Xây dựng Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế

Thứ hai, 05/10/2020 16:24

Việc mở rộng địa giới hành chính không gian phát triển cho thành phố Hạ Long thông qua việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long là quyết định có tính lịch sử và đột phá, đáp ứng mọi yêu cầu phát triển mới về đất đai, dân số và cơ sở hạ tầng của Hạ Long trong giai đoạn mới.

Theo Tỉnh uỷ Quảng Ninh dựa trên Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24.12. 2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653-NQ/QH ngày 12.3.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định số 702-QĐ/TTg ngày 7.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn tới năm 2050, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng Đề án về việc sắp xếp, sáp nhập thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ.
 
20201005-l11.jpg
 
Trong năm 2019, thành phố Hạ Long sẽ được mở rộng diện tích gấp 5 lần hiện tại
 
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh sẽ nhập toàn bộ 843,54 km2 diện tích tự nhiên và dân số 51.003 người của huyện Hoành Bồ, với toàn bộ 275,58 km2 diện tích tự nhiên và dân số 249.264 người của thành phố Hạ Long. Với việc sáp nhập, thành phố Hạ Long tương lai sẽ rộng gấp 5 lần hiện tại.
 
Tên gọi của đơn vị hành chính mới là thành phố Hạ Long, với diện tích 1.119,36 km2, quy mô dân số 300.267 người. Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 33 đơn vị cấp xã, bao gồm toàn bộ 20 phường thuộc thành phố Hạ Long, thị trấn Trới và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ. Hệ thống chính trị, thống nhất theo mô hình chung, trên cơ sở sáp nhập các cơ quan cấp huyện có chức năng tương đương của 2 địa phương hiện tại, giữ nguyên tổ chức bộ máy cấp xã.

 5 năm qua, nhờ nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức, khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 của 2 địa phương (Hoành Bồ và Hạ Long trước sáp nhập) đề ra. Những thành tựu đó là tiền đề quan trọng, cùng với kịp thời kiểm điểm, đánh giá rút kinh nghiệm; trên cơ sở phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị và những lợi thế riêng có, cơ hội mới của thành phố, đồng thời bám sát những chủ trương, chỉ đạo, sự quan tâm tạo điều kiện của Tỉnh.

Ngay sau Đại hội lần thứ XXV, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP.Hạ Long nêu cao quyết tâm thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động với mục tiêu tổng quát là kế thừa, phát huy truyền thống: “Kỷ luật và Đồng tâm”, đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, con người văn minh, thân thiện. Đồng thời nỗ lực thực hiện 24 chỉ tiêu thành phần trong 4 nhóm chỉ tiêu về lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, xây dựng Đảng; triển khai mạnh mẽ, quyết liệt 06 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu với 18 Đề án cụ thể, đột phá xây dựng và phát triển Thành phố vững chắc, toàn diện, để Hạ Long thực sự là nơi đáng sống và đáng đến.
 
Việc hợp nhất TP.Hạ Long (đô thị loại I) với huyện miền núi Hoành Bồ là một quyết định lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trước yêu cầu mới.
 
Về quan điểm, định hướng phát triển: Ưu tiên thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ trên cơ sở khai thác, kết nối các khu danh thắng, di tích lịch sử với các khu vui chơi, giải trí đẳng cấp và kết nối Di sản vịnh Hạ Long với Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Tái cơ cấu lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi gắn với nâng cao giá trị sản phẩm và thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế trong cộng đồng. Đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố với các xã vùng cao, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, định hướng phát triển đô thị ngay trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Nông thôn mới.
 
Để cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương và của tỉnh đã đề ra, ông Vũ Văn Diện, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới như: Một là, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế trong đó trọng tâm là xây dựng thành phố Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long với phát huy giá trị cảnh quan Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng; phát triển du lịch khu vực vùng núi, nông thôn để thúc đẩy, phát triển nông nghiệp.
 
Khuyến khích đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại để phục vụ nhân dân và du khách, cửa hàng tiện ích tại các xã nông thôn. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp các xã: Lê Lợi, Thống Nhất, Sơn Dương lên phường; hoàn thành các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị tại các xã: Vũ Oai- Hòa Bình, Quảng La- Dân Chủ sau khi sáp nhập địa giới hành chính.
 
Chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng tầm chất lượng; chính quyền đô thị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền gắn với cải cách nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử để xây dựng hình ảnh người Hạ Long văn minh, thân thiện. Đội ngũ cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức tiên phong, gương mẫu, năng động, có khát vọng đổi mới, đoàn kết, quyết tâm xây dựng và phát triển Hạ Long trở thành đô thị hiện đại - truyền thống, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.
 
Nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình xây dựng Nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững dành nguồn lực thỏa đáng cho thực hiện Đề án tổng thể; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (nhất là tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn), từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn, miền núi; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng xã Nông thôn mới; sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã... để liên kết sản xuất quy mô tập trung và khâu tiêu thụ sản phẩm.
 
Phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, mở rộng vùng sản xuất tập trung chuyên canh rau an toàn, hoa chất lượng cao, cây ăn quả, các trang trại, khu chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao. Từng bước đưa vào sản xuất các loại cây dược liệu, cây thuốc nam ở các xã vùng cao. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nuôi trồng. Xây dựng chuỗi sản phẩm OCOP có tính hàng hóa cao, hình thành các thương hiệu có sức cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu năm 2022: 100% các xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2025: 75% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025.
 
Đặc biệt là việc huy động nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị thông minh, đồng bộ, hiện đại, giữ vững tiêu chí đô thị loại I. Mở rộng không gian phát triển đô thị, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối phát triển đô thị theo mô hình đa cực. Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 300 nghìn tỷ đồng, chú trọng vào lĩnh vực dịch vụ, sản xuất; thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường; không xem xét cấp phép, mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.
 
Tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông động lực và giao thông đối ngoại, trong đó ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông kết nối từ đường Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đến các xã vùng cao để khai thác dịch vụ du lịch, kết nối giá trị cảnh quan thiên nhiên biển với rừng. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để triển khai các dự án, công trình có tính kết nối giữa Bắc và Nam Thành phố như: Cầu Cửa Lục 1, 2, 3, đường nối Khu công nghiệp Cái Lân với Khu công nghiệp Việt Hưng đến Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, nút giao Việt Hưng với Tỉnh lộ 337 kết nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.
Đức Huy
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top