Xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP hấp dẫn: Nâng giá trị, hút khách hàng

Thứ năm, 01/06/2023 19:48

Sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có quy mô không lớn, nhưng độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra. Đây chính là yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thương trường. Vì vậy, trong bộ Tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, câu chuyện sản phẩm chiếm 10/100 điểm của thang điểm. Việc xây dựng câu chuyện sản phẩm, tạo ra sự khác biệt không chỉ góp phần lôi cuốn khách hàng, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

h77.png

 Giúp gia tăng giá trị

Xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa nổi tiếng với nghề làm nhạc cụ dân tộc. Năm 2022, anh Dương Minh Cường, một thợ làm đàn ở Đông Lỗ đã chọn 7 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP, gồm đàn bầu, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tì bà, đàn tranh, đàn tam, đàn nhị. Anh Cường cho biết, các cây đàn đều được làm bằng chất liệu gỗ mun và gỗ hương. Một số loại đàn như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tì bà còn được khảm trai đẹp mắt. Điều đáng nói, không giống với đàn của các nhà máy sản xuất đồng loạt, mỗi cây đàn của gia đình được làm thủ công, tạo ra sự khác biệt riêng về âm thanh, kiểu dáng... Sự độc đáo này luôn được anh Cường giới thiệu với khách hàng, từ đó thuyết phục được người mua hàng.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá được 2.167 sản phẩm OCOP. Trong số 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (theo quy định sản phẩm được chứng nhận đủ 36 tháng phải đánh giá để công nhận lại), thì có 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao. Với các sản phẩm 4 và 5 sao, việc xây dựng câu chuyện sản phẩm được các chủ thể thực hiện khá tốt; số còn lại phần lớn chỉ biết sản xuất, chưa quan tâm nhiều đến việc kể câu chuyện sản phẩm cho hay, thú vị, hấp dẫn.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, chuyên viên Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP chủ yếu là hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn, nên không đủ tiềm lực để quảng cáo sản phẩm. Hơn nữa, sản phẩm làm ra không nhiều để đưa vào các kênh phân phối lớn nên phải khai thác, tiếp cận thị trường theo một cách khác, dựa vào sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm. Và, câu chuyện sản phẩm chính là công cụ hiệu quả để thực hiện truyền thông, quảng bá cho OCOP.

"Câu chuyện sản phẩm" là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, đến người mua, nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm. “Một bó rau muống thông thường chỉ có giá từ 5 nghìn đến 10 nghìn đồng, nhưng với rau muống được gắn với câu chuyện tiến vua, được trồng và chăm sóc kỳ công… thì giá của bó rau đó có thể tăng gấp 10 lần”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường dẫn chứng.

Đặc sắc trong từng sản phẩm

Xây dựng câu chuyện sản phẩm tốt có thể giúp sản phẩm OCOP tăng giá trị lên nhiều lần. Muốn làm tốt việc này, phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, cộng đồng về sản phẩm đó. Chỉ có người trong cuộc mới biết được lịch sử hình thành và phát triển sản phẩm như thế nào, nó có sự tích gì, nét văn hóa ra sao.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các huyện, thị xã của thành phố hỗ trợ chủ thể lựa chọn sản phẩm tham gia, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP, trong đó có việc viết câu chuyện cho sản phẩm.

Là đơn vị tư vấn cho rất nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố, Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Kinh Bắc Trần Thị Vân Anh thông tin: “Trước khi tư vấn, chúng tôi tìm hiểu kỹ quy trình sản xuất, truyền thống của gia đình, địa phương… để giúp chủ thể kể câu chuyện của sản phẩm một cách hấp dẫn, đặc sắc, nhất là sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại”.

Còn theo chuyên viên Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Đặng Văn Cường, các chủ thể OCOP không nên giới thiệu chung chung mà phải tìm được điểm khác biệt của sản phẩm, giới thiệu được nét tinh túy, cầu kỳ trong cách làm. Nội dung giới thiệu phải toát lên được hồn, cốt của sản phẩm và niềm tự hào của vùng quê ấy.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ xúc động khi tham quan các gian hàng trưng bày nông sản, sản phẩm OCOP của Thủ đô. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp Thủ đô có sự khác biệt đối với các địa phương khác. Đó là giá trị văn hóa, lịch sử, những dấu ấn của địa danh Hà Nội trong sản phẩm... tưởng như vô hình, nhưng lại rất có giá trị làm nên thương hiệu sản phẩm. Do đó, để giúp chủ thể tham gia Chương trình OCOP sáng tạo ra những câu chuyện sản phẩm có ý nghĩa, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc trưng; mở các lớp tập huấn, xây dựng bộ bài giảng cho từng nhóm đối tượng, từng nhóm sản phẩm; mở rộng mạng lưới tư vấn, nhất là các chuyên gia về văn hóa, mỹ thuật công nghiệp, công nghiệp chế biến khi tư vấn cho các chủ thể OCOP. Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, ưu tiên tôn vinh các sản phẩm có câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện bản sắc địa phương.

 

theo hanoimoi.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top