Ảnh minh họa của: TL
Ngày 11/6, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến góp ý xây dựng Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 để trình Bộ TN&MT, trình Chính phủ phê duyệt.
Theo Tổng cục Biển và hải đảo, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030.
Đây là chương trình mang tính chất quốc gia, nhằm hiện thực hóa giải pháp được đánh giá là quan trọng hàng đầu trong thực hiện Nghị quyết của Đảng, đó là “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội”. Trong đó, xác định nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, đa dạng hoá các hình thức, nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế; Khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là duy trì môi trường hoà bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện Nghị quyết.
Góp ý vào Dự thảo Chương trình truyền thông, đa số các đại biểu nhất trí cao là cần phải đưa ra một chương trình truyền thống mang tính chất bao quát, phủ trùm tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương kể cả có biển hoặc không có biển. Bởi giá trị môi trường, sinh thái, vị trí địa lý của biển ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các ngành kinh tế, ảnh hưởng đến chủ quyền, an ninh môi trường, chủ quyền đất nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, mục tiêu cần đưa ra mang tính khả thi, không nên đặt cao quá; Chương trình truyền thông cần đi thẳng vào vấn đề truyền thông, xác định rõ đối tượng truyền thông, vị trí truyền thông trong Nghị quyết 36 và các văn bản khác…
Góp ý cho dự thảo Chương trình, nhiều đại biểu cũng cho rằng, giao việc xây dựng chương trình truyền thông hằng năm cho các bộ, ngành là những ngành mũi nhọn trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế biển, phần kinh phí và tổ chức truyền thông trên các kênh các nhau… Chương trình truyền thông phải hình thành được một hệ thống tài liệu truyền thông cụ thể để phổ biến đến các đối tượng; cần làm rõ nhiệm vụ xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở, mở các chuyên mục biển đảo trên các ấn phẩm báo chí ngay từ bây giờ bởi Nghị quyết 36- NQ/TW đã ban hành được 2 năm…
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các bộ, ban, ngành để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Chương trình trong thời gian sớm nhất./.