Xu hướng đô thị hóa nhanh đang khiến các thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức như: hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, phương tiện giao thông tăng quá nhanh. Trong nội đô thành phố, đường sá trở nên quá tải, hệ thống giao thông công cộng kém hiệu quả… Các nguồn lực để phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, công nghệ cao vẫn còn nhiều hạn chế.
Để giải quyết hiệu quả các vấn đề này, giải pháp xây dựng ĐTTM theo hình thức "may đo" của Viettel được xác định là tối ưu và đã được nhiều tỉnh, thành triển khai nhằm lựa chọn ra được mô hình phù hợp nhất với đặc thù của địa phương mình.
Viettel là đơn vị đi tiên phong trong triển khai ĐTTM. Viettel tập trung vào việc phát triển nhanh hạ tầng số, xây dựng nền tảng công nghệ dùng chung và làm việc với các đối tác để xây dựng nền tảng về ĐTTM phù hợp với Việt Nam; hướng tới sự bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân.
Đến nay, giải pháp xây dựng ĐTTM của Viettel Solutions đã được áp dụng triển khai cho khá nhiều tỉnh/thành địa phương trên cả nước và cũng đạt được những thành công nhất định, đóng góp lớn vào công cuộc CĐS quốc gia.
Trên thực tế, để có thể triển khai thành công các dự án ở mỗi địa phương khác nhau, Viettel Solutions cũng đã phải vượt qua không ít rào cản, trong đó đặc thù của từng vùng miền cũng như mong muốn riêng của từng tỉnh/thành buộc doanh nghiệp phải thiết kế nhiều giải pháp linh hoạt nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Mỗi địa phương có đặc trưng và "nỗi đau" riêng
Chính phủ và Bộ TT&TT đã có nhiều định hướng từ các quyết định, hướng dẫn liên quan đến các chương trình CĐS quốc gia thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên đó mới chỉ là khung tham khảo chung để từ đó các địa phương có thể xác định xây dựng các chương trình và kế hoạch CĐS riêng phù hợp với từng địa phương mình.
Mỗi tỉnh, thành phố sẽ có những nét đặc trưng riêng về con người, văn hóa, nhu cầu và mong muốn khác nhau. Từ thực tế đó, mỗi địa phương cũng sẽ có hướng triển khai CĐS và xây dựng ĐTTM khác nhau về mục tiêu cụ thể theo lộ trình ngắn hạn hay dài hạn.
Bên cạnh đó, năng lực, nhận thức về CĐS, mức độ trưởng thành số của bộ máy chính quyền, doanh nghiệp (DN) và người dân cũng có sự khác biệt giữa các địa phương; mối quan tâm cũng là khác nhau, phụ thuộc vào năng lực và mục tiêu riêng của từng địa phương, từ đó dẫn đến xuất phát điểm và hiện trạng triển khai cũng sẽ khác nhau. Vì vậy, mỗi địa phương cũng sẽ có những chọn lựa chiến lược phát triển tương ứng các lĩnh vực ưu tiên khác nhau.
Chia sẻ về vấn đề này tại phiên toàn thể của tuần lễ CĐS tỉnh Thưa Thiên - Huế, ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc Viettel Solutions cho biết dựa theo đặc trưng và lợi thế của từng địa phương, có những thành phố ưu tiên các vấn đề về phát triển du lịch, bảo tồn di tích, có nơi lại quan tâm đến vấn đề an ninh trật tự, xã hội, về công nghiệp…, do đó để giải quyết hiệu quả vấn đề của từng địa phương phải lựa chọn được cách làm phù hợp và cá thể hóa cho từng tỉnh.
"Có cơ hội song hành với khá nhiều địa phương và gặp nhiều lãnh đạo tỉnh, thành, một trong những câu hỏi đầu tiên mà tôi nhận được nhiều nhất là CĐS nên bắt đầu từ đâu, cái gì làm trước, và làm cái gì để mang lại hiệu quả dựa trên đặc thù nguồn lực của địa phương? Và trên thực tế, thông qua quá trình khảo sát cũng như đúc rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai, tôi thấy về cơ bản nguồn lực của các địa phương là khác nhau từ đặc thù, hiện trạng cho đến mức độ trưởng thành số", ông Hổ chia sẻ.
Theo đó, để triển khai và thiết kế được một "chiếc áo" phù hợp cần có sự phân tích những đặc trưng của địa phương như mục tiêu, định vị, năng lực về công nghệ của bộ máy chính quyền và người dân, nguồn lực về CĐS, các lĩnh vực và bài toán ưu tiên, cũng như "nỗi đau" - vấn đề cấp bách cần giải quyết của địa phương.
Và để làm được việc này, ông Hổ cho biết, các DN cần đồng hành cùng chính quyền địa phương, vì đây là một quá trình chuyển đổi rất lâu dài và để ra được mục tiêu hành động thì phải thật sự hiểu được nhau.
Cùng với đó là trình độ nhận thức, quyết tâm của lãnh đạo các địa phương cũng tương đối khác nhau. Nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành quyết tâm cao nhưng chưa hiểu sâu sắc, chưa nắm bắt được chi tiết vấn đề thì cách tiếp cận, triển khai và chỉ đạo cũng sẽ khác nhau. Mà trong khi đó, kết quả CĐS có ảnh hưởng lớn từ ý chí lãnh đạo, chiến lược thực hiện, năng lực của chính quyền địa phương.
Đặc biệt, mỗi địa phương sẽ có "nỗi đau", vấn đề và những lĩnh vực ưu tiên riêng, do đó, các địa phương cần chọn lựa chiến lược phát triển tương ứng các lĩnh vực ưu tiên. Và muốn triển khai thành công thì phải có một mô hình "may đo" phù hợp nhất với điều kiện của địa phương đó.
Giải pháp xây dựng ĐTTM theo phong cách "may đo" của Viettel
Ông Hổ cho biết, trước đây không ít người nghĩ Việt Nam sẽ phải mất rất lâu mới có thể tiếp cận được các mô hình ĐTTM hiện đại chứ chưa nói đến việc có thể triển khai thành công. Vượt qua rào cản mang tính tâm lý đó, sau thời gian nghiên cứu, Viettel thấy rằng điều quan trọng nhất chính là cách tiếp cận.
"Nếu chúng ta cứ tiếp cận theo kiểu bê nguyên một mô hình của nước ngoài về để triển khai thì rất khó triển khai ở một thành phố nào đó chứ chưa nói đến toàn quốc", lãnh đạo Viettel Solutions chia sẻ.
Do đó, thay vì bê nguyên và sử dụng một mô hình mẫu nào đó, Viettel Solutions đã đi từ nhu cầu thực tế của người dân, DN, chính quyền, xác định tập trung vào những vấn đề gì nóng nhất, chính đáng, bức xúc nhất trong xã hội để cố gắng đưa giải pháp công nghệ vào, để thông minh hóa, tự động hóa, giúp cải thiện các vấn đề đó.
Theo đó, mô hình triển khai của Viettel là có thể "may đo" theo đặc điểm, nhu cầu, thực trạng cũng như văn hóa của từng tỉnh, thành phố, giúp sử dụng một cách tối ưu nhất nguồn lực địa phương, đưa ra các phân tích chính xác, phù hợp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự hài lòng của người dân.
Ông Hổ cho biết: "Cơ sở để may đo giải pháp cần đảm bảo 4 yếu tố là kiến trúc ổn định, thiết kế linh hoạt, bài toán nghiệp vụ đa dạng và sự đồng hành". Trung tâm IOC tỉnh Thừa Thiên Huế là một sản phẩm điển hình mà Viettel Solutions đã thực hiện theo phương thức này. Sau 3 năm triển khai, trung tâm IOC đã đóng vai trò quan trọng đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong công tác CĐS, đứng thứ 2/63 tỉnh thành về mức độ CĐS cấp tỉnh trên cả ba trụ cột kinh tế số - xã hội số - chính phủ số theo bộ chỉ số đánh giá CĐS (DTI) của Bộ TT&TT.
Đặc biệt, chia sẻ về việc triển khai nền nền tảng Huế-S, lãnh đạo Viettel Solutions cho biết, thời gian triển khai ban đầu là vận động yêu cầu người dân cài đặt sử dụng, tuy nhiên sau khi sử dụng người dân tự nhận thức được những tiện ích và hiệu quả mà ứng dụng mang lại thì họ tự đã nguyện dùng. Thậm chí, khi một số dịch vụ chính quyền khác chưa được đưa lên nền tảng Huế-S, người dân cũng chủ động yêu cầu tích hợp bổ sung. Đây chính là cách làm từ trên xuống khá hiệu quả và đạt được thành công.
Bên cạnh đó, theo ông Hổ, Viettel Solutions cũng có những cách tiếp cận khác nhau để phù hợp với điều kiệu của từng địa phương. Chẳng hạn như, nếu một tỉnh nào đó triển khai mà chưa hiểu, cũng như chưa xác định rõ được mục tiêu, Viettel sẽ đề xuất, khuyến nghị triển khai ở mô hình quy mô nhỏ từ dưới lên (cấp quận, huyện) để chứng minh rằng các giải pháp CĐS có thể mang lại kết quả rõ rệt cho chính quyền cho người dân. Sau khi thành công mới bắt đầu triển khai rộng trên quy mô tỉnh.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải cứ có công nghệ, cách làm hay là áp dụng vào nơi nào cũng thành công, đi cùng với đó phải là quyết tâm của người đứng đầu.
Do đó, với những tỉnh, thành mà người đứng đầu chưa thật sự tin tưởng và tham gia tích cực, Viettel tư vấn đưa toàn bộ các thông tin cảnh báo, thông tin quan trọng lên hệ thống smartphone để lãnh đạo tỉnh có thể nhận được thông tin tức thời và để họ biết rằng có một hệ thống CĐS trong tỉnh đang được vận hành hiệu quả như thế nào, từ đó sẽ thu hút được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ hơn.
Hay đối với những nội dung liên quan tới việc phải lựa chọn đầu tư cái gì trước cái gì sau, Viettel Solutions cũng có cẩm nang về các nền tảng số, nền tảng hình thành chính quyền điện tử cho các địa phương tham khảo. Với nhiều địa phương, thời gian đầu có thể chỉ cần lựa chọn một hoặc hai dịch vụ triển khai trước, sau đó nếu thành công mang lại kết quả cuối cùng rõ rệt cho người dân, chính quyền thì có thể thực hiện triển khai mở rộng các nền tảng, như vậy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với phương thức triển khai đại trà cùng một lúc.
Về cơ bản, mô hình xây dựng ĐTTM của Viettel là đã có sẵn bộ khung chung. Các kỹ sư sẽ dựa vào bộ khung đó kết hợp với nhu cầu, thực trạng của từng địa phương để điều chỉnh, cá thể hóa theo từng lĩnh vực, từ đó giúp việc triển khai đạt hiệu quả tối ưu.
Ngoài ra, Viettel cũng đã tập hợp những cẩm nang để các địa phương có thể tham khảo lựa chọn phương án phù hợp với các địa phương mình. "Chúng ta may đo về nền tảng, chọn những module cần thiết để ứng dụng trước thay vì đưa luôn nền tảng, mô hình vào áp dụng đại trà, như vậy sẽ không hiệu quả. Dựa trên đặc trưng của những địa phương với các bài toán khác nhau, chúng ta sẽ đưa ta những giải pháp phù hợp nhất với địa phương đó", lãnh đạo Viettel Solutions nhấn mạnh.