Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kêNguyễn Thị Hương cho biết, nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng tăng cả về khối lượng, mức độ chi tiết và chất lượng thông tin thống kê; yêu cầu về tính kịp thời và tính minh bạch của thông tin thống kê ngày càng cao … Do đó, việc xây dựng Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần thiết.
Tổng cục Thống kê cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thống kê Việt Nam đã có những tiến bộ và phát triển hơn so với trước đây. Năng lực của ngành thống kê Việt Nam trong 10 năm qua đã được cải thiện và đạt được một số thành công như: hoàn thiện thể chế cho hoạt động thống kê, dữ liệu thống kê ngày càng nhiều, đa dạng, phong phú, cơ sở hạ tầng cho hoạt động thống kê được bảo đảm tốt hơn rất nhiều so với năm 2010. Nhìn chung, thống kê Việt Nam hiện đang ở mức trung bình khá trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thống kê Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: thông tin thống kê được công bố chưa tương xứng với nguồn dữ liệu sẵn; phương pháp, tiêu chuẩn, quy trình thống kê chưa được hoàn thiện theo chuẩn quốc tế; việc tư liệu hóa, số hóa các hoạt động thông kê chưa đáng kể. Bên cạnh đó, so với bối cảnh năm 2010 khi xây dựng Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng đã có nhiều thay đổi về hình thái hoạt động của các chủ thể sản xuất, sử dụng và cung cấp thông tin thống kê…
Nhằm định hướng sự phát triển, đưa ra các mục tiêu, chương trình hành động và giải pháp cụ thể để Thống kê Việt Nam tiếp tục phát triển trong giai đoạn 10 năm tiếp theo, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, dự thảo nêu rõ mục tiêu tổng quát của chiến lược nhằm giúp thống kê Việt Nam đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững theo hướng hiện đại với mô hình tổ chức hợp lý, nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp, công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, sản xuất và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng thông tin ngày càng tăng lên của xã hội. Cùng đó, phấn đấu đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.
Cụ thể, mục tiêu Chiến lược phát triển thống kê giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra phấn đấu đến năm 2025 thay thế được 30% nguồn dữ liệu điều tra thống kê, đến năm 2030 thay thế được 60%.
Mức độ thực hiện Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 (SNA2008) đạt mức 4/6 vào năm 2025, đạt mức 5/6 vào năm 2030; 100% chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn và công bố theo chuẩn mực thống kê Việt Nam vào năm 2025 và 100% chỉ tiêu thuộc bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số được biên soạn và công bố vào năm 2030.
Đồng thời, tăng cường cung cấp dữ liệu vi mô theo yêu cầu của người sử dụng thông tin thống kê với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cung cấp dữ liệu vi mô tăng gấp 3 lần và đến năm 2030 tăng gấp 10 lần so với năm 2020…
Nhằm triển khai có hiệu quả các mục tiêu đề ra, dự thảo đã đưa các chương trình hành động, cụ thể như: xây dựng, hoàn thiện và áp dụng đồng bộ các chuẩn mực, quy trình thống kê Việt Nam theo chuẩn mực và thông lệ thống kê quốc tế; hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu; tăng cường phân tích và dự báo.
Đồng thời, biên soạn, phổ biến thông tin thống kê; tư liệu hóa công tác thống kê; chuyển đổi số công tác thống kê; hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực thống kê; tăng cường năng lực thống kê bộ, ngành ở trung ương; sở, ngành ở địa phương; thống kê xã, phường, thị trấn; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê…/.