Ảnh minh họa: internet
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng xác định rõ ba nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ 2021-2026 là: “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(1). Đây là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cách mạng Việt Nam; yêu cầu nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Cán bộ là “gốc” của mọi công việc, đội ngũ cán bộ các cấp là lực lượng rường cột quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội; quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong hoàn cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, vừa tạo cơ hội, thời cơ, vừa nảy sinh khó khăn, thách thức, nhất là an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), nhất là cán bộ cấp chiến lược theo yêu cầu phát triển của thực tiễn cách mạng, đã giành được những kết quả rất quan trọng, với những bước chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức, cán bộ từ Trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn trong bối cảnh quốc tế hóa được tăng cường, sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ CBCC, nhất là cán bộ cấp chiến lược vẫn còn một số bất cập, hạn chế, cần phải khắc phục. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác cán bộ còn có mặt hạn chế, việc thực hiện một số nội dung trong các khâu của công tác cán bộ ở một số nơi còn hình thức. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”(2).
“Đội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ”. (Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI) |
Chỉ tính trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên (trong đó có 23.432 cấp ủy viên). Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và hàng nghìn đảng viên bằng các hình thức khác nhau; Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên(3). Trong đó, có cả cấp ủy viên, cán bộ, người đứng đầu tổ chức ở các cấp, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước và niềm tin của Nhân dân.
Đổi mới, tạo bước chuyển biến quan trọng về công tác đánh giá cán bộ
Đánh giá cán bộ là khâu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác cán bộ, làm cơ sở cho việc phân loại, quản lý, sử dụng cán bộ. Tuy nhiên, đây là việc làm khó, bị nhiều yếu tố khách quan và chủ quan chi phối, tác động đến các đối tượng liên quan. Bởi vì, khó đánh giá chính xác cán bộ trong sự thống nhất giữa tư duy, lời nói và việc làm; giữa nội dung, bản chất, tư tưởng, động cơ bên trong với hình thức, hiện tượng, hành vi thể hiện ra bên ngoài. Nhiều cán bộ thể hiện kết quả công tác tích cực trên thực tế, nhưng ẩn chứa động cơ chính trị và cách thức làm ra kết quả đó cũng khó kiểm chứng chính xác.
Vì vậy, Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn không ít trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất”(4). Đánh giá không đúng về cán bộ thì khó quy hoạch, quản lý, sử dụng đúng và hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong công tác tổ chức, cán bộ, chính sách, xây dựng đội ngũ CBCC; triệt tiêu nhân tố tích cực, thúc đẩy chủ nghĩa cơ hội, tiêu cực, làm “biến dạng”, “méo mó”, suy thoái đội ngũ CBCC. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ cần có bước chuyển biến căn bản, quan trọng, có tính đột phá trong công tác cán bộ, đồng bộ từ tư duy, quan điểm, đến lời nói, việc làm của cá nhân và tổ chức, trước tiên từ người đứng đầu, cấp ủy, chỉ huy, quản lý cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan tham mưu trực tiếp chuyên trách về công tác tổ chức, cán bộ.
Cần có sự đổi mới về tư tưởng, tư duy, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cơ hội; xóa bỏ quan niệm chủ quan duy ý chí, độc đoán chuyên quyền. Đổi mới tư duy đánh giá cán bộ để xây dựng đội ngũ CBCC đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, trên cơ sở quán triệt nguyên tắc khách quan, công tâm, dân chủ gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể và triển vọng phát triển, vì sự tiến bộ, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc. Trong đó: “Coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu”(5).
Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát được quy trình, mức độ tin cậy, chính xác của sản phẩm, kết quả công tác của cán bộ gắn với đánh giá được thực chất thái độ, động cơ chính trị, nghề nghiệp của mỗi CBCC. Việc đánh giá cán bộ trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa đạo đức, nhân văn, khoa học và pháp lý. Cần tiếp tục “hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ”(6). Coi trọng xây dựng môi trường văn hóa dân chủ, phản biện, tự phê bình và phê bình, bình đẳng, khách quan, công bằng, công khai trong đánh giá cán bộ và công tác cán bộ; tiếp thu nguồn thông tin phản ánh về cán bộ từ nhiều lực lượng, cá nhân và tổ chức, cộng đồng; được tổng hợp giữa sản phẩm, chất lượng, hiệu quả, kết quả công tác với “uy tín thật” về phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống của cán bộ, từ đồng nghiệp, tập thể, những nơi cán bộ làm việc, công tác và nơi cư trú, cùng các mối quan hệ gia đình, xã hội khác có liên quan. Công tác đánh giá cán bộ được gắn bó chặt chẽ, tác động biện chứng với các khâu, nội dung, công việc của công tác cán bộ để quản lý, sử dụng, xây dựng đội ngũ CBCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
Đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ
Công tác quy hoạch cán bộ cần tiếp tục được đổi mới theo hướng xây dựng “thị trường nhân tài” dồi dào, phong phú từ nhiều nguồn trong xã hội; tăng yếu tố “cạnh tranh”, lựa chọn hiền tài, bảo đảm cho đội ngũ CBCC được xây dựng, phát triển bền vững, chuyển tiếp liên tục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quy hoạch đúng để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, sử dụng đúng người, đúng việc, đúng lúc đúng tầm, góp phần quan trọng vào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và phòng, chống suy thoái chính trị, đạo đức của đội ngũ CBCC.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Chú trọng cơ cấu hợp lý, sớm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số ở các cấp, nhất là ở cơ sở”(7). Cơ cấu, biên chế cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý vừa khai thác được những yếu tố đặc thù, sở trường, thế mạnh của cán bộ; sự phù hợp giữa cá nhân, tổ chức, đặc điểm môi trường làm việc, tính chất công việc; vừa bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, đa dạng, đoàn kết, hài hòa lực lượng ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các vùng miền, dân tộc; vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác phát triển đội ngũ CBCC.
Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần theo hướng tinh giản, tối ưu, hiệu quả, luôn “mở và động”, để cán bộ “có lên có xuống, có vào có ra”. Coi trọng phát huy dân chủ, tính công khai, minh bạch trong công tác cán bộ vừa tạo điều kiện cho cán bộ trong “diện quy hoạch” có cơ hội phấn đấu, học tập, rèn luyện, cống hiến, khẳng định trước tập thể, tổ chức, cộng đồng, xã hội; vừa tạo điều kiện cho các lực lượng có liên quan, nhất là đồng nghiệp, quần chúng nhân dân theo dõi, đánh giá, phê bình, giúp đỡ, bảo vệ và lựa chọn cán bộ; đồng thời khuyến khích, động viên những cán bộ chưa được đưa vào quy hoạch phấn đấu; kịp thời phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ và trong đội ngũ CBCC. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII nhấn mạnh: “Không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhưng cũng không để sót những cán bộ thực sự có đức, có tài”(8).
Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát huy vai trò của tập thể cấp ủy, chính quyền với đề cao vai trò người đứng đầu tổ chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng cán bộ thuộc quyền theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính; phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách, làm mới, làm thử, thí điểm, rút kinh nghiệm, mở rộng, nhân rộng. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng nêu rõ phương hướng đổi mới: “Thí điểm chủ trương người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu với cấp có thẩm quyền để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định đó”(9).
Kết hợp chặt chẽ giữa công tác cán bộ với công tác tổ chức xây dựng Đảng, giữa xây dựng đội ngũ CBCC với xây dựng đảng viên, tạo sự đột phá về quy hoạch, cơ cấu, biên chế tổ chức bộ máy, sử dụng lực lượng thống nhất trong công tác lựa chọn nguồn cán bộ; lựa chọn được đội ngũ CBCC tốt trong hàng ngũ đảng viên, vừa tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa tăng cường sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị đối với xã hội. Coi trọng “phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, phát huy vai trò của những đảng viên ưu tú, có triển vọng, chuẩn bị nguồn cán bộ chủ chốt các cấp”(10). Xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ tinh giản biên chế bộ máy; “bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị… bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp, bí thư cấp ủy là chủ tịch Ủy ban nhân dân, bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận ở những nơi có điều kiện”(11).
Đổi mới công tác chính sách, cơ chế, quy định kiểm soát quyền lực, phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ
Đổi mới công tác chính sách cán bộ một cách đồng bộ trong các chủ trương, biện pháp, cơ chế, quy định để thực hiện tốt công tác cán bộ. Cần “tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc”(12). Tiếp tục khảo sát thực tế để cải cách, bổ sung, ban hành, chỉnh sửa, hoàn thiện chính sách, cơ chế, quy định công tác cán bộ toàn diện, bảo đảm tính khoa học và thực tế khả thi đối với tất cả các khâu, các bước, các nội dung, công việc của công tác tổ chức, cán bộ; nhất là cơ chế, chính sách thu hút, lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng cán bộ gắn với thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực ngay trong quy trình xây dựng, ban hành tới các bước triển khai thực thi chính sách, quy chế, quy định.
Kiểm soát đồng bộ cả cá nhân đến tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy, quản lý ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là bộ phận trực tiếp chuyên trách, tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ gắn với kiểm soát nhân sự cán bộ, đặc biệt là cán bộ trong diện quy hoạch. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực gắn với chế tài pháp lý chặt chẽ. Cụ thể: “Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật của Nhà nước và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”(13). Đổi mới, thực hiện tốt cơ chế, chính sách trên cơ sở kiểm soát tốt quyền lực, vừa đảm bảo chất lượng cán bộ, vừa phòng, chống được tiêu cực, vừa tinh giản biên chế, cơ cấu lại nhân sự theo vị trí việc làm, vừa sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức, bị kỷ luật, mất uy tín với tập thể và Nhân dân.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương gắn với cơ chế, chính sách, nhất là cải cách chế độ tiền lương, thu nhập, cải thiện cuộc sống, môi trường, điều kiện làm việc… điều này có tác động trực tiếp đến lòng nhiệt huyết, tình cảm, niềm tin, ý chí, thúc đẩy nỗ lực đổi mới sáng tạo. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được thực hiện trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện và duy trì thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình, thủ tục công tác cán bộ; quy định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong quản lý, sử dụng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc quyền quản lý. Bảo đảm thực sự dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch trong từng nội dung, từng khâu, từng bước, từng việc làm của tổ chức, cán bộ gắn với chính sách khen thưởng, kỷ luật.
Kiên trì, kiên quyết, đoàn kết lực lượng để kịp thời bảo vệ có hiệu quả những cá nhân, tổ chức, lực lượng tích cực phòng, chống tiêu cực, nhất là nạn “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ; dám bảo vệ cái đúng, cái tích cực, tiến bộ và đấu tranh với cái sai trái, tiêu cực, lạc hậu; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, dám chịu thiệt thòi, hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ lợi ích chung./.
---------------------------------
Ghi chú:
(1),(3),(4),(5),(7),(8),(9),(13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.256-257, tr.288, tr.196, tr.242, tr.242-243, tr.243, tr.244, tr.243-244.
(2),(6),(10),(11),(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.94-95, tr.187, tr.186, tr.186, tr.188.
PGS.TS Trần Đình Thắng - Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Học viện Kỹ thuật quân sự