Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm
Theo ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, quan điểm CĐS của Bắc Giang là phải lấy người dân và DN làm trung tâm. Chính vì thế, mọi hoạt động của chính quyền trong công cuộc CĐS phải hướng đến phục vụ người dân và DN. Trước mắt, Bắc Giang sẽ tập trung nguồn lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất cho người dân và DN. Vừa qua, Bắc Giang đã xây dựng Cổng dữ liệu mở (Open Data) tỉnh Bắc Giang; duy trì, nâng cấp, mở rộng các Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung để phục vụ người dân và DN, đồng thời xây dựng Nền tảng kết nối dịch vụ số hóa tỉnh Bắc Giang để đảm bảo việc kết nối các dịch vụ số hóa với các ứng dụng tại đơn vị và Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; lưu trữ tài liệu được số hóa, làm hồ sơ gốc phục vụ cho việc quản lý, khai thác tài liệu điện tử.
Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất |
Trước đó, ngày 11/6/2021 Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, xác định mục tiêu tổng quát: “Phát triển chính quyền số tỉnh Bắc Giang tổng thể, toàn diện, có mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để đưa hoạt động của các cấp ủy, chính quyền lên môi trường số, đảm bảo an toàn thông tin; phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội”. Trong xây dựng Dự án Đô thị thông minh, Bắc Giang cũng xác định sẽ cung cấp các dịch vụ công chất lượng và kịp thời phục vụ người dân và DN để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, nhằm thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh, các hiệp hội, hội DN cấp tỉnh sẽ làm đầu mối để hỗ trợ phát triển kinh tế số, hỗ trợ DN CĐS; cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh thông qua việc tái tư duy hướng kinh doanh, tái đánh giá chuỗi giá trị, tái kết nối với khách hàng và từng bước thực hiện tái cấu trúc DN, nâng cao năng lực nội tại của DN. Chính vì vậy, CĐS DN đã được lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh Bắc Giang nhận định là một xu hướng tất yếu, phù hợp với sự phát triển của xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng. Mới đây, hơn 200 DN trên địa bàn tỉnh đã tham dự hội nghị tập huấn trực tuyến chuyên đề “Nhập môn CĐS - Xây dựng và vận hành một DN online” do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ DN - Hiệp hội DN tỉnh Bắc Giang tổ chức.
Thí điểm chuyển đổi số cho 300 doanh nghiệp
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 12.000 DN, chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông, Bắc Giang có khoảng 660 DN, hầu hết là kinh doanh thiết bị CNTT, điện tử viễn thông và sửa chữa máy móc, thiết bị; một bộ phận nhỏ sản xuất, đào tạo, triển khai phần mềm CNTT. Hoạt động CĐS ở các DN thời gian qua được thực hiện khá mạnh mẽ trên cơ sở ứng dụng CNTT vào sản xuất, kinh doanh, xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính DN và hiệu ứng tác động của chủ trương, chính sách mà tỉnh đề ra.
Theo đánh giá, Bắc Giang là một trong 20 địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu CNTT, số lượng DN và lực lượng lao động CNTT. Tuy nhiên, nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa vẫn đang lúng túng, thụ động trong quá trình CĐS, chưa xác định rõ lộ trình, kế hoạch CĐS, ứng dụng CNTT, công nghệ số. Vừa qua, 300 DN trên địa bàn tỉnh đã được Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ DN thuộc Hiệp hội DN tỉnh Bắc Giang lựa chọn để hỗ trợ thực hiện thí điểm CĐS trong năm 2021. Trong số 300 DN này có 200 DN là hội viên Hiệp hội và 100 DN không phải là hội viên. Ông Dương Thanh Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ DN tỉnh - cho biết, các DN được lựa chọn tham gia thuộc tất cả các lĩnh vực.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Giải pháp về CĐS cho DN vừa và nhỏ tỉnh Bắc Giang” nhằm giúp DN CĐS hiệu quả, nhanh chóng tiếp cận các xu hướng, giải pháp công nghệ mới, qua đó đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT trong DN, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh; phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ và Hội Nữ doanh nhân tổ chức lựa chọn các DN nhỏ và vừa có nhu cầu thực hiện CĐS nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; tổ chức tuyên truyền “Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi” trên Cổng thông tin điện tử nhằm truyền thông, lan tỏa và nâng cao nhận thức cho cộng đồng DN, HTX về CĐS; tuyên truyền trên nhóm Zalo “Trợ giúp DN - HTX tỉnh Bắc Giang”; tuyên truyền, hướng dẫn DN đăng ký tham gia chương trình CĐS do Bộ TT&TT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Kết quả đến nay có 52 DN vừa và nhỏ đã đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư sử dụng các phần mềm phục vụ CĐS.
Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ hướng dẫn, giúp đỡ các DN nắm được nội dung và vận hành thành thạo các ứng dụng công nghệ số (CNS) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với chương trình thí điểm này, các DN được hỗ trợ, tập huấn, đào tạo ở một số nội dung chính như: Xây dựng thương hiệu DN trên online; phương pháp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ online; cách thu hút khách hàng từ môi trường online; phương pháp quản trị hoạt động DN giúp giải phóng CEO; tự động hóa DN và lộ trình tự động hóa…
Ngay sau khi kết thúc, Trung tâm sẽ đánh giá, tổng kết chương trình và nhân rộng mô hình CĐS trong DN trên địa bàn tỉnh vào năm tiếp theo. Ông Nguyễn Gia Phong - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang - cho biết: Bắc Giang tập trung phát triển DN CNS, bao gồm các DN khởi nghiệp ứng dụng CNS để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; các DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về CNS; thúc đẩy phát triển 3-5 DN CNS điển hình, từng bước thúc đẩy CĐS trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.