Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng các bộ, ngành tham gia hội nghị trực tuyến về triển khai dự án. Ảnh: PHẠM CHÍNH
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án). Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ năm nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Kết nối, chia sẻ thành công với dữ liệu về dân cư
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tổ chức vừa qua, chia sẻ kết quả công tác chuyển đổi số thời gian qua, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hiện nay, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai chuyển đổi số tương đối toàn diện, thông suốt theo mô hình tập trung từ Trung ương xuống địa phương. Các hoạt động nghiệp vụ của ngành cũng như tương tác với người dân và đơn vị sử dụng lao động đều dựa trên nền tảng dữ liệu. Đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 500 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc. Đã triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 4 cho 100% thủ tục hành chính của ngành trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Năm 2021, hệ thống giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử tiếp nhận và xử lý hơn 220 triệu lượt hồ sơ.
Ngay khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được công bố triển khai, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên được Bộ Công an lựa chọn để thực hiện kết nối, chia sẻ. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, là ngành phục vụ hơn 90% số dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và giao dịch điện tử hằng năm đạt hơn 220 triệu hồ sơ, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi số, giảm thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, nhất là chống gian lận và trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp Bộ Công an thực hiện chia sẻ khoảng 33 triệu lượt thông tin công dân có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực. Đây là nền tảng, cơ sở quan trọng để Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chuẩn xác, hoàn thiện, làm giàu thêm thông tin cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Việc xác thực tự động thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hỗ trợ quan trọng ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số trên thiết bị di động thông minh, hiện đã có gần 30 triệu lượt tải, cài đặt, sử dụng. Hiện nay, để hỗ trợ công dân giảm thủ tục giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp Bộ Công an và Bộ Y tế để triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thay cho thẻ bảo hiểm y tế giấy...
Đặc biệt, trong năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với việc xác thực tự động thông tin người lao động với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu tài khoản của các ngân hàng, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện xác thực thông tin rất nhanh và chính xác, bảo đảm chi trả hỗ trợ kịp thời, chính xác cho người lao động trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19.
Kết nối, liên thông dữ liệu để phục vụ người dân và doanh nghiệp
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh, việc triển khai Đề án là phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Những mục tiêu Đề án xác định trong năm 2022 cho thấy một khối lượng công việc rất nhiều, quy mô lớn, là một trong những dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay và tiến hành trên phạm vi rộng trên toàn quốc, toàn dân và sự phối hợp của nhiều bên liên quan, giữa các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông lớn và người dân, cộng đồng doanh nghiệp; trong đó Bộ Công an sẽ đóng vai trò nòng cốt thực hiện Đề án...
Với khối lượng công việc lớn và không ít khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án. Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Công an nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thông tin vắc-xin, xét nghiệm Covid-19, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm xác thực chính xác thông tin...
Để triển khai hiệu quả Đề án, với kinh nghiệm và kết quả đạt được trong việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm thời gian vừa qua, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề xuất, Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ để thực hiện xác thực với toàn bộ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tiếp tục hỗ trợ việc xác thực thông tin nhân khẩu trong hộ gia đình từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để việc thực hiện gia hạn, đóng bảo hiểm y tế cho hộ gia đình; sớm đưa vào xác thực bằng công nghệ sinh trắc tại các điểm thực hiện thủ tục hành chính cần xuất trình giấy tờ tùy thân...