Ảnh minh họa
Thạnh An gồm hai đảo nằm giữa khu vực hai con sông Thị Vải và Lòng Tàu hợp thành đổ ra biển, nhưng phải đến tháng 4/2021 mới được công nhận là xã đảo. Từ đó, cư dân vùng biển hy vọng những chính sách hỗ trợ mới sẽ giúp xã đảo vươn lên phát triển bền vững kinh tế biển, du lịch sinh thái...
Tìm đến Thạnh An trong một ngày oi nắng, trên chuyến tàu thường nhật ngày ngày đưa người dân xã đảo ra vào đất liền, chúng tôi mất 45 phút từ cảng Tắc Xuất mới cập bến trung tâm xã đảo. Chủ tàu là anh Tèo “đò” (tên thật là Tùng), kể: “Mỗi ngày, cứ hai tiếng có một chuyến tàu đi, mỗi khách chỉ mất 15 nghìn đồng. Dạo này giá dầu tăng mạnh nhưng tiền vé không đổi vì đẩy lên thì sợ dân không đi. Họ quen rồi!”.
Chuyến tàu lúc 12 giờ trưa nhưng vẫn có gần 30 khách, là một niềm vui với những chủ tàu như anh Tèo “đò” vì chỉ mấy tháng trước, tàu chở khách nhưng chủ yếu toàn vận tải miễn phí hàng hóa, rau củ quả từ đất liền ra đảo do dịch Covid-19. Dù buồn vui lẫn lộn nhưng anh Tèo “đò” vẫn trò chuyện một cách hóm hỉnh: “Vợ chồng mình toàn tâm tình nguyện hỗ trợ bà con ấp xóm, nhưng tất nhiên là chỉ chở hàng chứ không chở Covid đâu nha”...
Những ngày này, xóm đảo dường như đã trở lại cuộc sống bình thường mới, dịch bệnh không thể làm mất đi sự bình yên vốn có của cư dân nơi đây. Ai nấy đều đeo khẩu trang khi tiếp xúc, nhưng chuyện trò cười nói, làm việc rôm rả. Hầu hết người dân trên đảo đã tiêm đủ ba mũi vắc-xin phòng Covid-19, trừ trẻ nhỏ. Có lẽ bởi vậy mà Thạnh An là địa phương đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh cho học sinh lớp 1, 2, 6, 9 và 12 đi học trực tiếp từ ngày 20/10/2021 và vẫn đạt hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Lúc này cũng là thời điểm nhà bà Trần Thị Dương (tổ 34, ấp Thạnh Bình) bắt đầu mở lại quầy ăn sáng để phục vụ cho người lớn đi làm, trẻ em đi học trong ngôi nhà khang trang mới được sửa lại mấy năm nay. “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, nhà thì lụp xụp. Nhờ kinh phí xây dựng nông thôn mới đã có tiền sửa sang, thuận lợi buôn bán hơn”, bà Dương chia sẻ. Con gái bà Dương cũng được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại Tổ thu gom rác dân lập do là người địa phương, từ đó có lương ổn định hằng tháng. Gia đình đã bớt khó khăn.
Đi dọc khắp ngõ hẻm trung tâm xã nay thấy toàn những ngôi nhà chia lô vuông vức, kiên cố dù đã có đôi chút nhuốm màu thời gian. Đường đổ bê-tông xuyên xóm khang trang, sạch sẽ. Nhưng ngạc nhiên nhất là hệ thống camera an ninh hiện đại được lắp đặt tại các địa điểm đông người, một ý tưởng do các đảng viên đề xuất và trực tiếp thực hiện. Ông Mai Thanh Hoàng, Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Bình kể: Mới đầu, các đảng viên trong chi bộ tự vận động nhau đóng góp lắp hệ thống camera nhằm tạo công cụ để người dân ý thức hơn trong việc dọn vệ sinh chung, thu gom rác. Chỉ trong một tháng vận động, với 10 triệu đồng thì hệ thống 12 camera an ninh đã được lắp dọc các tuyến đường.
Tuy nhiên, sau đó phát sinh tiền điện, tiền wifi để duy trì hệ thống thì rất đáng mừng là các hộ dân đã tình nguyện chi trả. Trong đó có gia đình hộ nghèo của bà Trần Thị Dương đi đầu ủng hộ: “Khi các ổng đến ngỏ ý lắp camera trước cửa nhà và muốn nhờ đường điện gia đình thì tôi đồng ý ngay chứ không nghĩ nhiều. Mình cũng được Nhà nước giúp bao năm qua rồi”, bà Dương nói.
Sống chân thật và hết mình vì cộng đồng là một điểm sáng của người dân xã đảo Thạnh An chứ không riêng bà Dương, anh Tèo “đò”. Theo chân anh Cao Văn Hậu, cán bộ Văn phòng UBND xã Thạnh An đến ấp Thiềng Liềng, tự nhiên thấy anh dừng vội dưới chân cột điện, trước mặt là hai người đàn ông mặt đen xạm, đang hí hoáy treo, lắp chiếc đèn điện mặt trời. Hóa ra ấp vừa được tài trợ bảy chiếc đèn dạng này, hy vọng cứu cánh cho 4 km đường đê bao quanh thường tối đen như mực vào ban đêm.
Dường như bỏ quên tôi, ba người loay hoay lắp, tháo, lắp đến khi trời đã nhá nhem tối mới xong. Trên đường về, cán bộ xã này dường như vẫn chưa yên lòng. Đến nhà, anh liền rút vội điện thoại, vừa gửi ảnh đèn được lắp đặt xong, vừa gọi đến nhà tài trợ: “Anh ơi, em vừa gửi ảnh đèn đã lắp, hiệu quả lắm. Nhưng anh xem còn đơn vị nào có thể hỗ trợ thêm 10 chiếc dạng này cho ấp được không? Vẫn còn tối quá”... Hậu lấy vợ, sinh con ở ấp đảo Thiềng Liềng đã nhiều năm, đường Thiềng Liềng có sáng đèn thì nhà anh cùng mấy chục hộ dân khác mới sáng lòng, nhìn đến tương lai vượt khó thoát nghèo.
Vượt khó thoát nghèo
Thực tế là “khúc ruột” của thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn rất nhiều khó khăn. Xã đảo Thạnh An có địa hình biệt lập, nằm cách trung tâm huyện Cần Giờ 7 km đường thủy. Xã có ba ấp, với 42 tổ nhân dân, 1.131 hộ và 4.512 nhân khẩu. Phần lớn cư dân sống ở trung tâm xã (thuộc ấp Thạnh Bình và ấp Thạnh Hòa); số còn lại sống phân bố rải rác tại ấp Thiềng Liềng, một đảo độc lập nằm cách đảo trung tâm xã 6 km đường thủy; đồng nghĩa với thời gian đi lại của người dân giữa hai đảo của Thạnh An gần bằng hành trình từ xã đảo này đến đất liền. Anh Yến, cư dân sống ở ấp Thiềng Liềng kể: “Hằng ngày, người dân hay cán bộ xã ra đảo trung tâm làm việc đều phải đi xuồng máy, vòng qua rừng Sác cũng phải mất 40 phút nếu thời tiết bình thường. Học sinh đi học phải xuất phát từ 5 giờ 30 phút”.
Địa hình khó khăn, thiên nhiên ở xã đảo này cũng rất khắc nghiệt. Từ xa xưa, hai hòn đảo của Thạnh An đều không có nước ngọt, khoan đến đâu cạn đến đó, buộc phải tận dụng nước mưa và mua nước ngọt từ ngoài về. Khó chồng khó có lúc đặt lên vai những cư dân của xóm đảo một bài toán thoát nghèo không hề dễ giải, nhưng thời gian cuối cùng cũng đã cho câu trả lời.
Năm 1973, ông Nguyễn Văn Đổi (tổ 39, ấp Thiềng Liềng) cùng cha lần đầu vượt biển đặt chân lên mảnh đất Thạnh An, sang tận Thiềng Liềng để dựng nhà. Trải qua những ngày đầu gian khó chỉ mò cua bắt ốc, đốn củi khô sống qua ngày, nhưng gia đình ông trong quá trình khai hoang đất đã sớm phát hiện tiềm năng của nghề làm muối, cho nên quyết định dù khó, dù khổ vẫn ở lại định cư: “Mỗi năm, người ấp Thiềng Liềng dùng 6 tháng mùa khô để làm muối, đem lại nguồn sống cho đời này qua đời khác”, ông Đổi nói.
Thu nhập trung bình khoảng 160 triệu đồng/vụ muối, ông vẫn thấy thật sự lãng phí đất đai khi không làm gì canh tác trong 6 tháng mùa mưa còn lại. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, ông tham gia đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm ở các địa phương khác, đem về áp dụng tại đất nhà: “Từ chỉ mấy nghìn, giờ gia đình tôi đã có 15 nghìn mét vuông nuôi tôm, sản lượng đạt 15 tấn/vụ, thu được 3-400 triệu đồng”. Hiện tường nhà ông Đổi treo chật bằng khen của các cấp, ngành về thành tích làm nông. Sáu đứa con của ông thì ba người phụ giúp cha, ba người tốt nghiệp đại học, làm việc ổn định ở nội đô thành phố Hồ Chí Minh.
Ở Thạnh An, giờ không ít nông dân có thu nhập như ông Nguyễn Văn Đổi bởi họ tích cực học hỏi, tìm tòi kiến thức để khai thác tối đa lợi thế tài nguyên biển. Năm 2021, toàn xã Thạnh An có 399 hộ nuôi hàu với tổng diện tích 25 ha, ước sản lượng đạt 1.400 tấn, giá bán từ 14-20 nghìn đồng/kg tùy kích cỡ. Không chỉ nuôi hàu, người dân xóm biển nhờ tiếp thu khoa học-công nghệ đã nuôi hiệu quả cá lồng bè, cua..., cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, Đặng Hoàng Sơn cho biết: “Sau khi nới lỏng giãn cách do dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường mới, chính quyền và nhân dân trong xã đã nhanh chóng bắt tay từng bước phục hồi kinh tế, sẵn sàng đi đầu trong mở cửa làm ăn trở lại”. Bên cạnh các ngành vươn biển, Thạnh An cũng đẩy mạnh lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp với doanh thu quý I/2022 ước đạt 16,5 tỷ đồng (đạt 33,8% so với kế hoạch, tăng 46% so cùng kỳ); ngành thương mại-dịch vụ ước đạt 7,3 tỷ đồng (đạt 44,7% so với kế hoạch, tăng 40% so cùng kỳ).
Ngoài làm kinh tế truyền thống, xã đảo Thạnh An giờ đây còn rất hứa hẹn bởi tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch ẩm thực, du lịch khám phá, du lịch homestay. Ngoài chợ trung tâm, người dân vẫn miệt mài vừa sản xuất, vừa bày bán những sản phẩm sơ chế thủy sản nổi tiếng của vùng như khô cá đù, mắm cá cơm, mắm tôm chua, cá khô, tôm khô, muối tôm... Chị Khánh Hà, du khách từ quận 3 (thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: “Lần nào tôi ra đây chơi cũng phải mua khô cá đù về để chiên lên ăn với cơm. Không đâu ngon bằng ở Thạnh An làm”.
Hiện du khách đến với xã đảo vẫn chủ yếu bằng hình thức nhỏ lẻ, ít có đoàn khách số lượng lớn, tuy nhiên chính quyền và người dân đang tích cực chuyên nghiệp hóa hoạt động lưu trú, tạo ra các tour, tuyến, địa điểm du lịch đặc trưng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng lực đáp ứng để tương lai gần có thể phát triển du lịch bền vững.
Có thể nói, người dân ấp đảo giờ đây đã biết tiếp thu và làm chủ những cái mới, nhưng vẫn giữ nguyên đức tính chăm chỉ, làm đủ mọi nghề lương thiện để sinh sống, miễn sao phù hợp từng lứa tuổi, khả năng. Mỗi sớm mai thức giấc, người 4 giờ sáng đã lên thuyền ra khơi đánh bắt hải sản, người thì đen sạm vì suốt ngày bám ruộng cào muối quần quật suốt mấy tháng trời... Nhưng tối đến, giữa gió trời mát lành từ biển cả, họ: Từ anh cán bộ xã đến người nông dân, ngư dân... rủ nhau, không ai bảo ai,... đi đờn ca tài tử.
Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp Thiềng Liềng từ đó ra đời, từng đại diện cho xã, huyện đi thi ở nhiều cuộc thi lớn như một sự ghi nhận cho đời sống tinh thần luôn được nâng cao hằng ngày ở xóm đảo, cũng như trở thành tương lai của ngành du lịch văn hóa địa phương.
Trên đảo vắng trong đêm, tiếng còi tàu hàng từ xa chốc lại hú lên từng hồi nhưng không át được tiếng đờn bài Đêm rừng Sác cứ vang vọng: Tôi đứng đây giữa mênh mông rừng Sác/ Rừng mênh mông biển nước mênh mông/... Rừng chở che ta, ta chung thủy với rừng. Vậy đó, lòng thủy chung và son sắt của người Thạnh An sẽ vẫn giúp họ đến với biển, làm giàu từ biển và không ngừng vươn lên giữa cuộc sống bình yên nơi phố thị đô hội lớn nhất đất nước.