từng bước giải quyết tốt vấn đề kinh tế báo chí…
Nhận thức sâu sắc trách nhiệm trước Đảng, đất nước và nhân dân, với niềm tin sâu sắc và hy vọng tươi sáng, Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của giới báo chí cả nước siết chặt đội ngũ, ra sức đồng lòng xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam