Ảnh minh họa.
Sự cần thiết phải xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số và nền kinh tế số thực chất, hiệu quả
Thứ nhất, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính công hiện đại, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động sâu rộng, mạnh mẽ, đa diện đến các khía cạnh của đời sống xã hội, làm thay đổi các quan hệ xã hội, các quan hệ pháp luật và công nghệ quản lý. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số (DT), trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)... đòi hỏi các quốc gia phải nâng cao năng lực quản trị công và hoàn thiện pháp luật, mà trước hết là xây dựng, phát triển chính phủ điện tử để tiến tới chính phủ số và chính phủ thông minh.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động của nền hành chính công.
Sự vận hành của chính phủ truyền thống diễn ra thủ công, trải qua nhiều thủ tục, tốn nhiều công sức và tài chính cho cả nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Với lợi thế của việc ứng dụng ICTs, chính phủ điện tử có thể khắc phục những hạn chế trong hoạt động của chính phủ truyền thống. Thông qua chính phủ điện tử, người dân có thể thực hiện nhiều dịch vụ và các thủ tục hành chính một cách thuận tiện, giúp giảm thời gian và chi phí. Xét về tính hiệu quả xử lý các dịch vụ giữa chính phủ điện tử và chính phủ truyền thống, việc tin học hóa và tự động hóa thủ tục hành chính của chính phủ điện tử cho phép giải quyết các dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn, gọn hơn, đơn giản hơn rất nhiều. Chính phủ điện tử làm đơn giản hóa các thủ tục, giảm bớt các khâu rườm rà trong thủ tục và nâng cao hiệu quả của quá trình phê duyệt, chú trọng việc cung cấp các dịch vụ nhanh chóng, hiệu quả. Hơn nữa, người dân và doanh nghiệp còn được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, dễ dàng hơn, và giảm được các chi phí cho việc thu thập thông tin. Chính phủ điện tử sẽ giúp các cơ quan của Chính phủ phối hợp hoạt động có hiệu quả để đưa ra các quyết định chính xác và kịp thời.
Với những giao dịch trực tuyến, chính phủ điện tử sẽ giúp giảm tối đa sự tham gia trực tiếp của cán bộ, công chức trong việc cung cấp kịp thời, có hiệu quả các dịch vụ công cho người dân. Qua đó, giúp nâng cao tính công khai, minh bạch, đồng thời có thể thu thập rộng rãi ý kiến của người dân trong quá trình hoạch định, thực thi và giám sát chính sách của Chính phủ.
Thứ ba, xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Chính phủ điện tử là nên tảng để chuyển từ nền hành chính truyền thống sang nền hành chính phát triển, mà thực chất là chuyển từ nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ. Trong chính phủ điện tử, công dân là khách hàng; quan hệ “xin - cho” phổ biến trong chính phủ truyền thống được chuyển thành quan hệ “phục vụ, cung ứng dịch vụ” trong chính phủ điện tử. Qua đó, chính phủ điện tử góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính công, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mạnh mẽ nền hành chính vận hành theo cơ chế thị trường, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, chính phủ điện tử sẽ khắc phục và đẩy lùi những tiêu cực trong hoạt động công vụ, như cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì trệ, quan liêu... Với việc cung ứng các dịch vụ công trực tuyến, chính phủ điện tử sẽ giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp theo đúng thủ tục, trình tự, thời gian, chất lượng theo tiêu chuẩn quy định. Người dân, doanh nghiệp không phải lãng phí các khoản chi phí về thời gian, công sức, tiền bạc để có thể thụ hưởng các dịch vụ công ngoài khoản lệ phí sử dụng dịch vụ. Qua đó, tính hiệu quả và chất lượng quản lý của bộ máy nhà nước và sự hài lòng của người dân đối với nhà nước được nâng lên.
Kết quả xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam trong thời gian qua
Trước yêu cầu phát triển đất nước và hiện đại hóa nền hành chính, Việt Nam đã từng bước xây dựng chính phủ điện tử. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nổi bật là hệ thống một cửa hiện đại cấp huyện, xã, mô hình Trung tâm hành chính công; hệ thống xác thực hồ sơ điện tử của công dân, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện các giao dịch hành chính. Mạng lưới kết nối thông tin giữa các cơ quan, đơn vị ngày càng mở rộng, hình thành cơ sở dữ liệu chung trong nhiều lĩnh vực quản lý.
Tính đến ngày 06/7/2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp, cung cấp 750 dịch vụ công trực tuyến; có gần 49 triệu lượt truy cập; hơn 187 nghìn tài khoản đăng ký; trên 11 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 168 nghìn hồ sơ được thực hiện; tiếp nhận, hỗ trợ trên 16 nghìn cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp qua Tổng đài 1800.1096; tiếp nhận, xử lý 6.870 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp(1). Hiện nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã kết nối, tích hợp với 18/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ triển khai xây dựng, tổ chức vận hành Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tính đến tháng 12/2019 đã cung cấp trên 220.000 chứng thư số cho 95 đầu mối (bao gồm Văn phòng Trung ương Đảng, 31 bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương) và 351 chứng thư số cho lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh. Trong đó, có 89/95 bộ, ngành, địa phương đã tích hợp chữ ký số, 06/95 đơn vị chưa tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành để sử dụng trong xử lý công việc. Theo số liệu báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 31/12/2018, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp 140.297 chứng thư số cho 30 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, chứng thư số đã cấp cho các bộ, ngành là 60.592, các tỉnh là 79.705. Số chứng thư đang hoạt động ở các bộ, ngành là 56.247, các tỉnh là 75.800(2).
Các bộ, ngành đã tích cực xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hình thành nên cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Cụ thể, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dữ liệu quốc gia về đất đai; dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; dữ quốc gia về tài chính; dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (thu thập thông tin cá nhân của khoảng 93 triệu người); dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; dữ liệu giáo dục; dữ liệu danh mục dùng chung của Bộ Y tế… Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến cuối tháng 6/2020, khoảng 65,21% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh(3).
Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng nhiều phần mềm, cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ xây dựng và phát triển chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Triển khai việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử, Văn phòng Chính phủ chính thức khai trương đưa vào sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia, kết nối liên thông để phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương và một số cơ quan khác trong hệ thống chính trị với 2,2 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận (kể từ ngày 12/3/2019 đến ngày 06/7/2020).
Từ năm 2016 đến tháng 3/2020, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, số cơ quan, đơn vị thực hiện việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản hoặc kết nối giữa các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của bộ, tỉnh với Trục liên thông văn bản quốc gia, ở các bộ, ngành là 1.668 cơ quan, đơn vị; số cơ quan triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản ở các bộ, ngành là 5.551 cơ quan, đơn vị. Đối với các tỉnh: tổng số là 44.233 cơ quan, đơn vị thực hiện việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản hoặc kết nối giữa các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với Trục liên thông văn bản quốc gia(4). Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (Hệ thống e-cabinet) chính thức được đưa vào sử dụng, góp phần đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ đã khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Một số bộ, ngành, địa phương cũng đã xây dựng Trung tâm điều hành tích hợp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Kon Tum, tỉnh Trà Vinh...
Theo đánh giá, nếu như năm 2016, Việt Nam xếp thứ 89 trên thế giới - tăng 10 bậc so với năm 2014; xếp thứ 6 trong khối ASEAN, đứng sau các nước: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Brunei(5), thì đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có hơn 2,6 nghìn dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số 6,7 nghìn thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu 9%) với hơn 99 triệu lượt truy cập(6); Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính phủ điện tử và các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đến nay, có khoảng 47 nghìn dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, mức độ 4 tại các bộ, ngành và địa phương. Đưa vào vận hành trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Hiện nay, 100% các bộ, ngành, địa phương có cổng thông tin điện tử; các cơ quan, đơn vị trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện có trang thông tin điện tử; thông tin cập nhật trên công thông tin/trang điện tử ngày càng đa dạng, phong phú, số lượng tin, bài được cập nhật thường xuyên. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, năm 2020 Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, duy trì đà tăng liên tục từ năm 2014 (99/193), được xếp vào nhóm các nước phát triển chính phủ điện tử ở mức cao và cao hơn chỉ số trung bình thế giới(7), trong đó chỉ số về dịch vụ công trực tuyến cũng có bước tiến bộ nhất định so với các chỉ số thành phần khác (cụ thể trong Bảng Chỉ số phát triển chính phủ điện tử Việt Nam) dưới đây:
Năm |
Chỉ số chung |
Chỉ số các thành phần |
Vị trí nguồn nhân lực |
||
Nguồn nhân lực |
Dịch vụ công trực tuyến |
Hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông |
|||
2010 |
0.4454 |
0.1036 |
0.0746 |
0.2672 |
90 |
2012 |
0.5217 |
0.4248 |
0.3969 |
0.7434 |
83 |
2014 |
0.4705 |
0.4173 |
0.3792 |
0.6148 |
99 |
2016 |
0.5143 |
0.5725 |
0.3715 |
0.5989 |
89 |
2018 |
0.5931 |
0.7361 |
0.3890 |
0.6543 |
88 |
2020 |
0.6665 |
0.6529 |
0.6694 |
0.6779 |
86 |
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam vẫn còn những rào cản, như tâm lý trì trệ, ngại đổi mới trong một bộ phận cán bộ, công chức; trình độ, kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông của cán bộ, công chức, viên chức không đồng đều. Bên cạnh đó, hạ tầng ICTs ở Việt Nam còn những hạn chế nhất định. Cơ sở dữ liệu tại các cơ quan hành chính để trích xuất, chia sẻ thông tin còn gặp nhiều vướng mắc. Sự phối hợp giữa các cơ quan ngành dọc và các cơ quan hành chính tại địa phương trong ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả và toàn diện. Hạ tầng công nghệ thông tin ở cấp xã chưa được quan tâm đúng mức, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, công chức cấp xã còn chưa cao. Ngoài ra, còn thiếu đồng bộ giữa hệ thống hạ tầng ICTs với nguồn nhân lực và cơ sở pháp lý. Trên thực tế, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông ở nước ta vẫn chưa hoàn thiện; nhiều nơi, người dân chưa có điều kiện tìm hiểu, học hỏi, phổ cập kiến thức về tin học, viễn thông; do đó, việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến khó đem lại hiệu quả như mong muốn trong thời gian ngắn.
Một số giải pháp xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số và nền kinh tế số trong thời gian tới
Để xây dựng chính phủ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, cần sớm ban hành Luật Chính phủ điện tử. Bởi vì, hiện nay cơ sở pháp lý xây dựng chính phủ điện tử được quy định ở nhiều văn bản, mà chưa có quy định chung ở một văn bản luật, cụ thể như: Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018… Trong đó, việc tổ chức quản lý phát triển chính phủ điện tử phải rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ và có quyền hạn tương ứng, đặc biệt là quyền phân bổ ngân sách, có đội ngũ chuyên nghiệp có đủ năng lực để triển khai chính phủ điện tử các cấp, các ngành.
Hai là, tập trung nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng cho phát triển chính phủ điện tử, trong đó tập trung vào việc tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương; đơn giản hóa các thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; hoàn thiện môi trường pháp lý tạo điều kiện phát triển chính phủ điện tử; chọn lựa các dự án chủ đạo tạo nền tảng cho chính phủ điện tử trong mỗi giai đoạn để tập trung nguồn lực thực hiện; dịch vụ chính phủ điện tử phải hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp; sẵn sàng chia sẻ, hợp tác quốc tế để phát triển chính phủ điện tử.
Ba là, áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin. Trọng tâm là tăng cường công tác tổ chức, triển khai chủ trương của Đảng và pháp luật về chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số và phát triển chính phủ điện tử, trong đó: 1) Chuẩn hóa hệ thống thông tin quốc gia nhằm chia sẻ thông tin, quản lý chất lượng thông tin thống nhất, trong đó việc xây dựng trung tâm dữ liệu số quốc gia; 2) Hoàn thiện cơ chế tài chính đầu tư cho dự án công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy việc triển khai dự án; 3) Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai chính phủ điện tử; 4) Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về chính phủ điện tử đến đội ngũ cán bộ, công chức để hiểu được tầm quan trọng và sự cần thiết trong việc xây dựng chính phủ điện tử; 5) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡngnhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm trong triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam./.
-------------------------------
Ghi chú:
(1),(2),(3),(4) Chính phủ, Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030.
(5) Văn phòng Chính phủ, Báo cáo số 786/BC-VPCP ngày 25/01/2017 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về chính phủ điện tử năm 2016.
(6),Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.53.
(7) UN (2010), United Nations E-Government Survey 2010: Leveraging e-government at a time of financial and economic crisis, N.Y, p.114; UN (2012), United Nations E-Government Survey 2012: E-Government for the People, N.Y, p. 126; UN (2014), United Nations E-Government Survey 2014: E-government for the future We want, N.Y, p. 203 ; UN (2016), United Nations E-Government Survey 2016: E-government in support of Sustainable Development, N.Y , p. 158; UN (2018), United Nations E-Government Survey 2018: Gearing E-government to support transformation towards sustainable and resilient societies, N.Y, p. 236; UN (2020), United Nations E-Government Survey 2020: Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development With addendum on COVID-19 Response, N.Y , p. 279.
PGS.TS Trương Hồ Hải - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS Đặng Viết Đạt - Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh